Công ty con trai ông Trần Bắc Hà vừa từ chức làm ăn thế nào?
Từng là thành viên của Vinalines, Cảng Quy Nhơn là đơn vị sở hữu cảng biển tổng hợp quốc gia, trọng điểm khu vực miền Trung.
Bên cạnh việc là đơn vị vận hành hệ thống cảng biển trọng điểm của khu vực miền Trung, Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP) là một trong những công ty cảng có tài sản lớn nhất cả nước.
Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, tổng tài sản của Cảng Quy Nhơn đã vượt mốc 622 tỷ đồng.
Cảng biển lớn nhất khu vực Trung Bộ
Với lợi thế là cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam, hàng năm, Cảng Quy Nhơn là điểm bốc dỡ, tập kết của hàng chục triệu tấn hàng hóa, cao nhất trong các cảng ở khu vực Trung Bộ. Điều này giúp công ty thu về hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm và lãi ròng hàng chục tỷ đồng.
Theo đó, trong những năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Cảng Quy Nhơn tăng trưởng khá nhanh về lợi nhuận. Doanh thu từ năm 2014 đến nay đều đạt trên 300 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế đạt hàng chục tỷ đồng.
Trong quý III vừa qua, tuy doanh thu thuần công ty thu về không thay đổi nhiều so với cùng kỳ nhưng kết quả lợi nhuận của công ty lại bất ngờ giảm gần 30% chỉ đạt chưa tới 11 tỷ đồng.
Nguyên nhân được lãnh đạo Cảng Quy Nhơn đưa ra là lượng hàng hóa thông qua cảng trong quý III có sự sụt giảm 18% về sản lượng so với cùng kỳ năm 2016. Điều này dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ khai thác cảng giảm 5% so với doanh thu khai thác cảng cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, cả kết quả doanh thu và lợi nhuận của Cảng Quy Nhơn đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 9 tháng đầu năm Cảng Quy Nhơn ghi nhận 428 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18%, và báo lãi ròng 67 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, hoạt động dịch vụ cảng đang là nguồn thu chính của Cảng Quy Nhơn khi hàng năm đóng góp gần 90% vào tổng doanh thu của toàn cảng, còn lại là doanh thu đến từ hoạt động bán hàng đóng góp trên dưới 10% mỗi năm.
Cơ cấu sở hữu cô đặc
Trong năm 2016 vừa qua, Cảng Quy Nhơn cũng đã chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ hơn 10% (mỗi cổ đông hiện hữu nhận được 1.000 đồng/cổ phiếu nắm giữ). Tính đến cuối tháng 9, khoản lãi lũy kế của công ty còn lại là 54 tỷ đồng.
Trong cơ cấu sở hữu của Cảng Quy Nhơn, thực hiện cổ phần hóa từ năm 2013, nhưng đến đến cuối tháng 8/2014, Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn vốn tại đây thông qua Tổng Công ty Hàng hải Việt nam (Vinalines) sở hữu 98,02%, còn lại 1,82% là do cổ đông cá nhân trong nước nắm giữ.
Sau khi, Vinalines thoái vốn, vốn được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, nắm giữ tổng cộng hơn 86% vốn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, Khoáng sản Hợp Thành đã giảm lượng sở hữu xuống còn hơn 78% sau khi bán bớt lượng cổ phần mình nắm giữ.
Hiện tại, Cảng Quy Nhơn đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhưng vẫn chưa được phê duyệt.
Với đặc thù là kinh doanh dịch vụ cảng, tài sản cố định tại cảng chính là khối lượng tài sản lớn nhất của Cảng Quy Nhơn với giá trị nguyên giá lên tới 913 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính mới nhất của công ty, hiện nay số tài sản cố định này đã bị hao mòn lũy kế gần 80% giá trị. Giá trị tài sản cố định hữu hình còn lại tại cảng chỉ chưa tới 190 tỷ đồng.
Liên tiếp lãnh đạo cấp cao nói lời chia tay
Sở hữu kết quả kinh doanh khá tốt nhưng liên tiếp thời gian vừa qua Cảng Quy Nhơn chứng kiến sự "dứt áo ra đi" của nhiều lãnh đạo cấp cao công ty.
Mới đây nhất, ông Trần Duy Tùng, con trai cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà, bất ngờ chia tay vị trí Thành viên HĐQT tại Cảng Quy Nhơn. Trước ông Tùng, nhiều lãnh đạo khác như ông Nguyễn Thành Nam từ chức vị trí Thành viên BKS công ty và ông Hoàng Quách Việt cũng từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT cảng...
Cuối năm 2016, Cảng Quy Nhơn cũng đã chia tay hai phó tổng giám đốc công ty.
Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, bởi có dấu hiệu thất thoát tài sản Nhà nước tại đây.