Công ty Sữa Quốc tế IDP “ép” giá sữa: Người trong cuộc nói gì?
(Kiến Thức) - Việc Công ty CP Sữa Quốc tế IDP thu mua sữa giá rẻ cùng chi phí chăn nuôi cao khiến người dân Ba Vì đua nhau bán bò. Vậy, phía Công ty IDP nói gì?
Như Kiến Thức đưa tin, người dân huyện Ba Vì (Hà Nội) đang phải bán tháo hàng nghìn con bò sữa do giá thu mua sữa rẻ mạt của Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP, trong khi chi phí nuôi bò sữa tốn kém. Tới cám nuôi bò, nông dân cũng phải mua tại các trạm thu gom sữa của Công ty IDP với giá từ 315.000 đồng - 320.000 đồng/bao, cao hơn ở các đại lý thông thường (280.000 đồng/bao) từ 35.000 - 40.000 đồng. Đây là con số không nhỏ đối với bà con nông dân. "Nếu không mua cám ở trạm thu gom sữa thì sẽ khó khăn trong quá trình bán sữa bò tươi cho công ty IDP", một người chăn nuôi bò sữa tiết lộ.
|
Người nông dân nuôi bò sữa huyện Ba Vì đang gặp nhiều khó khăn do giá thu mua sữa nguyên liệu giảm. Ảnh Hải Ninh. |
Nhằm thông tin đa chiều về vụ việc phản ánh trên, PV Kiến Thức đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Nông vụ của Công ty Cổ phần Sữa Quốc Tế IDP. Tuy nhiên, bà Mai lấy lý do đã làm việc với UBND huyện Ba Vì liên quan vụ việc này và có lãnh đạo TP Hà Nội về dự nên thay vì trả lời những câu hỏi của PV, bà Mai đã "đá quả bóng" trả lời thông tin sang cho UBND huyện Ba Vì.
Do cơ chế thị trường...
Trao đổi với Kiến Thức, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, ông Bạch Công Tiến cho biết: "Việc đó là do thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân, huyện đã làm việc rồi. Đó là do cơ chế thị trường, chính quyền can thiệp có mức độ thôi".
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa (một trong những địa phương nuôi nhiều bò sữa nhất nhì huyện ba Vì, cũng là nơi người dân đang ngậm đắng, nuốt cay bán đi đàn bò sữa, vốn là ước vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương của họ), khẳng định: “Việc người dân trong xã bán đàn bò sữa là có. Thời gian qua, khoảng 700 con bò sữa đã bị bán đi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên như giá sữa chung giảm. Hiện giờ, nhiều hộ nuôi bò sữa, mỗi ngày sản lượng sữa có hơn 10kg/con bò nên khi giá sữa giảm chắc chắn các hộ đó sẽ gặp khó khăn. Bò sữa bán cũng đủ chủng loại như xấu, sản lượng sữa kém".
Về việc người dân phản ánh tình trạng các đại lý của công ty IDP bán cám với giá cao hơn thị trường, ông Nguyễn Phi Long cho hay: "Hiện tại ở Ba Vì chưa có nhà máy nào chế biến thức ăn gia súc tại địa bàn. Vật tư đều phải nhập ở các tỉnh khác. Việc các đại lý bán cám cao hơn giá thị trường, chính quyền xã chưa nắm được thông tin trên".
Làm gì để cứu đàn bò sữa Ba Vì và ổn định đời sống kinh tế cho nông dân?
Để cứu đàn bò sữa đang bị người dân bán tháo ở xã Vân Hòa, cần những giải pháp thiết thực, tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, ông Nguyễn Phi Long lại khuyên người dân nên thay vì nuôi bò sữa thì chuyển sang nuôi bò thịt.
"Nuôi bò sữa phải có điều kiện, vốn, đất đai để phát triển chăn nuôi. Có những hộ điều kiện không có về đất đai, nhân lực, vốn ít nhưng cũng nuôi bò sữa là không phù hợp. Cần có định hướng cho phù hợp, không nhất thiết phải nuôi bò sữa. Nhiều hộ khó khăn về các điều kiện thì nên hướng vào nuôi bò thịt. Khí hậu ở đây cũng rất tốt cho phát triển bò thịt", ông Nguyễn Phi Long nói.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 24/11/2016, ông Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với huyện Ba Vì và đại diện Công ty Cổ phần sữa Quốc tế IDP, Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì.
Sau khi nghe đại diện Công ty Sữa Quốc tế IDP, Công ty Sữa Ba Vì và lãnh đạo 2 xã Vân Hòa, Tản Lĩnh báo cáo thực trạng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đàn bò sữa suy giảm là do giá cả vật tư đầu vào tăng cao, chất lượng sữa không đảm bảo, giá thu mua sữa nguyên liệu giảm, người chăn nuôi không có lãi, dẫn đến tình trạng không tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi, trong đó có nhiều hộ chuyển đổi hình thức chăn nuôi bò sữa sang chăn nuôi lợn, gà…, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đào Đức Toàn đã có những chỉ đạo dụ thể...
Ông Đào Đức Toàn yêu cầu UBND huyện Ba Vì và các xã tăng cường công tác quản lý nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến người chăn nuôi thực hiện tốt việc chăn nuôi bò sữa, bò thịt và gia súc, gia cầm theo đúng quy hoạch; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ đối với các doanh nghệp trong việc phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm sữa.
|
Nhà máy sữa tại xã Tản Lĩnh (Ba Vì) của Công ty IDP. Ảnh Hải Ninh. |
Đối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sữa, ông Đào Đức Toàn đề nghị cần tăng cường đầu tư về vốn, giống, khoa học kỹ thuật giúp các hộ chăn nuôi bò sữa ổn định và phát triển được quy mô đàn, hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn con giống, thức ăn tốt để đảm bảo chất lượng sữa, từ đó nâng giá thu mua sữa lên.
Đối với các sở ngành của thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và siết chặt nguồn thức ăn trên địa bàn, khuyến cáo nhân dân sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng; tăng cương công tác thông tin tuyên truyền quảng bá sản phẩm sữa Ba Vì, đảm bảo để người chăn nuôi bò sữa có thu nhập ổn định, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đàn bò sữa của huyện tiếp tục được duy trì và phát triển.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cũng đề nghị các hộ chăn nuôi cần tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất sữa để đảm bảo năng suất chất lượng. Chú ý đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh trong chăn nuôi cũng như trong chế biến sản phẩm sữa.
Hiện, dư luận vẫn đặt câu hỏi: Việc thu mua sữa chiếm đến 80% sản lượng sữa tại Ba Vì có phải là lý do khiến Công ty CP sữa Quốc tế IDP được đặc quyền hạ giá sữa? Hơn nữa, thực tế IDP cũng đặt ra khá nhiều lý do sữa không đạt chất lượng để hạ giá tiếp thấp hơn giá họ thông báo? Việc đánh giá chất lượng sữa do chính IDP đảm nhiệm mà không có sự giám sát của chính quyền cũng như đơn vị độc lập khác, vậy cần minh bạch hóa thế nào?
Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc trên tới bạn đọc.