Xi măng Hoàng Thạch bị phong tỏa
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thị xã Kinh Môn (Hải Dương) vừa đề nghị phong tỏa Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch tạm thời sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 là một công nhân tại doanh nghiệp này ngày 18/2.
Ca nhiễm COVID-19 là ông N.V.H, công nhân xưởng sửa chữa Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, trú tại khu dân cư Bích Nhôi, phường Minh Tân, Kinh Môn.
Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch. |
Ông H. đã được cách ly tại địa phương từ ngày 1-15/2. Sau đó, bệnh nhân bị sốt, ho và đi xét nghiệm, đến ngày 18/2 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Thị xã Kinh Môn khẩn trương truy vết được 26 F1, phong tỏa khu dân cư nơi bệnh nhân này sống.
Thị xã đã phong tỏa tạm thời đối với Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch từ 14h ngày 18/2 và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện quy định "4 tại chỗ" nghiêm ngặt, xét nghiệm toàn bộ 1.635 công nhân và phun khử khuẩn công ty.
Thị xã Kinh Môn đã thông báo khẩn cho các đơn vị mà bệnh nhân H. đã đến và đề nghị những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này từ ngày 15/1 đến nay đến khai báo y tế tại nơi gần nhất.
Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động
Thời điểm trước khi Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch bị phong tỏa, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động liên quan các ca nhiễm COVID-19.
Ngày 5/2, thị xã Kinh Môn thông tin trên địa bàn thị xã ghi nhận 1 trường hợp mắc COVID-19 là công nhân Công ty TNHH Vietory (phường Hiệp An). Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thị xã Kinh Môn đã yêu cầu công ty Vietory tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Công ty TNHH Vietory chuyên sản xuất giày da với hơn 3.000 công nhân.
Công ty TNHH Vietory. |
Trước đó, ngày 2/2, Công ty TNHH Michigan Hải Dương ở phường Tân Dân (Chí Linh) cũng phải tạm dừng hoạt động từ ngày 2/ đến hết ngày 9/2 để bảo đảm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 khi phường Tân Dân có một ca nhiễm và 11 trường hợp F1.
Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam (TP Chí Linh) là ổ dịch lớn nhất tỉnh Hải Dương đã bị phong tỏa từ ngày 28/1. Đến nay doanh nghiệp này ghi nhận300 ca dương tính COVID-19, toàn bộ công nhân của công ty được yêu cầu cách ly tập trung và thực hiện xét nghiệm.
Tại huyện Cẩm Giàng, liên quan đến ổ dịch công ty KODODA KAGAKU đến nay ghi nhận 27 ca mắc phân bổ ở 7 huyện, thành phố. Công ty Brother – KCN Phúc Điền cũng đã ghi nhận 1 ca nhiễm là BN 2188. Qua điều tra truy vết có 43 F1 (hiện chưa phát hiện thêm ca mắc nào có liên quan đến BN này).
Kiên quyết dừng hoạt động những doanh nghiệp không bảo đảm an toàn
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp đông công nhân, nên nếu không đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì nếu có ca dương tính sẽ dễ dẫn đến lây lan giống như doanh nghiệp POYUN. Do đó, Hải Dương đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp quyết liệt phòng chống COVID-19 trong doanh nghiệp.
Cụ thể, yêu cầu 100% doanh nghiệp ký cam kết về các giải pháp về phòng chống dịch COVID-19, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định phòng chống dịch tại doanh nghiệp; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với những doanh nghiệp không bảo đảm an toàn.
Xét nghiệm cho các công nhân làm việc tại Cẩm Giàng. |
Mới đây, tại Chỉ thị 11 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Đồng thời giao UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định về các tiêu chí phòng chống dịch trong nhà máy, phân xưởng, cơ sở kinh doanh dựa trên các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả các doanh nghiệp phải tự tiến hành đánh giá, tự chấm điểm, nếu thấy đủ các điều kiện cho phép (dựa vào số điểm) thì mới được hoạt động và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Ban Quản lý các khu công nghiệp và Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập các đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 100% các nhà máy, phân xưởng, cơ sở kinh doanh; nếu không bảo đảm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Giao cho Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với Sở Y tế tổ chức xét nghiệm 100% những người đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Công nhân phải có kết quả âm tính mới cho đi làm việc.
Đối với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giao cho UBND cấp huyện lấy mẫu điểm một số doanh nghiệp tiến hành xét nghiệm; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm cho người làm việc tại doanh nghiệp (kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả).
>>> Mời độc giả xem thêm video Hình ảnh thực tế ảo lá phổi nhiễm Covid-19
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.