Trong một báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng dịch Covid-19 khiến thu nhập dịch vụ của các ngân hàng trong nửa đầu năm tăng chậm thậm chí thu hẹp.
Trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng thu nhập dịch vụ tại các ngân hàng niêm yết yếu đi đáng kể, khi chỉ đạt 9,9% (thấp hơn nhiều so với 42,1% trong 6 tháng năm 2019), với tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động không đổi so với cùng kỳ, ở mức 10,6%.
Các nguyên nhân chính dự kiến do (1) cầu tín dụng suy yếu trong nửa đầu năm đã có tác động chéo đến các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là phí bảo hiểm, tài trợ thương mại và thu nhập ngoại hối, (2) ngân hàng miễn giảm phí dịch vụ khiến phí thanh toán ròng giảm tốc, và (3) sự sụt giảm lưu lượng khách hàng giao dịch tại quầy.
Tuy vậy, mảng dịch vụ của các ngân hàng vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn trong dài hạn. Trong đó, thu nhập phí thanh toán và phí thẻ được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng do xu hướng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và định hướng của các ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ và đầu tư vào chuyển đổi số.
Theo số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, tổng số lượng thẻ đang lưu hành đến ngày 31/12/2019 là gần 103 triệu thẻ, trong đó có 91,3 triệu thẻ ghi nợ (88,7%), 6,7 triệu thẻ trả trước (6,5%), và 4,9 triệu thẻ tín dụng (4,7%).
Dẫn đầu về thị phần thẻ vẫn là các ngân hàng quốc doanh. Một số ngân hàng đang ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh phát hành mới, như Agribank, TCB, ACB, VPB, MSB và TPB.
Bên cạnh đó, xu hướng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo ra xu hướng tăng trưởng giao dịch thanh toán nội địa qua các kênh thẻ, chuyển khoản và nhờ thu cả về số lượng và giá trị giao dịch.
Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho phí thanh toán và phí thẻ vẫn, vốn là hai nguồn đóng góp truyền thống vào phí dịch vụ của các ngân hàng.
Nguồn thu dịch vụ của ngân hàng bị thu hẹp trong dịch COVID-19. |
Với dịch vụ phân phối bảo hiểm, theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ gốc 6 tháng năm 2020 đạt 55.953 tỷ đồng (19%).
Mức tăng trưởng này thấp hơn tốc độ tăng 25-32% trong bảy năm liên tiếp gần đây. Tuy vậy, VDSC nhận thấy tăng trưởng đã có dấu hiệu hồi phục từ mức 17% của 4 tháng đầu năm.
Trong đó, kênh bancassurance đóng góp 16,4% vào tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2019, so với mức 5,9% của năm 2019. Về tổng thể VDSC vẫn kỳ vọng mảng bancassurance của các ngân hàng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt và là động lực chính của thu nhập dịch vụ trong giai đoạn tới.
Tựu chung lại, VDSC kỳ vọng tăng trưởng thu nhập dịch vụ của 9 ngân hàng có thể bật trở lại mức 25% trong năm 2021 từ mức dự phóng 12% của năm 2020.