Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 446.301.528 ca, trong đó có 6.018.839 người tử vong.
Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 243.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 800 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN |
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 379 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 61 triệu ca và trên 71.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 6/3, thế giới có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 72 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận gần 81 triệu ca mắc và gần 983.500 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, gần 43 triệu ca, trong khi Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới - gần 652.000 ca.
Nhà Trắng mới đây cảnh báo Mỹ sẽ sớm hết nguồn tài chính đối phó với COVID-19 nếu Quốc hội không phê duyệt thêm ngân sách.
Hãng tin Fox News dẫn lời Phó điều phối viên về COVID-19 của chính phủ Mỹ Natalie Quillian cho biết: “Ngân sách dành cho đối phó với COVID-19 hiện trống rỗng. Chúng tôi hiện đang thảo luận với các nghị sĩ về cách cứu vãn nguồn quỹ này, và việc này vô cùng cấp bách”. Bà Quillian cho biết nước Mỹ sẽ cảm nhận được hậu quả của tình thế này ngay trong tháng 3, và các nỗ lực chống dịch có thể cần thêm ngân sách trong tương lai.
Trong cuộc họp báo ngày 4/3, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng khẳng định đây là “yêu cầu cấp bách vì cuộc chiến chống COVID-19 của nước Mỹ” và có thể còn cần thêm nhiều tiền khi phát triển thêm các liệu pháp điều trị.
Theo kế hoạch, các nghị sĩ Mỹ sẽ phải thông qua một đạo luật chi tiêu tạm thời cho các cơ quan liên bang đến ngày 11/3 tới và phải thông qua một biện pháp khác để tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa.
Hiện châu Á đang là điểm nóng của dịch COVID-19 khi biến thể Omicron lây lan mạnh. Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Hàn Quốc đã 3 ngày liên tiếp ở mức trên 240.000 ca. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 6/3 cho biết nước này ghi nhận 243.628 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc lên 4.456.264 ca.
Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 8.957 ca sau khi ghi nhận thêm 161 bệnh nhân không qua khỏi. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 hiện là 0,20%. Giới chức y tế cho biết làn sóng dịch bệnh lần này dự kiến sẽ đạt đỉnh vào khoảng giữa tháng 3, ở mức khoảng 350.000 ca mắc/ngày.
Tại Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận 209 ca mắc mới COVID-19 không triệu chứng - vốn không được nước này đưa vào thống kê ca bệnh, tăng so với mức 166 ca ghi nhận 1 ngày trước đó.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 110.868 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 trường hợp tử vong, và 3.691 bệnh nhân đang được điều trị.
Cũng trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục có thêm 329 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 175 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, tăng 73 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Đáng chú ý hơn 50% số ca lây nhiễm mới (82 ca) trong cộng đồng là ghi nhận ở Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong), miền Đông nước này.
Cơ quan kiểm soát dược phẩm Ấn Độ (DCGI) ngày 6/3 đã đồng ý cho phép Viện Huyết thanh Ấn Độ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Covovax ngừa COVID-19 làm mũi tiêm tăng cường cho người trưởng thành.
Quyết định được đưa ra sau khi xem xét khuyến nghị của Ủy ban chuyên gia thuộc DCGI. Ủy ban này cũng đồng ý cho phép sử dụng vaccine này cho nhóm tuổi từ 12 đến 17 và dự kiến sẽ sớm trình lên DCGI phê duyệt.
Ngày 4/3, Ủy ban trên cũng đề nghị Chính phủ cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 dùng vaccine đơn liều Sputnik Light của Nga làm mũi tiêm tăng cường.
Vaccine Covovax do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ công ty Novavax của Mỹ, nhằm sản xuất vaccine cho Ấn Độ cùng các nước thu nhập thấp và trung bình. Vaccine này đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép có điều kiện và nằm trong danh sách vaccine được sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). DCGI cũng đã cấp phép sử dụng hạn chế vaccine này trong tình huống khẩn cấp ở người trưởng thành vào cuối tháng 12/2021. Hiện Covovax không chưa được dùng trong chương trình tiêm chủng đại trà của Ấn Độ.
Nga sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với liệu pháp kháng thể mới điều trị COVID-19 trong khoảng 3 tuần tới. Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya của Nga cho biết liệu pháp này sẽ có hiệu quả đối với phiên bản BA.2 của biến thể Omicron, còn được gọi là Omicron tàng hình.
Hãng tin Sputnik dẫn lời Giám đốc Viện Gamaleya, ông Alexander Gintsburg, giải thích: “Chúng tôi đã thử nghiệm liệu pháp này và thấy rằng chúng có hiệu quả đối với phiên bản BA.2 nhờ chứa kháng thể có thể xâm nhập rất sâu vào cấu trúc của protein S của virus SARS-CoV-2”.
Trước đó, Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho Viện Gamaleya tiến hành thử nghiệm lâm sàng liệu pháp mới điều trị COVID-19 dựa trên kháng thể đơn dòng (mAbs). Ông Gintsburg cho biết, giai đoạn 1 được tiến hành với các tình nguyện viên khỏe mạnh, giai đoạn 2 sẽ là với những người mắc COVID-19. Sau giai đoạn 1, các nhà khoa học sẽ quyết định có tiếp tục tiến hành các giai đoạn tiếp theo hay không.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 141.077 ca mắc mới COVID-19 và 532 ca tử vong.
Tới hết ngày 6/3, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 19.573.472 trường hợp và 327.258 ca tử vong. Trong ngày 6/3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 140.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Indonesia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (trên 240 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Điểm nóng này hạ nhiệt nhanh chóng trong vài tháng trước, song những ngày qua dịch bệnh đang leo thang trở lại khi số ca mắc mới tăng vọt.
Malaysia, Singapore, Indonesia cũng đều ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao. Bộ Y tế Malaysia thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 342 ca nhiễm mới nhập cảnh và 33.064 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao chưa từng thấy kể từ đầu dịch, cùng 67 trường hợp tử vong.
Như vậy, tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 3.595.172 ca mắc COVID-19, trong đó có 33.173 trường hợp tử vong. Hiện nước này vẫn còn 311.206 bệnh nhân đang phải điều trị, trong đó 371 trường hợp phải chăm sóc đặc biệt. Khoảng 83,1% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, 78,9% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản và 45,9% dân số đã tiêm mũi tăng cường.
Indonesia thông báo có 24.867 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này từ đầu dịch đến nay lên 5.748.725 ca. Hiện Chính phủ nước này đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Indonesia đặt quyết tâm cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ dân số thuộc diện tiêm chủng vào cuối tháng 3 này.
Phóng viên TTTXVN tại Jakarta dẫn số liệu của chính phủ Indonesia cho biết, tính đến ngày 5/3, ít nhất 92% trong tổng số hơn 208 triệu dân trong diện tiêm chủng ở nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, 70,7% dân số mục tiêu cũng đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.
Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi nhấn mạnh rằng, mục tiêu cuối cùng của chính phủ Indonesia là hoàn tất tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số, cũng như tiến hành tiêm liều tăng cường cho các đối tượng trong vòng 3 tháng sau mũi tiêm thứ hai.
Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới với hơn 273 triệu người. Cuối năm ngoái, chính phủ nước này đã mở rộng chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi và tin rằng sẽ đạt miễn dịch cộng đồng khi 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 6/3, Indonesia ghi nhận tổng cộng 5.748.725 ca mắc COVID-19, trong đó có 150.172 trường hợp tử vong và 5.122.602 bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn.