Ngày 7.5, nhiều cư dân chung cư Starcity đã tập trung căng băng rôn có nội dung tố cáo những vi phạm kéo dài của chủ đầu tư (CĐT). Cùng ngày, Đoàn thanh tra Sở Xây dựng đã chủ trì buổi họp giữa các bên liên quan để giải quyết những bức xúc của cư dân như: quỹ bảo trì, diện tích chung riêng, bàn giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ).
Cư dân Stacity căng băng rôn với nội dung tố cáo hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư. |
Chung cư “sao” nhưng nhiều tật
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Thanh – Trưởng Ban quản trị tòa nhà Stacity cho biết, chung cư Starcity 81 Lê Văn Lương do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm CĐT. Ngoài ra, giữa CĐT và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) có ký Hợp đồng góp vốn đầu tư bất động sản và ủy quyền bán từ năm 2009. Theo đó, Ocean Group đã đứng tên bán và thu 2% quỹ bảo trì từ các chủ sở hữu căn hộ (khoảng 18 tỷ đồng).
Cũng theo ông Thanh, sau khi được thành lập hợp pháp (tháng 9.2017), Ban quản trị đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị CĐT và Ocean Group bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư và Hồ sơ tòa nhà. Nhưng sau nhiều lần được cơ quan chức năng đốc thúc, ngày 30.3.2018, CĐT mới bàn giao được Hồ sơ tòa nhà và một phần nhỏ quỹ bảo trì (hơn 2 tỷ đồng trong khoảng 30 tỷ đồng tổng quỹ bảo trì).
Cư dân tố CĐT và Ocean Group chiếm dụng hàng chục tỷ đồng quỹ bảo trì. |
Sau 3 năm, cư dân vẫn chưa được bàn giao sổ đỏ. |
Bên cạnh đó, theo cư dân phản ánh chung cư Stacity đã được hoàn thành và bàn giao cho người dân từ năm 2014. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, CĐT vẫn chưa bàn giao sổ đỏ cho cư dân.
“Cư dân, ban quản trị tòa nhà đã nhiều lần đề nghị CĐT phải bàn giao sổ đỏ cho chúng tôi. Tuy nhiên, CĐT vẫn cố tình chây ì, không thực hiện. Điều này đang trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi, giá trị căn hộ của cư dân”, anh Nguyễn Hoàng Dương, cư dân Stacity bức xúc.
Ngoài ra, cư dân còn tố cáo CĐT đưa đơn vị vận hành quản lý tòa nhà StarCity vào hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thu phí dịch vụ từ cư dân nhưng không đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn PCCC cho cư dân. Cụ thể, CĐT tự ý khai thác cho thuê các tầng dịch vụ để hưởng lợi sai pháp luật, bịt lối thoát hiểm, bịt đường giao thông tại tầng 1, bịt thang máy và sẵn sàng đánh cược với sinh mạng của cư dân.
Nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy hiểm trong công tác vận hành tòa nhà của ban quản lý. |
“Hệ thống thang máy của tòa nhà thường xuyên hỏng. Cửa thang máy ở một số tầng khối đế bị xây kín, cảnh quan tòa nhà bụi bẩn, cửa kính vỡ... Đặc biệt, ban quản lý tòa nhà không cung cấp giải trình thu chi định kỳ với ban quản trị”, bà Thủy, cư dân Stacity cho biết.
Chung cư chưa được thẩm định
Thực tế tòa nhà đã đưa vào sử dụng từ năm 2014. Tuy nhiên, tại cuộc họp do Đoàn kiểm tra thuộc Sở Xây dựng chủ trì ngày 5.7, chủ đầu tư thừa nhận, công ty này đã nộp hồ sơ lên Cục Giám định Nhà nước để xin các cơ quan chức năng về nghiệm thu đưa tòa nhà vào sử dụng và đang đợi các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá hồ sơ, phản hồi ý kiến.
Cư dân hơn 3 năm sống trong chung cư Stacity chưa được thẩm định. |
Sau khi lắng nghe ý kiến các bên về vấn đề quỹ bảo trì, Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ đầu tư phải chủ trì tổ chức làm việc với Ocean Group và ban quản trị tòa nhà để thống nhất số quỹ phí bảo trì do Ocean Group đang thu, CĐT thu. Đồng thời, thống nhất lộ trình bàn giao kinh phí bảo trì theo đúng quy định của pháp luật (bao gồm cả phần diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc CĐT quản lý), thời gian thực hiện trước ngày 15.5.2018.
Đối với vấn đề diện tích chung - riêng, chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của tòa nhà, Đoàn kiểm tra đề nghị CĐT lập bản vẽ phần diện tích chung, riêng để bàn giao cho BQT theo quy định, xong trước ngày 30.5.2018.
Cư dân Stacity bày tỏ hàng loạt bức xúc với Đoàn kiểm tra. |
Đoàn thanh tra, đề nghị UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo phòng Quản lý đô thị quận, phối hợp với các đơn vị chức năng của Quận thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc CĐT, ban quản trị và các đơn vị quản lý vận hành thực hiện theo quy định của pháp luật.