Cung đường gỗ lậu Phượng “râu”: Đi qua 8 chốt đều có người trực

Trên tuyến đường gần 100 km, qua 3 đồn biên phòng, 1 trạm kiểm lâm, 3 trạm quản lý bảo vệ rừng và 1 đồn công an nhưng xe gỗ kềnh càng của tay trùm Phượng "râu" vẫn đi qua một cách dễ dàng

Ngày 2/5, phóng viên Báo Người Lao Động đã đi lại con đường mà 2 xe gỗ lậu của ông trùm Phan Hữu Phượng (tức Phượng "râu"; ngụ thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đã đi qua.
Đi qua 8 chốt, trạm đều có người trực
Chúng tôi bắt đầu từ khu vực lán trại ở khu vực biên giới, nơi đàn em Phượng "râu" tổ chức khai thác gỗ lậu. Lán trại này chỉ cách Đồn Biên phòng Bo Heng (Đồn 747, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) khoảng 500 m. Từ đây, các xe gỗ lậu của Phượng "râu" ra Quốc lộ 14C, qua ngay cổng Đồn 747.
Đi thêm 10 km nữa, gỗ lậu của Phượng "râu" phải ngang qua Đồn Biên phòng Yók Đôn (Đồn 749, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk). Tại đây có lực lượng trực ban. Chúng tôi đứng từ chốt canh gác bảo vệ đặt phía trước đồn, dễ dàng quan sát hết một khu vực rộng lớn xung quanh. Thế nhưng, không hiểu sao các xe gỗ lậu của Phượng "râu" lại dễ dàng đi qua!
Đi thêm khoảng 3 km theo hành trình 2 xe chở gỗ là đến địa phận tỉnh Đắk Nông. Ngay khu vực giáp ranh 2 tỉnh này là khu vực quản lý của Đồn Biên phòng Nậm Na (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông). Từ đây đi tiếp khoảng 4 km là tới giao lộ giữa Quốc lộ 14C với con đường đất, thường gọi đường 6B.
Từ giao lộ rẽ trái theo đường 6B khoảng 5 km là Trạm Kiểm lâm số 10 (thuộc Vườn Quốc gia Yók Đôn) đóng bên đường. Đi tiếp khoảng 25 km, lần lượt phải vượt qua 3 trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil (tỉnh Đắk Nông) là các trạm Bãi Cát, Đắk Lâu và Trạm số 1.
 
Toàn bộ các đồn, chốt, trạm mà chúng tôi đi qua đều có người trực. Không thể dễ dàng 1 xe gỗ chất đầy, gầm rú đi qua mà không bị phát hiện. Đáng chú ý, tại Trạm số 1 có đặt một barie chắn ngang đường, chốt chặn 24/24 giờ để thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát những xe ra vào trong khu vực. Hai xe gỗ của trùm Phượng "râu" muốn qua đây, buộc phải có người kéo gác chắn lên. Vậy người đó là ai?
Tiếp đến, 2 xe gỗ lậu của Phượng "râu" phải chạy qua Đồn Công an Ea Pô (Công an huyện Cư Jút; cách trạm số 1 khoảng 7 km). Từ đây, để đến được thị trấn Ea T’ling và bị Bộ Công an bắt giữ vào sáng 27-4, 2 xe gỗ lậu của trùm Phượng "râu" phải đi thêm hơn 20 km và phải qua địa phận các xã Đắk Wil, Ea Pô, Nam Dong, Tâm Thắng.
Dân biết nhưng quan không hay!
Mặc dù 2 xe gỗ lậu kềnh càng đi qua 8 đồn, chốt, trạm của 4 cơ quan chức năng đều có người trực nhưng thật khó hiểu khi phóng viên chất vấn tất cả các đơn vị này thì đều được trả lời "không biết"(!?).
Thượng tá Cao Hữu Tùng, Đồn trưởng Đồn 747, quả quyết trong quá trình tuần tra vào tối 26 rạng sáng 27-4, đơn vị không phát hiện xe chở gỗ nào đi qua địa phận của đồn quản lý. Trên diện tích rừng do đồn quản lý không có bãi khai thác gỗ nào cả. Trong khi đó, theo biên bản làm việc giữa cơ quan điều tra và Đồn 747 này thì đại diện đồn này xác nhận khu vực lán trại và các máy móc, phương tiện của ông Phượng nằm trong khu vực biên giới thuộc Đồn Biên phòng 747 quản lý. Ông Phượng đăng ký vào khu vực lán trại cách đây khoảng 5-6 năm.
Giải thích việc các xe gỗ của trùm Phượng "râu" đi qua trước cửa đồn nhưng không bị phát hiện, đại úy Nguyễn Trọng Cường, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Yók Đôn, cho rằng các xe này đi trong khu vực biên giới nhưng là đi trên tuyến Quốc lộ 14C nên đồn biên phòng không có chức năng kiểm tra. Ông Cường còn nói tuyến Quốc lộ 14C có nhiều xe lưu thông qua lại nên không kiểm soát hết được.
Còn ông Nguyễn Tấn Bình, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 10, giải thích trạm chỉ có chức năng kiểm tra bảo vệ rừng trong khu vực được giao quản lý, còn việc xe gỗ ra thì không thấy.
Ông Phạm Văn Hồng, Trạm phó Trạm số 1, lại bảo: "Trạm có 4 người nhưng hôm đó 3 người về công ty, mình tôi ở lại. Tuy nhiên, tôi nhận được tin phá rừng nên đi kiểm tra và có nhờ 1 người dân trông coi trạm. Khi về, người này báo lại có xe tải chở gỗ chạy qua trạm" (!?). Một cán bộ bảo vệ rừng tại trạm này giải thích một cách khó tin: "Barie chắn ngang đường vẫn được khóa nhưng chìa khóa anh em thường để tại hộc bàn tại bục chốt"!
Một người dân sống gần Đồn Công an Ea Pô cho biết trong thời gian qua, cách 2 đến 3 đêm là ông lại nghe tiếng xe chở gỗ chạy qua nhà. "Cứ vào khoảng 12 giờ đêm đến 1 giờ sáng là xe gỗ ra. Tiếng xe chở gỗ nặng hẳn, nghe tiếng xe chạy là biết liền" - người đàn ông này nói rồi đặt câu hỏi làm sao xe gỗ về vậy mà các đồn, trạm đóng trên đường lại không biết(?)

Xe gỗ của Phượng “râu” bon bon trên đường, địa phương không biết?

Cơ quan chức năng Đắk Nông thừa nhận gỗ của Phượng "râu" "bon bon từ rừng ra" nhưng đến khi Bộ Công an vây ráp, bắt quả tang, địa phương mới biết?

Bãi tập kết gỗ của Phượng "râu" sát đồn biên phòng Bo Heng có nhiều xe reo dùng để kéo gỗ từ rừng ra - Ảnh: TRUNG TÂN
Bãi tập kết gỗ của Phượng "râu" sát đồn biên phòng Bo Heng có nhiều xe reo dùng để kéo gỗ từ rừng ra - Ảnh: TRUNG TÂN 
Theo các trinh sát Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - C49, ông Phan Hữu Phượng (tức Phượng "râu", 50 tuổi) ở thị trấn Ea T’Linh, Cư Jut, Đắk Nông là một người có máu mặt trong giới buôn bán, kinh doanh gỗ nổi tiếng tại địa phương.

Đường dây Phượng 'râu' chung chi cho cơ quan chức năng hàng tỉ đồng!

Trong quá trình khám xét, cơ quan điều tra thu thập 4 quyển sổ sách, ghi chép chi tiết việc đường dây Phượng 'râu' chung chi cho các cơ quan chức năng hàng tỉ đồng!

Phượng "râu" tại cơ quan công an - Ảnh: A.X.
 Phượng "râu" tại cơ quan công an - Ảnh: A.X.
Chiều 29-4, nguồn tin Tuổi Trẻ Online cho biết lực lượng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đang phối hợp cơ quan chức năng, tiếp tục kiểm đếm số lượng gỗ quý hiếm trong các kho của Phan Hữu Phượng (Phượng 'râu', 50 tuổi, quê tỉnh Nghệ An, ngụ tỉnh Đắk Nông).

Phượng râu trùm gỗ lậu là ai, tại sao đến giờ mới bị bắt?

Theo thông tin của cơ quan điều tra, Phượng râu đã có hơn 10 năm làm nghề kinh doanh gỗ. Khám xét nhà đối tượng, phát hiện sổ ghi chép chi tiết đường dây của Phượng “râu” đã chung chi cho các cá nhân với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Liên quan đến vụ bắt gỗ lậu tại Vườn quốc gia Yok Đôn, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp nhà riêng của Phan Hữu Phượng (50 tuổi, biệt danh Phượng "râu") ở thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút, Đắk Nông.
Phượng râu bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
 Phượng râu bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Tin mới