Cung nữ sợ hãi tột cùng khi phải trông coi lăng mộ nhà vua
Đối với cung nữ Trung Quốc thời phong kiến, nhiệm vụ thủ lăng khiến họ "sống dở chết dở". Công việc này nghe có vẻ khá đơn giản nhưng họ sẽ phải sống trong cô độc, chịu đựng đủ sự giày vò mà không dám bỏ trốn.
Tâm Anh (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Ở Trung Quốc thời phong kiến, cung nữ làm nhiệm vụ hàng ngày là chăm lo, hầu hạ sinh hoạt hàng ngày của hoàng đế và các phi tần trong hậu cung. Công việc của họ vô cùng nặng nhọc và phải tuân thủ nhiều quy tắc nghiêm ngặt để làm hài lòng chủ nhân.
Thế nhưng, cung nữ vô cùng sợ hãi khi được chọn làm người thủ lăng (tức trông giữ lăng mộ, giữ lăng). Họ cho rằng công việc này khiến họ "sống dở chết dở", thậm chí khắc nghiệt hơn cả khi bị tuẫn táng.
Theo các ghi chép, tục lệ "thủ lăng" có từ thời Tây Hán. Khi còn sống, Hán Cao Tổ Lưu Bang là quân vương phong lưu với hậu cung gồm vô số phi tần, mỹ nữ. Sau khi hoàng đế Lưu Bang băng hà, quyền lực trong triều rơi vào tay thái hậu Lữ Trĩ (hay còn gọi Lã Hậu).
Khi nắm trong tay quyền lực lớn, Lã Hậu đã giết chết Thích Phu Nhân - người phụ nữ mà Lưu Bang hết mực sủng ái khi còn sống bằng thủ đoạn tàn ác. Vị thái hậu này cũng bắt nhiều phi tần, cung nữ từng hầu hạ Hán Cao Tổ đi trông giữ lăng mộ của ông hoàng này.
Từ đó về sau, không ít cung nữ được chọn đi trông giữ lăng mộ của hoàng đế, thái hậu, hoàng hậu. Nhiệm vụ hàng ngày của họ là châm đèn, thắp hưởng, quét dọn sạch sẽ lăng mộ.
Một khi được chọn làm người thủ lăng, cung nữ hầu như không có cơ hội trở lại hoàng cung. Họ sẽ sống những ngày tháng cô đơn, buồn tủi, khổ cực cho tới lúc chết.
Khi trông giữ lăng mộ, cung nữ sống trong cảnh thiếu thốn thức ăn, quần áo ấm... Họ cũng có rất ít người để trò chuyện, tâm sự. Đặc biệt, họ không thể cười nói vui vẻ vì hành động đó được coi là đại bất kính với người đã khuất nên có thể bị trừng phạt.
Ngay cả khi bị bệnh, cung nữ cũng không có thầy thuốc khám chữa cho, chỉ có thể tự điều trị. Thậm chí, họ có thể bị binh lính tại đó đánh đập, hành hạ mà không lo bị trừng phạt bởi hoàng đế hầu như không quan tâm cuộc sống của những người trông giữ lăng mộ.
Dù cuộc sống của cung nữ làm nhiệm vụ thủ lăng vô cùng khắc nghiệt nhưng họ không dám bỏ trốn. Nguyên do là bởi họ bỏ trốn thì sẽ có thể nhanh chóng bị binh sĩ bắt lại và có cái chết đau đớn, thậm chí liên lụy đến cả gia tộc.
Do đó, cung nữ bị giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần trong nhiều năm khiến họ chết dần chết mòn. Điều này khiến một số người lựa chọn tự sát vì muốn nhanh chóng giải thoát khỏi cuộc sống khổ cực này. Ảnh trong bài mang tính minh họa.
Mời độc giả xem video: Mối tình kỳ lạ của Hoàng đế Trung Quốc với cung nữ hơn 17 tuổi.