Tết Táo quân từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay những phong tục trong ngày này cũng ít nhiều có sự thay đổi tùy thuộc vào đời sống, nhu cầu của người dân.
Tục cúng cá chép
Mua cá chép giấy thay vì mua cá sống
Trước kia, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo, người Việt lại làm lễ cúng cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là "phóng sinh" để đưa ông Táo về trời.
|
Ngày nay, một số gia đình mua cá giấy thay cho cá sống. |
Ngày nay, tục phóng sinh cá chép vẫn còn một số gia đình ưa chuộng. Tuy nhiên thời gian gần đây, để giản tiện hơn, một số gia đình mua cá giấy thay cho cá sống. Sau khi cúng xong sẽ đem đốt cùng các đồ cúng khác. Việc làm này vừa giản tiện, đỡ tốn thời gian, đồng thời cũng tiết kiện chi phí cho gia chủ. Hơn nữa, đốt cá chép giấy, ông Công ông Táo vẫn có thể sử dụng để lên chầu trời thay vì phóng sinh cá sống.
Thả cá ở sông thật xa và rộng
Nếu như trước kia, người dân có thể thả cá chép ở sông, hồ, ao ở gần nhà thì ngày nay, họ phải đi rất xa mới dám thả cá xuống. Bởi những năm gần đây, một số người vì lợi ích kinh tế mà đã làm nghề vớt cá ở những nơi người dân hay thả để về bán tiếp, hoặc sử dụng với mục đích của mình. Vì thế dẫn đến tình trạng cá chầu trời vừa được thả đã bị vớt, bị giết... mất đi ý nghĩa nhân văn của phong tục thả cá chép.
|
Nhiều người thường thả cá ở sông thật xa và rộng mong cá chép được lên trời. Ảnh minh họa. |
Vì thế, thay vì thả cá ra sông hay hồ ở gần nhà thì họ lại phải đi rất xa để thả với mong muốn cá chép sẽ đến được chỗ ông Táo để chở ông về chầu trời.
Thi nhau mua cá... cảnh
Trước kia, tục phóng sinh cá chép không câu nệ việc mua cá chép gì để miễn là cá chép. Đến nay, cá chép vàng và cá cảnh được ưa chuộng hơn. Người ta cho rằng cá cảnh đẹp và sang trọng sẽ phù hợp là phương tiện chở Táo quân về trời.
Chính vì thế, cá cảnh, cá giấy được dịp lên ngôi mỗi dịp đến Tết ông Công ông Táo.
Mâm cỗ cúng đa dạng hơn
Theo phong tục trước kia, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thường phải có đủ: 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc; 1 bát canh mọc; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống); 1 đĩa xôi gấc; 1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 3 chén rượu; 1 quả bưởi; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc; 1 tập giấy tiền, vàng mã.
|
Mâm cỗ cúng Táo quân ngày nay đa dạng hơn. Ảnh minh họa. |
Dần dần, trải qua các thời kỳ phát triển, các món cúng ông Táo có nhiều thay đổi. Bên cạnh một số món ăn chính là xôi, thịt lợn, xào thập cẩm..., mâm cúng sẽ giản tiện một số món như gạo, muối, chè kho, bưởi, trà sen... Thay vào đó, sẽ bổ sung thêm những món ăn khác phù hợp hơn với thói quen và điều kiện của các gia đình.
Thậm chí, các gia đình còn thay thịt vai luộc bằng một con gà luộc ngậm hoa hồng hoặc chủ động thay đổi các món canh như canh măng, canh mọc, canh bóng...gà luộc ngậm hoa hồng hay ớt đỏ tỉa hoa và chuẩn bị những món hơi khác nhưng cũng vẫn giữ được tính truyền thống và bản sắc như: bánh chưng gấc, xôi vò, xôi chè, thịt đông, nem rán, cá kho riềng, trám hoặc thịt kho tàu, giò xào, giò nạc, món xào, canh măng, hành muối.
Lễ vật cúng Táo quân “hiện đại” hơn
Ngày xưa, đồ vàng mã cúng Táo quân thường bao gồm có ba bộ mã, hai bộ đàn ông tượng trưng cho hai Táo ông và một bộ đàn bà tượng trưng cho Táo bà. Mỗi bộ sẽ bao gồm mũ áo, hia hài Táo Quân.
|
Vàng mã cúng Táo quân "hiện đại" hơn trước. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, khi đời sống con người thay đổi và ngày càng hiện đại hơn. Người ta quan niệm, thời nay khi cuộc sống ngày càng phát triển, ông Công ông Táo cũng vì thế mà sử dụng được những thứ mà người trần vẫn sử dụng để tiện hơn cho việc lên chầu trời và đi lại.
Vì thế, một số gia đình “phú quý sinh lễ nghĩa”, còn chuẩn bị cả những vật dụng bằng vàng mã khác cho ông Công ông Táo như điện thoại, thuốc lá, rượu ngoại, thậm chí còn tậu nhà lầu, xe hơi, máy bay với đủ loại vòng vàng để “cậy nhờ” Táo làm đẹp bản báo cáo dâng lên Ngọc Hoàng, qua đó có thể nhận được nhiều tài lộc, dọn đường thăng quan…