Cứ đến đầu năm, tòa soạn nhận được nhiều câu hỏi của Phật tử về vấn đề cúng sao giải hạn. Vấn đề này đã được chư tôn đức trong Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ trả lời qua chuyên mục Tư vấn hàng tuần. Nay xin đăng lại một trong những trả lời đó nhân nhiều thắc mắc của bạn đọc liên quan chuyện dâng sao giải hạn, đơn cử qua nội dung câu hỏi dưới đây.
Cúng sao giải hạn đầu năm. Ảnh minh họa. |
"Tôi thấy các chùa đều tổ chức cầu an đầu năm, trong đó có một vài chùa cúng sao giải hạn. Theo hiểu biết của tôi thì cầu an là cần thiết. Nhưng vấn đề cúng sao giải hạn thì tôi rất phân vân vì nếu chỉ cần cúng sao mà giải được hạn ách thì xem ra không phù hợp mấy với nhân quả. Có người giải thích cúng sao giải hạn chỉ là pháp phương tiện để độ sanh cho hàng sơ cơ. Xin cho biết quan điểm của Phật giáo về vấn đề cúng sao giải hạn, hàng Phật tử phải cầu an đầu năm như thế nào mới đúng Chánh pháp?"
(HIỀN NGUYÊN, Q.12, TP.HCM)
ĐÁP:
Bạn Hiền Nguyên thân mến!
Cầu an đầu năm là một nghi lễ quan trọng trong Phật giáo. Điều tâm niệm của người con Phật là “nguyện ngày an lành, đêm an lành”. Do vậy, đầu năm đến chùa lễ Phật, thành tâm cầu nguyện Tam bảo gia hộ, soi sáng cho tư duy, lời nói và việc làm theo nghiệp thiện để ân hưởng phước quả lành là điều cần làm.
Vào dịp đầu năm, hầu hết các chùa đều tổ chức cầu an cho hàng Phật tử, trong đó có những khóa tu như hành hương thập tự, chiêm bái Phật tích và đặc biệt là lập đạo tràng Dược Sư, đốt đèn, dâng hương, tụng kinh Dược Sư, lễ Phật, cúng dường v.v… thường bắt đầu từ ngày mùng Tám đến Rằm tháng Giêng. Sau mỗi khóa lễ, chư Tăng phục nguyện hồi hướng phước báo cho mọi thành viên trong đạo tràng đồng thời những người tham dự khóa tu hiểu được lời Phật dạy trong kinh đem áp dụng vào đời sống tu tập hàng ngày, chuyển hoá ba nghiệp mới đạt được bình an và hạnh phúc như ước nguyện.
Riêng vấn đề cúng sao giải hạn đầu năm là tập tục dân gian chịu ảnh hưởng văn hóa, tín ngưỡng Trung Hoa, được một số chùa vận dụng vào nghi lễ cầu an xem như phương tiện để giáo hóa hàng sơ cơ hướng về Tam bảo. Theo Đường Thư Lịch Chí, quyển 18 thì có chín ngôi sao (cửu diệu) là Nhật diệu (Thái dương), Nguyệt diệu (Thái âm), Kim diệu (Thái bạch), Mộc diệu (Mộc đức), Thủy diệu (Thủy diệu), Hỏa diệu (Vân hớn), Thổ diệu (Thổ tú), Kế đô và La hầu. Chín vì sao này phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Mỗi năm, một người chịu ảnh hưởng “chiếu mạng” của một vì sao, nếu là sao tốt thì hanh thông, phúc lộc và nếu sao xấu thì bị tai họa, hạn ách. Vì thế, những ai niên vận gặp sao xấu chiếu mạng thì phải cúng sao, cầu xin những vị thần cai quản các sao như “đức” Thái dương tinh quân, La hầu tinh quân… chiếu cố, phò hộ.
Rõ ràng, cứ theo luật Nhân quả và Nghiệp báo thì việc cúng sao giải hạn hoàn toàn không phù hợp với Chánh pháp. Vì nghiệp nhân chúng ta gây tạo như thế nào đến khi chín muồi trỗ nghiệp quả như thế ấy. Do đó, không thể cầu xin bất cứ ai nhằm giải nghiệp cho mình, ngoại trừ nỗ lực chuyển nghiệp của tự thân. Tuy nhiên, tập tục này ăn sâu vào tâm thức mọi người, kể cả một vài Phật tử sơ cơ, nên đầu năm, nếu gặp phải sao xấu “chiếu mạng” thì phải cúng sao mới yên tâm. Và một vài chùa vì phương tiện nên cũng cúng sao với tinh thần tuỳ duyên, phương tiện nhằm giúp những người cúng sao có cơ hội quy hướng Phật pháp. Nếu vận dụng nhuần nhuyễn tinh thần phương tiện này, quy hướng hàng sơ cơ về chùa chiền, quy kính Tam bảo, tham dự khóa tu, bỏ ác làm lành, tụng kinh, niệm Phật, học tập giáo lý, tin sâu nhân quả, bố thí cúng dường… thì việc cúng sao giải hạn cũng là một phương tiện độ sanh tích cực.
Đối với hàng Phật tử hiểu rõ Chánh pháp thì phải nỗ lực tu tập, tịnh hóa ba nghiệp, vun bồi phước báo… trong tinh thần “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” và đây là phương thức thiết thực, hữu hiệu nhất để thành tựu sự bình an trong cuộc sống.
Chúc bạn tinh tấn!