Cuộc chiến giữa UAV và vũ khí phòng không phương Tây tại Ukraine
Cuộc xung đột Nga -Ukraine giờ đã biến thành cuộc chiến giữa UAV tự sát và các hệ thống phòng không; cơn ác mộng của Ukraine hiện nay chính là những UAV Geran-2 của Nga.
Tiến Minh (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Giờ đây, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã biến thành cuộc chiến giữa máy bay không người lái (UAV) và các hệ thống phòng không. UAV tự sát của Ukraine thậm chí có thể bay tới thủ đô Moscow của Nga.
Để đối phó với các mối đe dọa mới, Nga đang gấp rút đưa pháo phòng không tự động 57mm, được phát triển từ cuối thế chiến II (năm 1944) vào chiến đấu. Đây là khẩu pháo phòng không tiên tiến nhất vào thời điểm đó, với nòng pháo cỡ trung bình và tốc độ bắn nhanh.
Trong khi đó, lãnh đạo Quân đội Nga cũng “đổi mới tư duy”, khi đưa nhanh hàng trăm UAV tự sát Geran-2 vào chiến trường. Theo báo cáo của Ukraine và Mỹ, số UAV này có ngoại hình “rất giống” với loại UAV tự sát Shahed-136 của Iran; tuy nhiên Tehran lại một mực phủ nhận.
Quân đội Ukraine cũng đã bắn hạ thành công một số UAV tự sát Geran-2 của Nga, có biệt danh là "mô tô bay" hoặc "máy cắt cỏ", vì tiếng nổ của động cơ UAV Geran-2, giống như tiếng xe máy hoặc máy cắt cỏ.
Quân đội Ukraine cho biết, họ đã bắn hạ tới 85% số máy bay không người lái tự sát Geran-2 của Nga; tuy nhiên chỉ 15% số UAV Geran-2 còn lại trúng mục tiêu, cũng khiến nhiều khu vực rộng lớn của Ukraine chìm trong bóng tối và lạnh giá.
Do đó, máy bay không người lái tự sát Geran-2 của Nga, đã trở thành cơn ác mộng với Kiev. Với đầu đạn nổ phá nặng 50kg, lớn hơn một chút so với đầu đạn của pháo phản lực BM-30 của Nga, nhưng mức chính xác Geran-2 cao hơn rất nhiều.
Vật liệu chế tạo thân vỏ của UAV tự sát Geran-2, được làm bằng vật liệu tổng hợp, nên mức độ phản xạ radar của Geran-2 rất thấp. Geran-2 sử dụng động cơ mô tô 2 thì 550 phân khối. Các linh kiện điện tử dân dụng, không cần quá hiện đại; thiết bị dẫn đường sử dụng GPS phiên bản dân sự. Tóm lại giá thành chiếc UAV này không quá 30.000 USD.
Thật bất ngờ, UAV Geran-2 được thiết kế có thể bay được quãng đường 1.000 km. Nhiều người nghi ngờ con số này, nhưng trên thực tế, UAV Geran-2 đã tấn công vào Kiev từ lãnh thổ Nga với cự ly 400km. Cùng với đó, đôi cánh của UAV Geran-2 rất rộng, hoàn toàn đủ chỗ chứa nhiên liệu cho UAV bay đến 1.000 km.
Nhưng làm thế nào mà thứ máy “cắt cỏ” trên bầu trời này, lại có thể trở thành một thứ vũ khí có đáng sợ như vậy? Đơn giản là Ukraine hiện nay không có gì để ngăn chặn nó, ngoài những khẩu pháo phòng không, súng bộ binh và một số pháo tự hành Gepard mà Đức mới viện trợ.
Còn số tên lửa phòng không vác vai Stinger mà Mỹ viện trợ với số lượng rất lớn, có thể rất hiệu quả trong đánh chặn máy bay cánh quạt và cánh bằng bay thấp, nhưng với UAV Geran-2 đơn giản là không giúp được gì. Lý do là UAV Geran-2 phát nhiệt rất ít, nên đầu dò hồng ngoại của Stinger đành bất lực.
Thậm chí tại Kiev, đã có những lời kêu gọi việc lắp đặt súng máy và pháo phòng không hạng nhẹ trên nóc các nóc tòa nhà cao tầng nhằm bắn hạ những UAV tự sát nguy hiểm này của Nga.
Tuy nhiên, không chỉ có Nga sở hữu UAV tự sát, mà chính Ukraine cũng đang xúc tiến chế tạo UAV tự sát của riêng và họ hoàn toàn có khả năng. Nhà máy Motor Sic ở Zaporozhye là nhà sản xuất máy bay và động cơ tên lửa hành trình; Cục thiết kế hàng không Antonov, nơi từng chế tạo máy bay vận tải quân sự tốt nhất thế giới, hoàn toàn có thể sản xuất UAV tự sát hiện đại.
Nếu cự ly từ Kharkov đến thủ đô của Nga chỉ là 700 km, trong khi đó UAV tự sát của Ukraine có phạm vi bay tối đa 1.000 km. Điều này sẽ khiến cuộc đọ sức giữa hai bên được đưa về thế cân bằng.
Một động thái đáng chú ý là Nga như chuẩn bắt đầu tái trang bị quy mô lớn, các loại bỏ pháo phòng không xe kéo 57mm S-60 (AZP-57) được phát triển từ thời Liên Xô. Thực tế những khẩu pháo này đã tham gia vào các trận chiến trên hướng Donbass và Lisichchansk.
Pháo phòng không S-60 được trang bị pháo tự động 57 mm AZP-57; đây là loại pháo phòng không được đánh giá là “đi trước thời đại”, khi có tốc độ bắn tới 105 phát/phút, tầm bắn thẳng từ 5-6 km; rất phù hợp để tiêu diệt UAV.
Pháo phòng không S-60 đã tham chiến thành công ở Việt Nam, Afghanistan và vừa qua là ở Syria. Loại pháo này được sản xuất và trang bị cho 57 quốc gia trên thế giới. Trong Quân đội Liên Xô, các trung đoàn pháo phòng không phục vụ cho đến đầu những năm 1970.
Sự hồi sinh của những khẩu pháo phòng không, đã được đưa vào kho niêm cất cách đây nửa thế kỷ cho thấy, hỏa lực của loại pháo này trong chống lại UAV rất hiệu quả.
Gần đây Nga đã phát triển một loại đạn phòng không dẫn đường 57mm bằng laser. Đồng thời họ đã phát triển mẫu pháo phòng không tự hành 2S38 và nguyên mẫu đã được thử nghiệm vào tháng 5/2021 để chống lại UAV. Và rất có thể bây giờ, Nga sẽ đưa gấp loại đạn và pháo này vào trực chiến, đề phòng UAV tự sát của Ukraine.