Zing trích dịch bài đăng trên The Paper về hành trình phát hiện và điều trị bệnh ung thư của Zhou Yunjiao (Trung Quốc). Dù gặp nhiều khó khăn, cô luôn lan tỏa năng lượng tích cực, lạc quan và kết nối nhiều người có chung hoàn cảnh.
Ngày 17/11 tại Bệnh viện Trung Sơn trực thuộc ĐH Phục Đán (Trung Quốc), Zhou Yunjiao đi vào sảnh tòa nhà quen thuộc, lên thang cuốn, đi tới chỗ máy đăng ký tự phục vụ, cắm thẻ, nhập mã xác minh, mọi thao tác đều thuần thục, đúng hơn là quá quen thuộc vì đã làm nhiều lần.
Chiều cao 1,68 m, nặng chưa tới 45 kg, nếu không nói, có lẽ ít người biết người phụ nữ 30 tuổi luôn xuất hiện với vẻ ngoài sành điệu kia là bệnh nhân đang từng ngày chống chọi với tử thần.
Hai năm nay, Zhou đến bệnh viện khoảng hơn 100 lần mỗi năm, nhập viện 27 lần. Nhờ chia sẻ hành trình chiến đấu chống lại bệnh tật bằng góc nhìn lạc quan, cô trở thành nữ bệnh nhân nổi tiếng trên mạng xã hội, có hàng chục nghìn người theo dõi.
Xác suất mắc ung thư hạch là khoảng một phần triệu, xác suất mắc đồng thời cả ung thư hạch và lupus ban đỏ hệ thống là 7 trên 10 triệu. Ở tuổi 28, Zhou Yunjiao phát hiện mắc cả hai căn bệnh đó.
Hai năm trước, sau khi tham gia đợt khám sức khỏe định kỳ của công ty, Zhou được bác sĩ yêu cầu làm thêm xét nghiệm. Zhou có phần ngạc nhiên song cũng không suy nghĩ quá nhiều.
Zhou đều ăn mặc đẹp mỗi lần đến bệnh viện. |
Trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, cô chưa bao giờ cảm thấy quá đau hay mệt mỏi ở đâu. Làm quản lý cho một quỹ đầu tư tư nhân, cô có thể làm việc hơn 10 tiếng/ngày, đúng với hình ảnh nhân viên kiểu mẫu chỉ ra về khi tòa nhà đã tắt đèn gần hết.
Zhou nhận tin dữ khi đang đi công tác ở Ôn Châu. Tin nhắn của bác sĩ thông báo cô bị u lympho thể nang và đã ở giai đoạn 4 - tức là giai đoạn muộn.
Cô hơi bối rối, lên mạng tìm hiểu thì được biết bệnh ở giai đoạn muộn không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu điều trị đúng cách thì có thể sống rất lâu.
Zhou bỗng nghĩ đến chồng mình, Tang Qiang. Người đàn ông hơn cô 10 tuổi đã hết lòng cùng Zhou chăm sóc mẹ cô khi bà bị ung thư vú năm 2007 và sau đó là bố cô khi ông mắc ung thư trực tràng năm 2016. Cô lóe lên ý định ly hôn vì không muốn làm khổ anh thêm nữa.
Trở lại Thượng Hải ngày hôm sau, Zhou được Tang đến đón. Dọc đường đi, anh rành mạch nói rõ điểm tích cực, tiêu cực về tình trạng hiện tại và khẳng định sẽ không ly hôn, chấp nhận cả cuộc sống có thể không con cái sau này, cùng cô chiến đấu với bệnh tật.
Zhou Yunjiao nhanh chóng lên kế hoạch cho quá trình chữa trị bệnh của mình.
Sau khi xác định chi phí dự tính, Zhou bắt đầu lập ngân sách tài chính. Cô không quên đặt trước các bữa ăn, thuốc cho bố mẹ từ xa trong lúc mình nằm viện. Sau đó, cô viết di chúc, ghi hồ sơ y tế của gia đình, hợp đồng bảo hiểm, mật khẩu tài khoản và các thông tin khác vào bản ghi nhớ.
Tháng 11/2018, Zhou đăng tải bài viết đầu tiên trong hành trình điều trị bệnh, thu hút hơn 3 triệu lượt đọc và có thêm 30.000 người theo dõi trang cá nhân. Đó cũng là lúc cô vừa kết thúc đợt hóa trị đầu tiên, chóng mặt, buồn nôn, thường xuyên ngất xỉu, cơ thể sưng tấy.
Zhou trước và sau khi mắc bệnh ung thư hạch, lupus ban đỏ hệ thống. |
Trong hai năm, Zhou chỉ được "chữa khỏi" trong vòng hai tháng. Sau đợt hóa trị đầu tiên, khối u tái phát. Sau một năm điều trị, tình trạng bệnh gần như trở lại như ban đầu, thậm chí còn nặng hơn.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của cô là 50%. Những ngày ròng rã ở bệnh viện lặp đi lặp lại khiến cô không những không tuyệt vọng mà ngày càng lạc quan, thản nhiên “sống chung với lũ”.
“Tôi cảm giác mình vẫn còn nhảy nhót được trong vòng 30 năm nữa”, cô đùa.
Vì thường nhập viện, Zhou nhanh chóng không thể theo kịp tốc độ làm việc như trước và dần nghỉ hẳn. Từ một con người lúc nào cũng bận rộn, cô học cách làm quen với sự rảnh rỗi, mua một chiếc lò học làm bánh và xem các chương trình giải trí.
Cũng trong 2 năm qua, cô không ngờ trang cá nhân của mình trở thành cầu nối cho nhiều mảnh đời có chung hoàn cảnh. Nhờ những chia sẻ, cảnh báo của cô, một độc giả cho biết đã đi kiểm tra và kịp thời phát hiện căn bệnh ung thư vòm họng.
Vì phải hóa trị, Zhou không còn giữ được mái tóc dài yêu thích. |
Sau mỗi bài đăng, cô sẽ dành 4 hoặc 5 tiếng để trả lời tin nhắn và đồng hành cùng nhiều bệnh nhân vượt qua những thời khắc đen tối nhất của cuộc đời.
Tài khoản chính thức của cô cũng có chuyên mục "Câu chuyện nhân vật", ghi lại tình yêu cảm động của một cặp vợ chồng bệnh nhân từ khi quen nhau đến khi kết hôn, cùng nhau chiến đấu với căn bệnh ung thư hay chàng trai bị bệnh vẫn kiên trì tập thể hình suốt 6 năm.
Zhou muốn sử dụng những câu chuyện này để nói với độc giả: "Nhiều người bị bệnh nhưng vẫn sống theo một cách tuyệt vời”.
Đồng hành cùng cha mẹ chiến đấu với bệnh ung thư trong 10 năm và giờ là chính mình, Zhou đủ hiểu những khó khăn về thể chất và tinh thần của người mắc bệnh hiểm nghèo, một trong số đó là sự kỳ thị.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú, mẹ cô không dám tắm ở nhà tắm công cộng vì hay bị hỏi bất lịch sự. Mỗi khi bố cô dùng túi hậu môn giả, mấy người hàng xóm nhìn thấy cũng phải đứng xa vài mét chứ đừng nói đến ngồi ăn chung.
Người phụ nữ 30 tuổi luôn giữ tinh thần lạc quan. |
Sau khi hóa trị, da tay và chân của cô đen sạm, móng tay trắng bệch, da mặt vàng, có vết đốm. Nhiều người nói cô bị ung thư do trang điểm. Lại mỗi khi thấy cô ăn diện đi bệnh viện, lại có người chỉ trỏ: “Bệnh như thế rồi còn tiêu tiền vô ích, hoang phí”.
“Chẳng lẽ cứ bị bệnh là lúc nào cũng phải xuất hiện tiều tụy, đáng thương và buồn bã sao?”, Zhou đặt câu hỏi.
Thậm chí, nhiều người cho rằng Zhou chia sẻ hành trình trị bệnh để “kiếm fame”, lừa đảo gây quỹ chữa bệnh hoặc bán hàng online.
“Tôi sẽ không sống được nhiều năm nữa. Tôi chỉ muốn chia sẻ cảm xúc của mình và kết nối với nhiều người khác. Đó chỉ là sự ích kỷ của tôi, nhưng nhiều người lại không tin điều đó”.
Cách đây không lâu, Zhou đăng tải loạt ảnh chụp những vết sẹo do điều trị của mình dù biết sẽ gây tranh cãi. Cô muốn thông qua đó để phá vỡ sự kỳ thị, vô tâm của người khác.
Zhou tham gia nhiều diễn đàn, chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư. |
Người phụ nữ 30 tuổi còn nộp đơn vào một trường cao đẳng với chuyên ngành chăm sóc người cao tuổi bởi cô biết hầu hết nhóm người này mắc bệnh ung thư không hiểu bệnh và không chấp nhận dịch vụ chăm sóc.
“Người sắp chết cần gì? Những người muốn giúp họ sống tốt hơn trong những giây phút cuối cùng phải làm gì? Tôi muốn trở thành cầu nối trung gian giữa hai bên”, cô chia sẻ.
“Tôi đã đánh mất cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Tôi không có con cái để nương tựa. Tôi có nhiều khối u khắp cơ thể, thậm chí chẳng thể đăng ký hiến tạng. Tôi còn có thể để lại gì cho thế giới này? Tôi nghĩ mình đang dần tìm được câu trả lời".