>>> Mời quý độc giả xem video "Lên chùa cai nghiện game". Nguồn Youtube:
Không phủ nhận kỉ nguyên Internet đã đem lại cho con người một thế giới mới tiện nghi, hiện đại với tính đa chiều thông tin. Tuy nhiên, phụ thuộc quá nhiều vào Internet đến mức lệ thuộc, sống không thể thiếu Internet lại trở thành vấn nạn lớn cần được lưu tâm.
Vào năm 2008, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố nghiện Internet là bệnh rối loạn tâm thần lâm sàng.
Nghiện Internet cũng được Tổ chức Y tế xem xét kỹ lưỡng và cho rằng đây là nguồn bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng cần phải đưa vào chữa trị tâm lý hoặc phải tham gia các lớp cai nghiện như những người bị nghiện ma túy.
Một học viên với dây rợ chằng chịt trên đầu đang được quét điện não đồ để đo hoạt động của não. |
Một số chuyên gia tin rằng nghiện Internet dẫn đến các vấn đề não bộ tương tự những người nghiện ma túy. |
Nơi đây, chính phủ cũng còn tăng cường giám sát ngành công nghiệp game để ngăn chặn trẻ em tiếp cận.
Vấn nạn này thậm chí còn trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình khi phải chứng kiến người thân "vào tù ra tội", nhẹ hơn cũng kiệt sức, ngất xỉu. Và đỉnh điểm của tình trạng này là sự xuất hiện của các trại cai nghiện Internet theo đúng nghĩa đen.
Đây là một trung tâm được thành lập bởi một cựu đại tá quân đội tên Tao Ran vào năm 2003. Trung tâm cách Bắc Kinh khoảng 30km, các "con nghiện" sẽ ở đây trong vòng 6 tháng.
Những đứa trẻ nghiện Internet được giáo dục lại từ đầu, luyện tập thể chất cùng những bài test tâm lý. |
Ông Tao cho biết: "Nghiện Internet là vấn nạn lớn của Trung Quốc. Đây không còn là vấn đề của thanh thiếu niên nữa, mà còn có cả những người trưởng thành ở độ tuổi 30. Những năm gần đây, chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều bé gái và trẻ con từ vùng nông thôn".
Ông Tao nói thêm, có những trường hợp nghiện Internet đến mức chấp nhận mặc tã người lớn để khỏi phải đi vệ sinh và làm gián đoạn quá trình chơi game.
Có những cậu bé còn lấy trộm tiền của bố mẹ để đến quán net ngồi chơi game nửa năm.
Hầu hết những thanh niên được đưa đi cải tạo đều cố gắng trốn thoát và chống đối trong thời gian đầu, nhưng sau khi chấp nhận điều trị một vài tháng thì kết quả có dấu hiệu khả quan hơn.
Để được vào trại, bố mẹ của các em phải chi trả khoản tiền lên tới 30.000 NDT (khoảng hơn 102 triệu đồng), để thoát khỏi nỗi tuyệt vọng vì con nghiện Internet.
Mẹ của một "con nghiện" cho hay: "Lý Châu không ăn không ngủ mỗi ngày và chơi game đến 20 tiếng/ngày. Thằng bé tự cách ly khỏi cuộc sống thực. Nó thậm chí bỏ ăn, bỏ học và không buồn đánh răng rửa mặt. Nếu chúng tôi cắt mạng, nó sẽ làm hại chính mình".
Bất lực trước con trai, mẹ của Lý Châu đã yêu cầu trung tâm cử nhân viên đến đưa con đi cai nghiện Internet.
Tại trung tâm này, tất cả những đứa trẻ được đưa đến đây đều do nguyện vọng của bố mẹ vì quá nghiện Internet.
Được biết trong thời gian ở trung tâm này, Lý Châu cũng như biết bao cô cậu thanh thiếu niên khác được kết hợp việc dùng thuốc, tư vấn tâm lý, hoạt động thể chất để thoát khỏi các cơn nghiện.
Tại trung tâm này, bố mẹ và người giám hộ được ở lại nhưng sống trong một ký túc xá riêng biệt với con cái. Cũng giống như con mình, bố mẹ sẽ trải qua những bài giảng tâm lý, chẳng hạn như phải dùng cách gì để giao tiếp với những đứa con bị nghiện Internet.
Tại ký túc xá, các em sẽ được nằm giường tầng và thảm rơm, các em phải tự quản lý đồ đạc và sắp xếp lại cuộc sống của mình.
Bên trong một căn phòng ở trại cai nghiện Internet. |
Sau khi ăn sáng xong vào lúc 7h10 phút, các bệnh nhân sẽ bắt đầu tham gia vào các lớp học tư vấn, tập thể dục và tham gia những hoạt động khác theo lịch trình được cung cấp.
Cuối ngày sẽ kết thúc vào lúc 9h30 tối. Đến cuối tuần, các bệnh nhân sẽ tập trung thời gian cho việc dọn dẹp, giặt giũ, hoạt động thể chất nhiều hơn và tổng kết những gì đã làm trong tuần vừa qua và tuyệt nhiên các "tù nhân" sẽ không được phép dùng điện thoại và mạng Internet.
Ban đầu, những đứa trẻ sẽ bất hợp tác. Chúng phản kháng hoặc tìm cách chống chế. Nhiều "con nghiện" kích động, các chuyên viên phải trói chúng vào giường để tránh chúng có những hành động cực đoan.
Với những trường hợp nghiêm trọng hơn nữa, các "con nghiện" sẽ bị giam giữ trong một căn phòng nhỏ khoảng 10 ngày.
Anh Huỳnh Trang, một công nhân nhà máy đến từ tỉnh Hà Bắc, đã ở lại trung tâm với con trai trong một năm và chi hơn 150.000 Nhân dân tệ (hơn 500 triệu đồng) để điều trị bệnh cho biết: "Chúng tôi đang bỏ tiền để cứu mạng đứa trẻ của mình, thằng bé nói rằng nó cảm thấy trống rỗng trong tâm hồn và chỉ có thể vui thông qua những trò chơi. Ngay khi con trai học cách cai nghiện, tôi cũng tham gia các lớp học tư vấn tâm lý để trở thành một người cha tốt. Tôi tin rằng con trai mình sẽ thích nghi với xã hội sau khi khỏi bệnh".
Hiện nay, trên thế giới, rất nhiều nước cũng đã và đang áp dụng những hình thức cai nghiện Internet nhân văn và đáng học tập.
Ở Anh, tham gia vào tu viện là một trong những hình thức phổ biến. Họ có phòng riêng để những bệnh nhân nghiện Internet được khám bác sĩ tâm lý cũng như các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán miễn phí và được tiếp xúc nhiều hơn với các hình thức thiền định, cầu nguyện.
Ở Mỹ, để cai nghiện Internet, nhiều gia đình cùng con cái đi vào rừng, vào sa mạc để khám phá và sinh sống trong nhiều ngày. Biện pháp này nhằm giúp người bệnh tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn hoang dã và mới mẻ, như một hình thức trở về với thiên nhiên mà không có thiết bị công nghệ nào.
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết.