Mặc dù vậy, Hải “bánh” đã không ít lần day dứt với những tội lỗi mình gây ra. Hải “bánh” muốn rũ bỏ tất cả để làm lại một con người mới, nhưng chốn giang hồ bước chân vào thì dễ, còn rút chân ra, không phải muốn là được.
Nhiều năm nay, Hải “bánh” ngại không chịu tiếp xúc với báo chí bởi anh không muốn xới lại những chuyện buồn trong quá khứ của mình. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của các cán bộ trại giam Xuân Lộc và qua trình bày mục đích của mình, PV đã được Hải “bánh” đồng ý gặp gỡ, trao đổi cởi mở và đong đầy cảm xúc. Anh đã khóc rất nhiều khi nhắc đến bố mẹ và con gái. Qua câu chuyện, PV cảm nhận ở anh sự khát vọng hoàn lương làm lại cuộc đời.
Chịu sự giáo dục hà khắc của bố
Vào một ngày tháng 12, chúng tôi từ TP.HCM đến trại giam Xuân Lộc (Z30A, Bộ Công an) đóng tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) để gặp một phạm nhân đặc biệt đã nhiều năm nay từ chối tiếp xúc với báo chí. Đó chính là phạm nhân Nguyễn Tuấn Hải (SN 1967) nổi tiếng với biệt danh Hải “bánh” trong giới giang hồ. Trước khi gặp Hải “bánh”, trong đầu chúng tôi nghĩ Hải “bánh” sẽ có một khuôn mặt dữ tợn, người đầy hình xăm. Tuy nhiên, khi ngồi trước mặt chúng tôi, Hải “bánh” lại có khuôn mặt với nụ cười rất hiền và có phần hơi bẽn lẽn.
Cuộc trò chuyện độc quyền với “ông trùm” giang hồ Hải “bánh” (Kỳ 1): “Ông trùm ” bác bỏ những thông tin sai sự thật
Hải “bánh” chia sẻ với PV ở trại giam Xuân Lộc. |
Khi biết chúng tôi là PV báo CL&XH muốn viết bài về anh, Hải “bánh” thẳng thừng nói: “Trước đây, có rất nhiều thông tin thêu dệt những sự việc không đúng về tôi. Nhiều năm nay, tôi đã không tiếp xúc với báo chí. Thế nhưng, không biết từ đâu những thông tin thêu dệt này cứ xuất hiện ngày càng nhiều. Vì những thông tin này mà người thân của tôi rất buồn. Có thể nói, đây là lần đầu tôi khẳng định lại toàn bộ sự thật những gì thuộc về mình với PV báo CL&XH”.
“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 10 anh chị em ở TP. Hà Nội. Mặc dù bố mẹ tôi sinh nhiều con nhưng ông bà rất thương yêu và chăm chút cho tôi. Từ thủa nhỏ, tôi và các anh chị em trong nhà đã phải chịu sự giáo dục hà khắc của bố. Người dưới không bao giờ được cãi người trên, nếu có gì ấm ức, không đúng thì chỉ được phép về mách lại để bố mẹ phân xử. Mặc dù bố tôi hà khắc vậy, nhưng ông cũng rất tâm lý và yêu thương, chăm sóc anh em tôi hết lòng. Vì vậy, mười anh chị em tôi đều chịu ảnh hưởng của bố nên trong gia đình mọi người rất yêu thương nhau”, Hải “bánh” mở đầu câu chuyện của mình.
Mặc dù bố khá hà khắc nhưng Hải “bánh” lại là một đứa trẻ ngỗ ngược và nghịch ngợm. Hải “bánh” bộc bạch: “Ở nhà tôi luôn là đứa ngoan hiền và biết vâng lời bố mẹ. Tuy nhiên, mỗi lần thoát khỏi sự kìm kẹp của bố, được ra đường là tôi lại vùng vẫy trong cái thế giới riêng của mình. Có lẽ, do tôi học cái gì cũng nhanh, nên những thói hư tật xấu cũng ngấm vào tôi nhanh như vậy. Sau khi bỏ học ở trường thể thao Quần Ngựa, tôi về nhà làm thợ sắt phụ giúp gia đình”.
Thông thường, từ 7h- 9h sáng là khoảng thời gian bố mẹ cho Hải “bánh” đi ăn sáng. Tuy nhiên, đó cũng là thời gian Hải “bánh” tụ tập quậy phá. Đến đúng 9h thì Hải “bánh” lại quay về nhà và mặc bộ quần áo công nhân hàn sắt phụ giúp gia đình. Sau 17h chiều, Hải “bánh” trút bỏ bộ quần áo công nhân và tiếp tục cuộc sống của một gã giang hồ. Hải “bánh” nhớ lại: “Vì vậy, khi mới 16 tuổi, tôi đã cầm đầu một đám đàn em rất thiện chiến và trung thành. Đi đâu trong người cũng dắt theo khẩu K54 như thể giương oai và cũng để nâng cao uy thế của băng nhóm mình với băng nhóm khác. Những người dân ở chợ xe Phùng Hưng, chợ Đồng Xuân, các bến tàu và những đường phố trong phố cổ không ai lạ gì cái bản mặt của tôi. Đối với những người dân thì tôi là kẻ bất trị “phá trời, phá đất”, nhưng đối với bạn bè và đám đàn em thì tôi luôn được nể trọng về sự phóng khoáng và nghĩa hiệp”.
Những ngày đầu khi biết Hải “bánh” quậy phá, bố Hải “bánh” đã đánh những trận đòn thừa sống thiếu chết. Những lúc bị bố đánh, Hải “bánh” vừa sợ vừa thương bố. Bởi Hải “bánh” biết, mỗi lần đánh xong, bố lại khóc. “Nhưng hình như trong con người tôi luôn nổi dậy sự phá phách. Cái chất giang hồ nó đã ngấm vào máu. Ở nhà thì tôi tự nhủ sẽ sửa đổi, nhưng khi ra đường thì tôi lại trở thành con ngựa bất kham. Ban đầu thì bố tôi còn đánh, nhưng sau dần ông hiểu bản tính của con trai nên ông không đánh nữa mà chuyển sang khuyên nhủ. Tuy nhiên, tôi vẫn chứng nào tật nấy ra đường là quậy phá…”, Hải “bánh” trải lòng.
Nhiều lần có ý định hoàn lương
Có lần Hải “bánh” nghe anh chị kể lại, mỗi lần gần nhà Hải “bánh” có đánh nhau, hay có chuyện gì mọi người xúm đông xúm đỏ thì cho dù đang rất bận, bố mẹ cũng bỏ tất cả để chạy ra xem có thằng Hải ở đó không? Không biết con mình có gây ra chuyện gì không? Có bị ai đánh không? Hải “bánh” nghe vậy mà thấy thương bố mẹ vô cùng. Tự hứa với lòng mình không chơi bời lêu lổng nữa nhưng rồi cứ ra đường là Hải “bánh” lại không chiến thắng được bản tính ham chơi của mình.
Hải “bánh” tâm sự: “Có lần tôi ra ngoài đánh nhau, mặc dù rất sợ bọn chúng tìm đến nhà để trả thù. Nhưng công việc hàn sắt mà bố giao chưa làm xong, sợ không có người giúp bố nên tôi vẫn phải về nhà để làm cho xong việc. Trong khi tôi ngồi hàn, thì có một đàn em đứng ngoài để canh, nếu có động thì báo cho tôi ngay. Bố tôi nhìn thấy vậy, ông ra và nói với tôi: “Hải lại gây chuyện hả con, bố thấy thằng Hưng đang cầm súng canh cho con làm đấy. Thôi nếu cần trốn thì đi đi. Nghe bố nói vậy tôi mới dám đứng dậy mà đi, trong lòng thầm hứa đây sẽ là lần cuối cùng”.
Sau một thời gian lăn lộn trong giới giang hồ, Hải “bánh” nhận thấy chẳng mang lại được điều gì cho bản thân. Gia đình Hải “bánh” thì không cần những đồng tiền do Hải “bánh” kiếm được. Bởi bố mẹ Hải “bánh” hiểu những đồng tiền đó không hề trong sạch. Còn đến khi Hải “bánh” vào tù ra khám thì cũng chỉ bố mẹ và anh chị em trong gia đình thăm nuôi. Bên cạnh đó, con gái Hải “bánh” cũng đã lớn, Hải “bánh” sợ cháu học theo bố mà hư hỏng nên quyết tâm dừng lại.
Năm 1998, Hải “bánh” mãn hạn tù. Do ở Hà Nội “vua biết mặt, chúa biết tên” nên mọi người khuyên Hải “bánh” tìm nơi nào ít tai tiếng mà làm lại từ đầu. Hải “bánh” cho hay: “Vì vậy, tôi quyết định chọn Sài Gòn để lập nghiệp. Vào đến Sài Gòn, tôi mở tiệm cắt tóc, gội đầu và lấy tên con gái Vân để đặt tên cho tiệm của mình. Tôi không biết nguồn tin từ đâu nói tiệm tóc của tôi là “thanh nữ”. Thực ra trong giới giang hồ, có những luật bất thành văn. Những kẻ kiếm tiền trên thân xác đàn bà là ở chiếu dưới”.
Hải “bánh” tiếp tục cho biết: “Những kẻ đó tôi không thèm nhìn đến chứ đừng nói là có thể ngồi nói chuyện được với tôi. Vì vậy, tiệm tóc của tôi là hoàn toàn đàng hoàng. Chỉ có cắt tóc, gội đầu massage thư giãn và buổi tối thì trang điểm cho những người đi dự tiệc. Sau khi mở xong tiệm tóc, tôi có gọi đàn em lại nói: “Bây giờ anh chính thức “rửa tay gác kiếm” để làm ăn đàng hoàng. Các chú mỗi người cũng cố gắng tìm một cơ sở để làm đi”. Những tưởng con đường hoàn lương của tôi đã rộng mở, nào ngờ việc “bà trùm” Dung “Hà” “Nam tiến” đã phá tan tành mọi dự định của tôi”.