Đây là công trình của nhóm khoa học gia Anh tên Oxitec. Những con muỗi đực biến đổi gene được họ đặt tên là "muỗi thân thiện" (friendly mosquito). Tuy nhiên, chúng chỉ thân thiện với con người. Đối với đồng loại, nhóm muỗi đực này mang một nhiệm vụ sát thủ.
Những con muỗi đực "sát thủ" sẽ gây ra cái chết cho con cái sau khi "yêu" - ảnh minh họa từ internet |
Các con muỗi này được con người chỉnh sửa gene khiến chúng mang một đột biến gọi là "gene tự giới hạn". Gene này gây ra cái chết cho những con muỗi cái đang ở độ tuổi "thiếu nữ", làm chúng chết ngay sau khi giao phối với các muỗi tử thần do con người tung ra, trước khi kịp đến tuổi sinh nở.
Gene tử thần này chỉ làm chết muỗi cái, do đó các muỗi biến đuổi gene sẽ tiếp tục lang thang và có thêm nhiều bạn tình mới, gieo rắc cái chết.
Đây là thế hệ thứ hai của "muỗi thân thiện", hoàn thiện hơn thế hệ trước và đang sẵn sàng để được tung đến Nam Mỹ nhằm ngăn sự lây lan của sốt xuất huyết và Zika.
Mục tiêu chính yếu của việc tạo ra muỗi biến đổi gene nhờ công nghệ sinh học vẫn là căn bệnh sốt rét, vốn nguy hiểm hơn nếu mắc phải. Ước tính mỗi năm thế giới có khoảng 830.000 người chết vì bệnh này, tập trung ở châu Phi và Nam Mỹ.
Con số trên khiến muỗi trở thành động vật gây chết người nhiều nhất, theo thống kê của Viện Đo lường và Đánh giá Y khoa, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Động vật gây chết người xếp hàng thứ hai chính là… con người (580.000 ca/năm), sau đó là rắn (60.000 ca/năm).
Các thử nghiệm trên diện rộng ứng dụng "muỗi thân thiện" thế hệ thứ hai sẽ được thực hiện vào năm 2020.
Công trình đã giành được khoản đóng góp lên tới 4 triệu USD từ Quỹ Bill và Melinda Gates, đứng đầu bởi tỉ phú công nghệ Bill Gates.