Cứu sống bé trai nhờ kỹ thuật “ngủ đông“

Các bác sĩ khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh viện vừa thực hiện cứu sống một trường hợp trẻ sơ sinh bị tổn thương não do bị ngạt khi sinh bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.

Bệnh nhi này là con của sản phụ N.T.D (trú tại H. Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Ngày 15/12, chị D. có dấu hiệu suy thai nên được chuyển mổ cấp cứu, bé trai nặng 3,3 kg, sau sinh tím tái, không khóc, không có phản xạ sơ sinh, trên da nhuốm nhiều phân su, chỉ số apgar (chỉ số đánh giá tổng thể sức khỏe của trẻ sơ sinh) chỉ đạt 3 điểm (trong khi chỉ số này ở trẻ sơ sinh bình thường có thể đạt 10 điểm). Trẻ được cấp cứu bóp bóng, đặt ống nội khí quản ngay tại phòng mổ sau đó được chuyển vào khoa Sơ sinh điều trị.
Tại đây, bệnh nhi có tình trạng li bì, tím tái, suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, giảm trương lực cơ các chi, đồng thời trẻ có xuất hiện cơn co giật và không có phản xạ mút. Kết hợp với các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp nặng, bệnh lý não thiếu máu cục bộ – thiếu oxy (HIE), hội chứng hít phân su.
Cuu song be trai nho ky thuat “ngu dong“
Ảnh minh họa/ Internet 
Xác định là một trường hợp rất nguy kịch, nặng nề, các bác sĩ đã thực hiện điều trị cho trẻ với phác đồ hồi sức sơ sinh tích cực bằng đặt ống nội khí quản, thở máy, đặt đường truyền trung tâm qua tĩnh mạch rốn, đặt huyết áp động mạch xâm lấn theo dõi huyết áp liên tục, điều trị kháng sinh, điều chỉnh rối loạn thăng bằng toan kiềm và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn.
BSCKI. Lê Phong Phú – Phó Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết: "Ngoài các biện pháp hồi sức tích cực, với trường hợp này, chúng tôi còn áp dụng thêm phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy trong điều trị. Mục đích của phương pháp này nhằm ngăn chặn tế bào não bị tổn thương, giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội sống sót, phục hồi sự phát triển tinh thần và vận động sau này".
Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy được hiểu là nhiệt độ cơ thể bệnh nhi đang ở khoảng 37 độ C được hạ xuống còn 33,5 độ C và giữ nguyên trong vòng 72 giờ, sau đó tăng dần nhiệt độ về mức bình thường, tốc độ tăng được kiểm soát trong khoảng 0.5°C trên 30 phút. Trong quá trình hạ thân nhiệt, trẻ được kiểm tra, theo dõi, đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng theo các mốc thời gian cho đến khi ổn định.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh, hồng hào trở lại, phản xạ sơ sinh tốt, có cơn giật nhẹ, trẻ được tự thở, tập bú mẹ và có kế hoạch xuất viện trong vài ngày tới.
Hạ thân nhiệt chỉ huy là một kỹ thuật mới nhất được ứng dụng tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ với cơ chế tác dụng làm gián đoạn quá trình chuyển hóa của tế bào não trong tình trạng thiếu oxy, giúp giảm nhu cầu tiêu thụ glucose và oxy, hạn chế sự mất năng lượng. Đồng thời, phương pháp này ngăn chặn quá trình chết theo chương trình của tế bào não và ức chế sự phát triển của phù não, góp phần bảo vệ chức năng não bộ hiệu quả.
Cũng theo BS. Lê Phong Phú, trước đây những trường hợp trẻ bị ngạt sau sinh không có biện pháp đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Các tổn thương thiếu oxy ở các cơ quan như tim, gan, thận có thể phục hồi, tuy nhiên tế bào não khi bị tổn thương thì không có khả năng hồi phục. Do đó tỷ lệ tử vong và để lại di chứng về tâm thần vận động hay bại não sau này cho trẻ rất cao. Song nhờ có liệu pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, những tổn thương não ở trẻ sơ sinh bị ngạt sau sinh sẽ được hạn chế tối đa.
Bác sĩ nhấn mạnh, liệu pháp này cần được thực hiện sớm, tốt nhất trong vòng 6 giờ đầu sau sinh để đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi thực hiện liệu pháp, trẻ cần được theo dõi liên tục và tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe.
Trước đó, ngày 9/12, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã cứu sống thiếu niên 16 tuổi hôn mê sau tai nạn giao thông, được các bác sĩ đưa thân nhiệt về 36,4 độ C, còn gọi "ngủ đông" nhân tạo.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, bệnh nhân được đưa vào Trung tâm y tế huyện cấp cứu sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, các tổn thương ở vùng trán rất phức tạp. Sau khi được phẫu thuật lấy máu tụ dưới màng cứng, lấy mảnh xương vỡ và chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu, người bệnh vẫn hôn mê sâu, sốt cao liên tục, không đáp ứng các thuốc hạ sốt. Nhận định đây là ca bệnh rất nặng, tổn thương phức tạp, tiên lượng tử vong cao, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa, quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy theo đích, đưa thân nhiệt của người bệnh về 36,4 độ theo sự điều chỉnh liên tục của máy.

Hạ thân nhiệt chỉ huy còn gọi là ngủ đông, là kỹ thuật giúp kiểm soát thân nhiệt người bệnh theo đích bằng cách sử dụng các miếng dán làm lạnh kết nối với hệ thống máy điều chỉnh nhiệt độ liên tục, giúp kiểm soát thân nhiệt người bệnh tốt, không xâm lấn, ít tai biến. Thân nhiệt bệnh nhân ở mức 33-36 độ C trong vòng 24-48 giờ sau ngưng hô hấp. Mức nhiệt độ sinh lý bình thường là 37 độ C.
Sau điều trị tích cực, người bệnh tỉnh, được rút ống nội khí quản, hết sốt, giao tiếp tốt, hoạt động nhẹ nhàng và được xuất viện.

Cứu sống bệnh nhân 33 tuổi ngừng tim 50 phút

Nhờ sự kiên trì, nỗ lực cấp cứu giành giật sự sống của các bác sĩ, bệnh nhân 33 tuổi bị ngưng tuần hoàn hơn 50 phút đã được cứu sống, hồi phục hoàn toàn bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Ngày 1/7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh thông tin, các bác sĩ vừa cứu sống nam bệnh nhân ngừng tim 50 phút bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Cứu sống người bệnh hai lần ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và chuyên nghiệp giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và các Trung tâm Y tế tuyến huyện, nhiều người bệnh được cứu sống.

Phối hợp cấp cứu ban đầu tuyến cơ sở và điều trị chuyên sâu tuyến trên cứu bệnh nhân nặng

Tin mới