“Đã trả học phí cần gì phải biết ơn thầy”: Đau!

(Kienthuc.net.vn) - Trao đổi với Kienthuc.net.vn, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, GS.TS. Phạm Tất Dong cho biết người làm nghề giáo rất đau lòng và cảm thấy bị xúc phạm khi đọc được thông tin một diễn đàn của giới trẻ thực hiện trắc nghiệm cho ra kết quả 40% đồng tình với quan điểm “thầy cô giáo phải biết ơn học sinh vì không có học sinh thầy cô giáo không có tiền”.
 
Đáng chú ý là trắc nghiệm đó lại diễn ra đúng vào ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam 20/11. GS.TS. Phạm Tất Dong cho rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật vì dù né tránh thế nào, dù kết quả trắc nghiệm trên mạng xã hội không đủ độ tin cậy thì 40% vẫn cứ cho thấy có một bộ phận không nhỏ suy nghĩ rằng đã trả tiền học phí là sòng phẳng, cần gì phải nghĩ đến chuyện ơn nghĩa thầy cô.
Ảnh
Ảnh chụp kết quả test đang lan truyền trên mạng
Có thầy giáo “móc” tiền học sinh
“Suy nghĩ đó của học sinh khiến các thầy cô giáo bị xúc phạm nhưng quả thật có nhiều thầy giáo đã “móc” tiền của học sinh”. Điển hình nhất là trong chuyện dạy thêm. Đáng lẽ phải tránh cho học sinh nghĩ rằng buộc phải đóng tiền bồi dưỡng thầy thì hiện nay các thầy cô cứ đến ngày thu tiền là nhắc các em, thậm chí có thầy cô còn đọc tên những em chưa đóng tiền. Đến như thế thì coi như danh dự đã hết”.
 
ád
GS.TS. Phạm Tất Dong: "Lượng tri thức học sinh học bên ngoài trường, qua Internet còn nhiều hơn thứ mà thầy cô dạy"
"Sự sòng phẳng của học sinh, đánh đồng giáo dục như chuyện mua bán khiến những người làm nghề giáo có tâm, tận tụy thấy rất đau".
“Có thể ví đây là căn bệnh ung thư trong ngành giáo dục. Nếu ngành giáo dục không nhìn thẳng, không thay đổi thì nó sẽ ngày càng di căn nặng hơn. Bộ trưởng Bộ giáo dục cũng nên suy nghĩ sâu về vấn đề này chứ không thể coi đây là vấn đề nhỏ được”, GS.TS. Phạm Tất Dong nhấn mạnh”.
Cắt nghĩa chuyện học sinh “sòng phẳng” với thầy cô, GS.TS. Phạm Tất Dong cho rằng một phần do hệ thống giáo dục của Việt Nam. “Chúng ta xác định phổ cập cấp học phổ thông nhưng lại không miễn phí thì việc cưỡng bức toàn dân đi học là chưa hợp lý. Ngay trong lý luận của Mác - Anghen cũng đã cho thấy điều này”.
“Chúng ta lấy lí do là nghèo, khó khăn nên phổ cập mà vẫn tiến hành thu học phí. Rồi lại cho phép mở trường tư nhưng quản lý thì lỏng lẻo. Kết quả là rất nhiều trường tư chạy theo lợi nhuận kinh tế chứ không phải vì lợi ích giáo dục con người. Thực trạng trường tư hiện nay, gần như là tuột khỏi tay nhà nước. Rất nhiều học sinh đến học với lí do không học được ở đâu nữa thì vào trường tư. Trên thế giới học có trường tư nhưng họ khác với ta nhiều. Họ chi phối, quản lý chặt chứ không phải chỉ quản theo dạng “cho phép” như chúng ta hiện nay”.
Đừng để thầy cô nhếch nhác
Theo GS.TS. Phạm Tất Dong, hình ảnh thầy cô hiện nay trong mắt học sinh nhiều khi cũng nhếch nhác và thực sự cần nhanh chóng thay đổi điều này.
“Tôi về các trường học ở nông thôn, gặp những cô giáo ăn mặc chẳng khác gì người nông dân một sương hai nắng. Vậy thì họ làm thế nào để truyền bá kiến thức nhằm hiện đại hóa, công nghiệp hóa? Tôi lên miền núi, các thầy cô miền xuôi lên tăng cường cũng không có nổi lấy một bộ comple, áo dài. Nhà nước cấp cho họ những căn phòng để ở nhếch nhác đến mức học sinh cũng kinh. Vậy thì hình ảnh người thầy, người cô ấy trong mắt học sinh sẽ ra sao?”
“Có hai vấn đề nhà nước cần tính toán lại đó là lương giáo viên và kiến thức giáo viên. Lương thì chúng ta đã nói quá nhiều rồi, tôi chỉ muốn nói thêm là nhà nước nên cung cấp complet, áo dài định kỳ cho thầy cô giáo. Đó cũng là cách để thay đổi hình ảnh.
Về kiến thức và năng lực giảng dạy của thầy cô giáo, chúng ta đề cập đến nó quá ít. Học sinh có tôn trọng thầy cô giáo hay không trước hết là tri thức, năng lực giảng dạy của họ. Nhiều thầy cô tâm sự với tôi là buồn vì không biết sử dụng máy tính trong khi học sinh lại rất giỏi.
Có những thầy cô kiến thức đã quá cũ, không được cập nhật cho nên giảng dạy trong trường học không còn đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Lượng tri thức học sinh học bên ngoài trường, qua Internet còn nhiều hơn thứ mà thầy cô dạy. Chúng ta cứ xem các chương trình như: Đường lên đinh Olympia, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5… sẽ thấy học sinh bây giờ thông minh và hiểu biết như thế nào. Như vậy, nếu thầy cô giáo vẫn giảng những tri thức bất biến suốt vài chục năm thì làm sao có thể khiến học sinh nể phục?
Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh còn tuyên bố dựa vào Internet là họ có thể tự dạy con mà không cần phải đưa chúng đến trường. Tất nhiên đó là những tuyên bố sai lầm và lệch lạc nhưng đó cũng là hệ quả của nền giáo dục chậm thay đổi, cập nhật”.
“Chúng ta không thể đổ lỗi cho Internet được mà phải nhìn nhận vấn đề thẳng thắn rằng học sinh, phụ huynh khai thác Internet thì thầy giáo cũng phải biết khai thác Internet để phục vụ cho công việc giảng dạy của mình”, GS.TS. Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
[links()]

Tin mới