Mới đây, trên cộng đồng mạng, các bà nội trợ và người tiêu dùng tỏ ra hoang mang trước thông tin Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho rằng cá hồi là loại thực phẩm độc hại nhất thế giới.
Cụ thể, một bài báo viết: Cá hồi thường được ăn viên phân gà, bột bắp, đậu nành, dầu hạt cải biến đổi gene và các loại cá nhỏ khác có chứa độc tố; cá hồi nuôi chứa hàm lượng PCB, một chất gây ung thư; hàm lượng Omega-3 trong cá hồi nuôi rất thấp,...
Trước đó, Telegraph và Seattle Times cũng đưa tin, một nghiên cứu ở Mỹ mới đây đã phát hiện cá hồi được đánh bắt ở Seattle bị nhiễm khuẩn từ nguồn nước chứa 81 loại thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh và thuốc chống trầm cảm... Điều này cho thấy, nếu cá sống trong nguồn nước không đảm bảo thì rất dễ bị nhiễm các chất bẩn.
Người dân đang hoang mang trước thông tin cho rằng cá hồi nuôi là loại thực phẩm độc hại nhất thế giới. |
Năm 2004, trên trang web Sức khỏe của trường Đại học Harvard (Mỹ) công bố tìm thấy hóa chất tổng hợp Polychlorinated biphenyls (PCBs) trong cá hồi nuôi. PCBs có thể ngấm dần vào đất, nguồn nước hoặc di chuyển trong không khí và dễ dàng "tích tụ" trong chất béo, vì thế, cá càng béo như cá hồi thì càng có nguy cơ chứa nhiều chất độc hại.
Nghiên cứu sâu hơn, các chuyên gia phát hiện lượng mỡ ở cá hồi nuôi còn cao gấp 2 lần cá hồi tự nhiên, hàm lượng chất gây ung thư PCBs cao hơn 16 lần so với cá hồi tự nhiên, 4 lần so với thịt bò nuôi và 3,5 lần so với các loại hải sản khác. Và hầu hết các loại chất độc này nằm trong mỡ cá.
Những thông tin trên khiến người tiêu dùng, đặc biệt là các bà mẹ, hoang mang và sợ hãi, bởi cá hồi là một trong những loại thực phẩm họ thường mua về ăn sống và chế biến các món.
Tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam lại cho rằng, mọi người không nên quá lo lắng, rằng đó là những thông tin thất thiệt, không đáng tin cậy. Theo đó, cá hồi vẫn là một trong những loại thực phẩm tốt nhất thế giới.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I), cho biết, ông khá bất ngờ về thông tin cá hồi là loại thực phẩm độc hại nhất thế giới.
Theo ông, mỗi đất nước đều có những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, về quy trình nuôi cá ở đâu cũng cần phải trải qua các bước cơ bản trước khi cá được xuất bán ra thị trường. Cơ quan kiểm định chất lượng thủy sản của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước châu Âu làm việc rất chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, định kỳ.
“Trong quá trình nghiên cứu về an toàn thực phẩm của mình, tôi chưa bao giờ đọc thấy thông tin cá hồi nuôi là thực phẩm độc nhất thế giới. Tôi cho rằng, đây có thể là thông tin thất thiệt, nhằm vào một thị trường cá hồi cụ thể nào đó”, ông Tề khẳng định.
Các chuyên gia ở Việt Nam cho rằng cá hồi lại là một trong những loại thực phẩm tốt nhất thế giới. |
Ông Tề cũng cho biết, ở Việt Nam cá hồi được nuôi ở những vùng nước lạnh, ví dụ như vùng Sapa, song sản lượng cá hồi của Việt Nam là không lớn.
Ông Tề cũng khẳng định thức ăn nuôi cá hồi ở Việt Nam được lấy từ nhiều hãng khác nhau, và đều đảm bảo vệ sinh an toàn. Trong đó, không có chất gây hại cho con người. Đặc biệt, trong trường hợp này, không nên lấy một tài liệu ở nước ngoài để áp vào Việt Nam và nói rằng tất cả sản phẩm cá hồi nuôi đều độc hại.
TS. Lê Thanh Lựu - chuyên gia đầu ngành về cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), Trưởng ban Hợp tác quốc tế và thông tin Hội Nghề cá Việt Nam, nhấn mạnh: “Thông tin trên hoàn toàn sai sự thật”.
Theo ông Lựu, thông tin mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đưa ra không có cơ sở khoa học, chỉ nói chung chung.
Ở một số nước phát triển, người ta có ngành công nghệ chế biến thức ăn cho cho gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản từ xương các con vật (lợn, bò) mà đã lấy hết thịt, phần thịt bạc nhạc và hoặc là những loại cá chất lượng thấp. Đây là nguồn thức ăn nuôi cá hồi rất đảm bảo.
“Cá hồi đang là một trong những thực phẩm tốt số 1 trên thế giới, đặc biệt các nước Âu Mỹ họ chỉ ăn cá hồi nuôi. Vì bảo vệ môi trường người ta không khai thác, đánh bắt cá hồi trong tự nhiên, không khai thác tận diệt. Hầu hết, họ ăn cá hồi nuôi, xã hội văn minh người ta ăn thì người ta phải nuôi”, ông Lựu khẳng định.
TS. Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay, qua thực tế nghiên cứu mới nhất vào năm 2015 của khoa này, những mẫu cá hồi và cá ngừ nuôi được mua tại một số siêu thị và chợ ở Hà Nội đều không tìm thấy loài ký sinh trùng nào ký sinh.
Ông cũng khẳng định, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng mình điều đó. Trong khi, theo ông được biết, ngoài khí hậu lạnh, nguồn nước nuôi cá hồi phải sạch thì cá mới sống được.
Còn về việc ăn cá hồi sống, ông Dũng cho rằng, phải đảm bảo đó là cá hồi sạch, tuy nhiên cũng cần cân nhắc vì ngay tại một nước tiên tiến như Nhật Bản cũng có phát hiện mẫu cá hồi, cá ngừ nhiễm ký sinh trùng. Cá nhân ông thì khuyên mọi người nên chế biến cá hồi chín trước khi ăn.
Mời quý độc giả xem video Top tỷ phú giàu nhất Việt Nam 2015 (nguồn Youtube):