Đại biểu Bình Định đề xuất được mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp, bên cạnh việc mặc bộ comple.
Mai Loan
Sáng 31/5, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) trong trang phục áo dài đã đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp, bên cạnh việc mặc bộ comple.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnhmặc áo dài ngũ thân phát biểu tại hội trường sáng 31/5. Ảnh: QH.
“Tôi đã dự định mặc áo dài ngũ thân trong phiên khai mạc. Tuy nhiên, trong cẩm nang đại biểu có quy định nam mặc bộ comple nên tôi không mặc được”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ.
Nói về ý nghĩa của chiếc áo dài ngũ thân, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết, áo có 4 thân ngoài, tượng trưng cho tứ thân, phụ mẫu ôm lấy một thân con tượng trưng cho người mặc, điều này thể hiện tình thương của cha mẹ, nhắc nhở người mặc về chữ hiếu của người Việt; 5 cúc áo được xem là tượng trưng ngũ thường "nhân, lễ, nghĩa, chí, tín", nhắc người mặc sống chuẩn mực hơn.
“Tôi đề nghị Quốc hội xem xét đưa một nội dung vào nghị quyết kỳ họp này, cho phép đại biểu được mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp, bên cạnh việc mặc bộ comple để đại biểu được phép vào viếng Lăng Bác, được mặc tại lễ chào cờ. Được quy định trong nghị quyết thì Chính phủ, các địa phương sẽ không phải rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định này trong các văn bản dưới luật về trang phục”, đại biểu Cảnh đề xuất.
Nói rõ thêm về đề xuất này, đại biểu Cảnh cho biết, việc mặc áo dài ngũ thân không làm thay đổi quy định nào về việc mặc các trang phục khác, không phải thay thế bộ comple mà chỉ giúp cho đại biểu, người tham dự có thêm lựa chọn được mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao.
Việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân có cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống, sự phù hợp thực tiễn khi đưa áo dài ngũ thân nam về với đời sống người Việt. Hướng đến xây dựng một bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, sự kiện ngoại giao nhà nước.
Bộ lễ phục này sẽ vẫn giữ gìn nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt công việc trong xã hội hiện đại và cũng tương xứng với trang phục của người đồng cấp trong các sự kiện ngoại giao, trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.
Chúng ta có câu nói "văn hóa còn thì dân tộc còn", chúng ta đã giữ được bản sắc văn hóa Việt qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong thời kỳ hội nhập, để không bị hòa tan thì phải giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Trang phục là một phần của bản sắc văn hóa. Các nước xung quanh ta và trên thế giới phần lớn đều có lễ phục truyền thống.
“Đề án về trang phục truyền thống đến nay vẫn chưa được thông qua. Theo tôi một phần là do chưa có quy định cho mặt thí điểm để có nhiều thực tiễn quyết định. Vì vậy, tôi mong Quốc hội chấp nhận đề xuất trên. Mong Chính phủ, các địa phương quan tâm đến việc phát triển lễ phục truyền thống trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.
Trước đó, tại Kỳ họp Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng dần Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa. Mục đích là để nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống, kế thừa truyền thống của ông cha vì những trang phục này rất đẹp và kín đáo.
Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế là địa phương đã đẩy mạnh việc phục hưng áo dài truyền thống (bao gồm cả áo dài nam và áo dài nữ) gắn với triển khai Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”. Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ kỷ niệm, có lần ông đi dự hội thảo lớn ở nước ngoài, có quy định mặc trang phục truyền thống, nhưng lúc đó, ông lại chỉ có thể mặc vest. Điều đó khiến ông rất trăn trở, suy nghĩ. Theo ông, càng hội nhập, lại càng cần phải có cái riêng trong nhận diện, đây cũng là lý do Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế chủ trương khôi phục quốc phục dân tộc.
Các con ông đi học ở nước ngoài đều mang theo mấy bộ áo dài, để khi tham gia các buổi giao lưu, các diễn đàn, vẫn thể hiện rằng: "Tôi là người Việt Nam"
Mời quý độc giả xem video: TS Phan Thanh Hải, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế chia sẻ về "Tết xưa". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Kỳ họp thứ 5: Những dự án Luật nào sẽ được trình Quốc hội thảo luận?
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, 7 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, 7 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Bảy dự án luật được thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 gồm: Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự và Luật Đất đai (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thông qua 8 dự án Luật, xem xét công tác nhân sự
Sáng 19/5, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: QH.
Dự kiến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 22 ngày tại Nhà Quốc hội; khai mạc vào ngày 22/5 và bế mạc vào ngày 23/6. Quốc hội sẽ họp tập trung và tiến hành họp theo 2 đợt. Đợt 1 kéo dài 17 ngày, từ 22/5 đến 10/6. Đợt 2 diễn ra trong 5 ngày, từ 19/6 đến 23/6.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, việc bố trí Kỳ họp thành 2 đợt để cơ bản thảo luận xong các nội dung và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo trong khoảng 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt; tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Các phóng viên tham dự buổi Họp báo. Ảnh: Mai Loan.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác nhân sự tại kỳ họp, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến, biểu quyết đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với nhân sự do Quốc hội khóa XV bầu. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiệm kỳ 2021-2026.
Về trường hợp Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, ông Tuấn Anh cho biết, ngày 15/5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết cho ông Nguyễn Phú Cường thôi giữ chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XV.
Ngày 16/5, ông Nguyễn Phú Cường đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin thôi giữ chức vụ do Quốc hội khóa XV bầu. “Như vậy, theo trình tự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Về lý do Trung ương cho thôi và Quốc hội tiến hành các quy trình miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Phú Cường, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, lý do chỉ được công bố khi Quốc hội xem xét miễn nhiệm.
Mời quý độc giả xem thêm video: Tân Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ cảm xúc đầu tiên bên hành lang Quốc hội