Đại biểu Quốc hội “hiến kế” xóa bỏ tín dụng đen tận gốc

Đại biểu Tạ Thị Yên cho hay, vừa qua, công an đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp - điều đó chứng tỏ tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) . Góp ý về Dự thảo, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, có thể coi xóa bỏ tín dụng đen là một nhiệm vụ chính trị, tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa đưa ra để giải quyết.
Dai bieu Quoc hoi “hien ke” xoa bo tin dung den tan goc
 Đại biểu Tạ Thị Yên. Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu.
Vừa qua, lực lượng công an trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp - điều đó chứng tỏ tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác.
Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, để xoá bỏ tín dụng đen, cần giải quyết tận gốc vấn đề. Thực tế, người dân có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp). Tuy nhiên, hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay. Do đó họ phải tìm tới tín dụng đen với rất nhiều rủi ro.
Để giải quyết bài toán này, cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ.
Dự thảo hiện nay chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, được quy định tại Điều 96, về cơ bản nội dung không có gì thay đổi so với quy định tại Luật Các TCTD 2010. Quy định như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số đặt ra cho ngành ngân hàng.
Quy định này cũng không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay, đã xuất hiện nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số số do các tổ chức tín dụng phối hợp với các công ty fintech cung cấp.
Đồng thời, bên cạnh các ngân hàng, lĩnh vực này còn có sự tham gia của các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng, trung gian thanh toán, chuyển mạch tài chính… cùng thuộc đối tượng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động và chịu trách nhiệm quản lý.
Theo số liệu thống kê do Ngân hàng Nhà nước công bố, từ 2020 đến 2023, đã có 11,9 triệu tài khoản và 10,8 triệu thẻ ngân hàng được mở thông qua định danh điện tử, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động đạt 165% về khối lượng và 97% về giá trị.
Đây rõ ràng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, có thể giúp ngành ngân hàng Việt Nam đón đầu xu hướng phát triển chung của thế giới, cần được sự quan tâm, khuyến khích và có hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động trong tương lai.
Hiện nay, các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đã cấp phép cho ngân hàng số hoạt động và đạt được những thành công đáng kể, chẳng hạn như Hàn Quốc cấp phép hoạt động ngân hàng internet từ năm 2015, đến nay các ngân hàng này đã quản lý hơn 115 triệu tài khoản của khách hàng, đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 80% mỗi năm.
Đại biểu ghi nhận Dự thảo đặt vấn đề về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, cơ chế này có thể gây quan ngại về việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp “làm những việc pháp luật không cấm”. Đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đồng thời trao cho cơ quan quản lý quyền quyết định tuyệt đối về thời gian, phạm vi, đối tượng thực hiện – thực chất là cấp phép mà không đi cùng các điều kiện minh bạch, rõ ràng.
“Chính vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tín dụng đen, tôi đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo bổ sung có quy định về ngân hàng số tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, với nội dung cơ bản: Khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam”, đại biểu nêu ý kiến.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Kỳ họp thứ 5: Những dự án Luật nào sẽ được trình Quốc hội thảo luận?

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, 7 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo kế hoạch tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, 7 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Bảy dự án luật được thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 gồm: Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự và Luật Đất đai (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thông qua 8 dự án Luật, xem xét công tác nhân sự

Sáng 19/5, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.
Ky hop thu 5, Quoc hoi thong qua 8 du an Luat, xem xet cong tac nhan su
 Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: QH.
Dự kiến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 22 ngày tại Nhà Quốc hội; khai mạc vào ngày 22/5 và bế mạc vào ngày 23/6. Quốc hội sẽ họp tập trung và tiến hành họp theo 2 đợt. Đợt 1 kéo dài 17 ngày, từ 22/5 đến 10/6. Đợt 2 diễn ra trong 5 ngày, từ 19/6 đến 23/6.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, việc bố trí Kỳ họp thành 2 đợt để cơ bản thảo luận xong các nội dung và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo trong khoảng 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt; tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Ky hop thu 5, Quoc hoi thong qua 8 du an Luat, xem xet cong tac nhan su-Hinh-2
Các phóng viên tham dự buổi Họp báo. Ảnh: Mai Loan. 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác nhân sự tại kỳ họp, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến, biểu quyết đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với nhân sự do Quốc hội khóa XV bầu. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiệm kỳ 2021-2026.
Về trường hợp Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, ông Tuấn Anh cho biết, ngày 15/5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết cho ông Nguyễn Phú Cường thôi giữ chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XV.
Ngày 16/5, ông Nguyễn Phú Cường đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin thôi giữ chức vụ do Quốc hội khóa XV bầu. “Như vậy, theo trình tự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Về lý do Trung ương cho thôi và Quốc hội tiến hành các quy trình miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Phú Cường, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, lý do chỉ được công bố khi Quốc hội xem xét miễn nhiệm. 
Mời quý độc giả xem thêm video: Tân Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ cảm xúc đầu tiên bên hành lang Quốc hội
 

Tin mới