Theo xu hướng phát triển của thời đại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lấn sân sang các thị trường quốc tế. Mỹ được chọn là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư Việt. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng với khả năng mua sắm của người dân hơn hẳn những thị trường khác. Đây cũng là nơi mà người dân rất ưa chuộng cà phê. Chẳng thế mà, một số doanh nghiệp Việt đã dốc vốn mở chi nhánh, cửa hàng tại một số thành phố của Mỹ. Gần đây nhất, một đại gia người Việt đã mua lại thị trấn nhỏ của nước Mỹ và có kế hoạch quảng bá cà phê Việt tại thị trấn này.
Theo đại gia Phạm Đình Nguyên, ông chủ Công ty Dịch vụ phân phối Tổng hợp quốc tế (IDS), sau khi mua lại thị trấn Buford, bang Wyoming, miền trung nước Mỹ với giá 900.000 USD vào tháng 4 năm ngoái, ông vẫn chưa nghĩ đến kế hoạch kinh doanh ở đây. Sau này, ông suy nghĩ và quyết định phát triển một số sản phẩm mang tính "quốc hồn quốc túy" của Việt Nam đến thị trường Mỹ. Cà phê được lựa chọn đầu tiên. Ông Nguyên hy vọng Buford sẽ trở thành thánh địa cà phê Việt, dù là mang tính biểu tượng đi chăng nữa.
Ông Phạm Đình Nguyên quyết định đầu tư 500.000 USD để kinh doanh cà phê PhinDeli trên đất Mỹ. Ảnh: Internet |
Sau khi cửa hàng cà phê PhinDeli tại thị trấn này ổn định, ông Nguyên sẽ nhắm tới các thị trường châu Á khác thông qua các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa và các quán cà phê. Sở dĩ cửa hàng đầu tiên được mở tại Buford vì mặt bằng có sẵn. Ông Nguyên cũng mong muốn, qua việc quảng bá cà phê PhinDeli sẽ khẳng định niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước, vì PhinDeli muốn vào được thị trường Mỹ phải trải qua cuộc sát hạch nghiêm ngặt của cơ quan kiểm tra thực phẩm Mỹ.
Kế hoạch quảng bá cà phê Việt trên đất Mỹ không phải không có tiền lệ. Trước đó, hồi tháng 2 vừa qua, chỉ vài ngày sau khi chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhắm tới việc mở quán cà phê tại Mỹ, với mong muốn người Mỹ sẽ được thưởng thức cà phê thực thụ và sản phẩm của hãng được ưa chuộng tại thị trường này.
Ông chủ cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ cũng muốn mở cửa hàng cà phê trên đất Mỹ. Ảnh: Internet |
Theo ông Vũ, cửa hàng đầu tiên của Trung Nguyên tại Mỹ có thể được đặt tên khác và nằm ở địa điểm mang tính "biểu tượng". Để việc tấn công vào Mỹ được thuận lợi, Trung Nguyên sẽ hợp tác với các chuyên gia về cà phê có chung tham vọng mở rộng ra toàn cầu. Tham vọng của ông Vũ là biến Trung Nguyên thành "một đế chế cà phê" trong vòng 10 năm tới, để cạnh tranh với Starbucks. Đặng Lê Nguyên Vũ dự định tăng số cửa hàng cà phê của hãng lên 200 trong 2 năm tới. Công ty hiện có hơn 3.000 nhân viên và điều hành 5 cửa hàng tại Singapore.
Trao đổi với Kiến Thức về xu hướng đầu tư vào Mỹ, đặc biệt là mang thương hiệu cà phê Việt Nam vào thị trường này, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Hà Books cho biết: Mỹ là một thị trường tiềm năng nhưng không kém phần khốc liệt. Để cạnh tranh ở thị trường này, ngoài việc có kế hoạch cụ thể rõ ràng, chất lượng sản phẩm tốt thì khâu quảng bá vô cùng quan trọng. Làm sao để người dân Mỹ biết đến thương hiệu cà phê Việt, làm sao để họ ưa chuộng sản phẩm và tìm đến thưởng thức cà phê là điều khó hơn nữa.
Ý tưởng của ông Phạm Đình Nguyên hay ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều là những ý tưởng mạnh dạn vì Mỹ là đất nước luôn tạo mọi cơ hội phát triển cho người dân và doanh nghiệp nhưng đầu tư vào đây không phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Cuộc chơi nào cũng có nhiều rủi ro. Luật pháp nước Mỹ rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, cho nên muốn đầu tư vào thị trường này, những doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu rõ pháp luật tại đây hoặc thuê tư vấn để tìm hiểu.
"Đối với ông Phạm Đình Nguyên, số tiền mà doanh nhân này đầu tư vào thị trấn Buford không phải là lớn. Có thể đây là một cuộc chơi thử nghiệm, từ đó vừa khẳng định được tài năng kinh doanh vừa quảng bá được thương hiệu Việt Nam. Nếu doanh nghiệp có sự quản lý tốt về các khâu trong kinh doanh thì việc kinh doanh này nhất định mang lại thành công", ông Hùng đánh giá.