Vắng bóng lao động chính
Vào những ngày giữa tháng 4, chúng tôi trở lại ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nơi có hơn 75% hộ dân là đồng bào Khmer. Dẫn chúng tôi đi quanh làng, ông Trương Hữu Căn – Phó ban nhân dân ấp Hội Trung giọng buồn rầu: “Bây giờ trong làng buồn lắm, người già và trẻ nhỏ chiếm số đông, vì đa phần lao động chính đã bỏ làng đi nơi khác làm thuê hết rồi”.
Ấp Hội Trung là vùng chuyên sản xuất lúa của thị trấn Lịch Hội Thượng, với 900 hộ dân, hơn 3.800 khẩu. Theo lời ông Căn, những năm trước người dân nghèo trong ấp cũng lên các tỉnh miền Đông làm thuê, tuy nhiên con số này rất ít. Riêng năm nay thì khác, từ đầu năm đến giờ đã có hơn 100 hộ dân bỏ lại nhà cửa lên Đồng Nai xin làm công nhân ở các nhà máy.
Vợ chồng ông Thạch Tương phải thay con nuôi cháu. ảnh: HOÀNG HẠNH |
Theo chính quyền địa phương, những người “chạy làng” đa số là hộ không có đất, hay có ít đất đai để sản xuất. Trong các mùa hạn trước, khi nước dưới các con kênh nội đồng vẫn còn, người dân có thể kiếm sống bằng việc trồng thêm hoa màu hoặc làm thuê. Tuy nhiên, cơn đại hạn năm nay quá khốc liệt, khiến đồng áng khắp nơi nứt nẻ, kênh rạch khô cạn, người dân không thể kiếm sống được trong mùa hạn.
Thị trấn có 5 ấp, với hơn 10 ngàn hộ dân. Hiện đã có hơn 1.300 hộ dân rời làng đi khắp nơi kiếm sống, tỷ lệ quay về chỉ khoảng hơn 30 người.
Ông Võ Văn Khoa – Chủ tịch UBND thị trấn Lịch Hội Thượng
Trong cảnh phải đứng nhìn dân bỏ làng, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: “Xã có hơn 3.000 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm đến 1.000 hộ. Từ đầu năm đến nay, xã đã chứng nhận cho 306 người rời quê lên thành phố kiếm sống”.
Thay con nuôi cháu
Trò chuyện với phóng viên, ông Căn cho hay: “Do con cái đi làm ăn xa nên nhiều người già hiện tại phải thay con lo cho các cháu ở quê, như gia đình ông Thạch Tương (61 tuổi) và bà Sơn Thị Chi là một ví dụ điển hình”. Với dáng gầy gò vì bệnh tật, ông Thạch Tương tâm sự, mình là ông bà mà con cháu bỏ đâu cho đặng, nên dù có nghèo cũng phải đùm bọc nhau. “Tôi có 4 người con, gần 10 cháu nội, ngoại. Nhà nghèo quá nên không thể gánh hết cho mấy đứa cháu, hai vợ chồng chỉ nhận chăm 2 đứa cháu ngoại còn nhỏ” – ông Tương bộc bạch.
Đầu năm nay chị Thạch Thị Cúc (con gái út ông Tương) dẫn theo 2 đứa con là cháu Lâm Tấn Phúc, học lớp 2 và Lâm Thị Bích Trăm mới 4 tuổi đến gửi ông Tương chăm để theo chồng lên Sài Gòn làm thuê. “Bản thân vợ chồng tôi cũng đau yếu suốt, nay phải lo thêm cho 2 đứa cháu cũng cực lắm, nhưng phải chịu chứ bỏ tụi nhỏ đâu bây giờ” – bà Chi, vợ ông Tương thở dài.
Hàng ngày, bà Chi cũng đi phụ giúp việc nhà cho một số người quen ở thị trấn Lịch Hội Thượng, kiếm được 70.000 đồng/ngày, cộng với số tiền 1 triệu đồng và 25kg gạo ba mẹ cháu Phúc gửi về hàng tháng cũng tạm đủ sống.
Chung cảnh chăm cháu như ông Tương, bà Chi là bà Thạch Thị Hoa (52 tuổi). Gặp chúng tôi, bà Hoa nói giọng buồn rầu: “Mấy năm trước vợ chồng con Linh (Sơn Ngọc Linh) còn ở quê làm thuê nuôi con, nhưng mùa hạn này không ai mướn gì nên nó phải gửi lại hai đứa con trai, thằng lớn 11 tuổi, thằng nhỏ mới 4 tuổi cho tôi nuôi, khổ lắm chú ơi”.
Mời quý độc giả xem video Hiện tượng thú vị Mưa cá: