Sáng 7/3, Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 và kế hoạch kinh doanh năm 2020; Kết quả hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát 2019 và trọng tâm hoạt động 2020; Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã được kiểm toán; Phương án tăng vốn điều lệ năm 2020; Bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022,…
Kế hoạch năm 2020 đạt 12.500 tỷ lãi trước thuế, nợ xấu thấp hơn 1,7%
Năm 2020, với nhận định nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19; trong đó hoạt động ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng cũng chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, BIDV xác định rõ năm 2020 là có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm đầu thực hiện chiến lược phát triển đến 2025 và tầm nhìn đến 2030,..
Do đó, BIDV đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến 9%. Tín dụng tăng trưởng theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay là 9%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,7%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 7%.
Theo đó, BIDV trình phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm 532,9 triệu cổ phiếu, tương đương 13,3% vốn nhằm cải thiện các kết quả định hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực tài chính.
BIDV sẽ phát hành 281,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 7% và chào bán 8,5% cổ phần (chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng), tương đương 251,4 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, ngân hàng sẽ tăng vốn lên 45.549 tỷ đồng và tiếp tục là đơn vị có vốn lớn nhất sàn chứng khoán.
Thời gian phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến trong quý III-IV và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc riêng lẻ trong năm nay hoặc năm sau, sau khi có quyết định chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
BIDV sẽ chú trọng khách hàng bán lẻ, khách hàng SME; triển khai mạnh chiến lược ngân hàng số, phát triển kênh bán hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế...
Để nâng cao năng lực quản trị hệ thống, Đại hội đã thống nhất cao bầu ông Lê Kim Hòa - Phó Tổng Giám đốc BIDV và ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc BIDV giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.
Với sự bổ sung này, Hội đồng quản trị BIDV gồm có 10 thành viên, trong đó có 1 thành viên là người nước ngoài.
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. |
Năm 2019 BIDV đạt 10.732 tỷ đồng lãi trước thuế, ROE 13,7%
Theo đó, trong năm 2019, tổng tài sản BIDV đạt 1.489.957 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với năm 2018, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động năm 2019 đạt 1.374.765 tỷ đồng, tăng trưởng 12,1% so với năm 2018.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.325.737 tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.134.503 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với năm 2018, chiếm 13,8% thị phần tín dụng toàn ngành.
Về hiệu quả hoạt động, thu dịch vụ ròng của BIDV đạt 6.038 tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với năm 2018, trong đó ghi nhận mức tăng tốt từ các dòng dịch vụ bán lẻ, ngân hàng hiện đại như thu dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng điện tử…
Năm 2019, BIDV có chênh lệch thu chi tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng thương mại, đạt 30.864 tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% so với năm trước; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 10.732 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch ĐHĐCĐ giao; ROA đạt 0,6%, ROE đạt 13,7%...
BIDV thực hiện chi trả cổ tức 2 năm 2017-2018 bằng tiền mặt với tổng giá trị 4.560 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 7%/năm.
Năm 2019 với việc chính thức hoàn tất thương vụ hợp tác với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (KEB Hana Bank), BIDV đã tăng quy mô vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng ở Việt Nam.
BIDV cũng được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basell II trước thời hạn (áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN kể từ ngày 01/12/2019).
Đến cuối năm 2019, thị giá cổ phiếu BID tăng trưởng 42,5% so với đầu năm; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV tăng lên 18,03%. Giá trị vốn hóa thị trường của BID cuối năm 2019 đạt 186.000 tỷ đồng, đứng thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.