Đàn bà bất hạnh do ảo tưởng

Đàn bà thường lo lắng cho cơ hội tìm kiếm “hạnh phúc” theo quan điểm của người đời hơn là hưởng thụ hạnh phúc đích thực mình đang có.

Nếu tôi có một đứa con gái, tôi sẽ dạy con biết kiêu hãnh về các giá trị bản thân. Kiêu hãnh nhưng đừng hoang tưởng để gìn giữ cơ hội hạnh phúc của chính con.

Đàn bà hạnh phúc nhìn như đóa hoa không tì vết, sự rạng ngời hiện ra cả từ những vết chân chim. Thế nhưng, có mấy người đàn bà viên mãn? Đa phần các bà tự làm khổ mình hoặc làm khổ lẫn nhau.

Một trong những mối đe dọa của hôn nhân là sự thiếu chung thủy khiến không ai có trọn vẹn hạnh phúc. Không ai dám khẳng định người thứ ba là sung sướng. Dù có tình yêu, cô ấy sẽ đau khổ khi chăn đơn gối chiếc, không bao giờ được khoác tay người mình yêu một cách công khai và hãnh diện. Trong miệng đời, cô ấy mãi mãi là “kẻ giựt chồng” và dù có nuôi con chồng đến lớn thì cũng vẫn là “mẹ ghẻ”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Người vợ nào cũng điên cuồng vật vã khi chia sẻ người đàn ông của mình mà vì sĩ diện và cay cú, dù không còn tình yêu, bà cũng chẳng dám buông tay cho người ấy ra đi. Bà quên rằng nếu bà có hôn nhân bất hạnh thì cứ chủ động ly hôn, nuôi con một mình và cuối tuần mấy mẹ con cùng nhau rong chơi. Bà là nạn nhân của những quan điểm xưa cũ, bị ru ngủ bởi những bài viết ca ngợi người mẹ kiên tâm chung thủy dù ông chồng bồ bịch lăng nhăng, bỏ nhà bỏ cửa, rồi đến cuối đời mỏi gối chồn chân, ông bẽn lẽn quay về xin lỗi vợ con, và cứ như trong các bộ phim nhiều tập của Đài Loan, Hàn Quốc, cả gia đình lại đoàn tụ trong hạnh phúc viên mãn.

Có người con ca ngợi mẹ mình “Nếu ngày xưa má không hy sinh thì gia đình tôi không được sum họp như ngày hôm nay”. Rồi cũng có không ít bài viết ca ngợi, khuyên nhủ đàn bà chấp nhận nuôi nấng chăm lo cho con riêng của chồng. Có vẻ tác giả quá tàn nhẫn với mẹ mình. 60 năm cuộc đời thì bà đã mất phân nửa thời gian đó nuôi con trong cô độc. Không một người đàn bà nào thật sự cao thượng đến nỗi nuôi con riêng của chồng mà không đau khổ. Ca ngợi sự hy sinh của bà là cổ xúy cho lối sống bất công với phụ nữ. Để bà chịu đựng định kiến mà đánh mất những tháng ngày đáng ra phải được hạnh phúc. Bà quên rằng thà mạnh tay thay đổi cuộc đời còn hơn sống trong u uất.

Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, phụ nữ rạng ngời kiêu hãnh về các giá trị bản thân. Làm gì có một quy tắc chuẩn nào quy định về phụ nữ hoàn hảo? Thế nên nhan sắc, tiền bạc, gia đình không bao giờ là yếu tố làm giảm giá trị của bạn! Mà dù bạn hoàn hảo đi chăng nữa thì liệu người đàn ông của bạn có xứng đáng? Đàn bà thường lo lắng cho cơ hội tìm kiếm “hạnh phúc” theo quan điểm của người đời hơn là hưởng thụ hạnh phúc đích thực mình đang có. Cô ấy vì mọi người hối thúc mà cuống cuồng lấy chồng. Cô ấy vì lỡ đã trao thân mà chấp nhận một người chồng kém cỏi. Cô ấy sợ hãi hai chữ “bỏ chồng” mà trói cuộc đời mình cho người khác vùi dập.

Đàn bà thường hay bất hạnh do ảo tưởng. Họ thường kỳ vọng về một bạch mã hoàng tử nhưng nếu lấy phải con cóc thì cũng cho là do số phận và chịu đựng tất cả. Họ quên rằng phép màu không có thật trên đời và chỉ có họ là người tự quyết định hạnh phúc của mình.

Trên cuộc đời này không có gì là may mắn. Đàn ông khi yêu và cầu hôn là lúc họ nhún mình nhất. Đó chính là cơ hội để những người đàn bà mạnh mẽ thiết lập các quy tắc gia đình. Nếu không tìm được tiếng nói chung thì chia tay là giải pháp đẹp nhất. Không ai xấu hoàn toàn và cũng chẳng dễ tìm được thánh sống, vấn đề là có phù hợp hay không? Đàn ông gia trưởng đi tìm một người đàn bà có tính phục tùng. Đàn bà tham vọng đi tìm một người đàn ông cá tính mạnh mẽ. Thị Nở còn có Chí Phèo nên nếu chưa tìm được người “trời sinh một cặp” thì đừng kết hôn. Vì số lượng người chết vì thất tình không thể cao bằng những cuộc đời chết vì hôn nhân bất hạnh.

Thậm chí đàn bà có một cuộc hôn nhân viên mãn, chồng con đuề huề vẫn chưa chắc thật sự hạnh phúc. Họ bị tác động bởi xã hội. Và xã hội thì quá khắt khe khi giao trọng trách phát triển đất nước cùng với gìn giữ gia đình lên vai các bà. Phụ nữ chỉ nên làm những gì khiến họ hạnh phúc. Nếu yêu gia đình thì nghiêng về gia đình, nhưng đừng bỏ đi những niềm vui cá nhân, đừng dùng chữ hy sinh vì hy sinh đi kèm với thiệt thòi. Mỗi phụ nữ nên thiết lập thời khóa biểu cho những điều mà mình thấy hạnh phúc khi làm: đi du lịch, đi shopping, đi spa, nuôi thú cưng, trồng trọt, làm bánh, nấu ăn… Mình không ngăn cản sự hiến thân cho gia đình, bất cứ sự cống hiến nào cũng đem lại kết quả nhưng sự cân bằng cũng quan trọng. Đừng đặt toàn bộ trứng vào một rổ, vì gia đình mà bỏ cả sự nghiệp, bỏ hết niềm vui riêng thì đàn bà đánh mất đi sự an toàn.

Tôi thích hình ảnh một phụ nữ kiêu kỳ và viên mãn bất kể đến người đàn ông trong cuộc đời cô ấy. Nước đục thì lọc lại cho trong và bến này đục thì neo thuyền bến khác.

Cái tội của đàn bà

Cái tội của đàn bà là không thoát ra được “miệng đời”, dù cái miệng đó chỉ có sự thóc mách làm người ta bất hạnh, nghiêng ngửa truân chuyên...

Chị buồn buồn nói, cái tội của đàn bà là không thoát ra được “miệng đời”, dù cái miệng đó chỉ có sự thóc mách làm người ta tan nhà nát cửa, nghiêng ngửa truân chuyên, chứ chưa bao giờ nói lời hay ý đẹp cho cuộc sống. Chị như bao người phụ nữ khác, cũng bị “chết chìm” vì dư luận, để khi vớ được một chiếc phao chịu cho mượn tên mình ở cột “người cha” trong khai sinh của đứa bé trong bụng chị, cuộc đời chị mới xem như đã “sang trang”. Mà là… sang trang đau khổ hơn khi có được một mái ấm, dù chỉ riêng chị biết, đó chỉ là mái… hiên.

Công việc của anh ở ngoài nhiều hơn ở nhà, nên khi anh “đỡ đầu” cho đứa bé con chị, vợ anh không hề biết. Vợ anh thuộc tuýp phụ nữ đơn giản: tối chồng phải ngủ nhà, lương nộp đầy đủ, giỗ chạp, lễ lạt hai bên nội ngoại đều phải có mặt. Thế là đủ chuẩn “chồng ngoan”. Còn ban ngày anh ăn đâu, ở đâu, có đau ốm đột xuất gì không… vợ anh đều không quan tâm. Chị trở thành người quan tâm “giùm” điều đó. Anh đi làm, chị đi làm nhưng bổn phận “vợ” khi “chồng” ưa ăn ruốc sả, ớt sa tế, canh cua mẻ, cá kho tộ… “ngon như mẹ nấu”, chị đều phải lo vì một nửa yêu thương, một nửa hàm ơn, thêm một nửa nghĩa tình. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Anh bảo chị không được giao du với ai ngoài vài người đồng nghiệp ở công ty, chị vâng lời ngay. Ngoài đường nhiều cạm bẫy, tốt nhất ngoài đi làm, đi chợ thì về “nhà” với anh ngay. Dù “nhà” chỉ 16m2 nhưng hơn chục năm xa những bữa cơm của mẹ, từ lúc có chị, anh mới được ấp ủ trong mái ấm gia đình. Chị còn lý do nào hơn mà không vâng lời, dù biết rằng mái ấm đó chỉ “ấm” ban ngày, ban đêm nó là… mái hiên của anh, để khi tiễn anh rồi, chị lại ước “nhà” co lại đủ chiếc giường cho hai mẹ con thôi, 16m2 trống trải lắm.

Tám năm nữa bay vèo như tên bắn. Đứa con của vợ chồng anh đã vào đại học. Anh vẫn giấu kín cái “mái hiên” mà vợ anh không hề hay biết. Cùng thời điểm đó, anh nằn nì bảo chị sinh cho anh một đứa con để vui cửa vui nhà. Chị lần khân rồi gật đầu, với điều kiện phải đổi căn phòng trọ này thành nhà riêng của “vợ chồng mình”. Anh nhấc bổng chị tỏ vẻ vui mừng, ô kê… ô kê… Ký hợp đồng tối nay, hoa hồng dư sức mua cho em căn nhà có cả khoảnh vườn ngập hoa như em muốn. Nhưng, tối nay em phải ăn mặc cho thật đẹp, thật ra vẻ “phu nhân phó giám đốc” chứ không còn là thư ký như ngày nào nữa! Còn anh, không bao lâu nữa anh sẽ ly hôn, cái “mụ phù thủy” ấy chỉ yêu túi tiền của anh chứ không yêu thương gì anh hết! Chị ngập tràn trong hạnh phúc. Đời chị qua bao sóng gió, nay thực sự có mái ấm rồi.

Thế nhưng… khi anh vừa dắt tay chị đứng lên, lời giới thiệu chưa dứt thì từ phía cử tọa một người phụ nữ xô dạt bàn ghế chạy lên. Vợ anh! Chị là khách của “đối tác”, là một trong những người được mời dự bữa tiệc tối nay. Anh chết sững. Chị cuống cuồng. Đối tác im lặng.

Mấy hôm sau anh mất hút trong công ty. Chị tính đến việc chuyển chỗ làm sau khi đã chuyển nhà trọ. Anh gửi tin xin chị bình tĩnh, rồi mọi việc sẽ ổn thỏa. Anh muốn mãi có những ngày bình yên hạnh phúc bên những bữa cơm canh chua mẻ, cá kho tộ, chị rửa chén, anh giặt đồ… như bao tháng năm qua.

Chị cười như mếu. Anh ơi! Cái tội của đàn bà là không thoát được “miệng đời”. Tám năm qua đã đủ lắm rồi. Em yêu anh trăm lần, cảm ơn anh ngàn lần nhưng… người ta có còn cần hóng mát ở mái hiên khi căn nhà trên tầng cao vẫn thông thoáng gió?

Kết cục buồn của người đàn bà nông nổi

Chưa đến một năm sống chung với nhau, Phương thú thật với chị là Phương ngày trước chỉ bị chị quyến rũ và say mê nhất thời...

Phiên tòa ly hôn của anh Trần Văn T. khá đặc biệt vì vắng mặt người vợ. Căn phòng của TAND TP.HCM lạnh lẽo, đầy sự đau đớn, thất thần của người đàn ông bị vợ bỏ trốn theo người em trai họ.

Đánh đổi một gia đình hạnh phúc

Năm 2004, anh Trần Văn T. và chị Nguyễn Thị Thu H. lấy nhau trong niềm vui của hai bên gia đình, dòng họ. Yêu nhau hai năm, lấy nhau về, cha mẹ cho một căn nhà nhỏ gần ngoại thành để sống. Chồng đi làm công nhân, vợ bán quán, cuộc sống yên ổn. Rồi con trai đầu lòng ra đời, tưởng không gì có thể mãn nguyện hơn.

Năm 2006, anh T. bỏ công việc tại công ty may, về gom vốn, hùn với bạn bè mở một tổ hợp gia công may bao bì tại nhà. Để tiện quản lý công việc, anh gọi người em họ xa của mình từ miền Tây lên phụ giúp trong nhà.

Người em họ này tên Phương, vốn ở quê làm nghề sửa xe đạp, thu nhập thấp, gia đình lại nghèo nên 25 tuổi vẫn chưa có "mảnh tỉnh vắt vai". Lên thành phố, Phương ở nhà anh chị, phụ giúp anh họ quản lý nhân công, bỏ mối, giao hàng, khi rảnh rỗi thì phụ giúp chị dâu bưng bê quán nước trước nhà.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Công việc làm ăn mỗi lúc một khá, anh T. cũng thường xuyên vắng nhà, đi ngoại giao bên ngoài tìm mối hàng, bỏ hàng nhiều hơn. Và tất cả bi kịch gia đình anh cũng nảy sinh từ những lần vắng nhà ấy. Chẳng biết do chồng vắng nhà nhiều, hay vì vẻ hiền lành, đẹp trai của cậu em họ chồng, mà từ bao giờ chị H. bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến “cậu em”.

Chị siêng nấu nướng, và khi nấu nướng thì để ý hơn đến những món mà cậu em chồng thích ăn. Mua đồ cho chồng, bất giác chị thường mua thêm cho cậu em chồng quần áo. Đi đâu, chị cũng nhờ cậu em chở đi. Còn Phương, với sự chân chất của cậu trai quê, vẫn nghĩ là “bà chị dâu” tốt, quý mình. Cậu cũng ra sức giúp đỡ chị, như là một người đàn ông trong nhà khi anh họ mình đi xa việc kinh doanh.

Rồi mọi chuyện dần dà đi quá xa, khi Thu H. không còn giấu giếm được tình cảm của mình cho cậu em họ chồng. H. bắt đầu nói bóng gió, xa xôi. Khi thấy cậu em vẫn chưa hiểu, chị dùng sự ngọt ngào, khêu gợi của người đàn bà đã có chồng. Phương cũng đã hiểu ra ý định của chị dâu đối với mình. Ban đâu, Phương rất hoảng sợ. Thế những, với sự thuyết phục, quyến rũ, ngọt ngào của chị dâu, chàng trai mới đến tuổi trưởng thành ấy đã không thể cưỡng lại được. Phương rơi vào “lưới tình” của người chị dâu.

Thân tàn

Mối quan hệ vụng trộm diễn ra chừng hơn 4 tháng, rất say đắm, nồng nàn. Hàng xóm bắt đầu có lời xì xào. Tuy anh T. không tin chuyện ấy xảy ra, nhưng khả năng bị lộ cũng không ít. Mà nếu bị lộ ra, thì hai người họ sẽ trắng tay và đối mặt với bao hậu quả nặng nề. Vì quá say mê cậu em họ của chồng, chị H. quyết định rủ cậu bỏ trốn.

Nghe kế hoạch của chị dâu họ, Phương vô cùng hoảng hốt. Thế nhưng, lại một lần nữa, H. đã thuyết phục được cậu trai, bằng những lời âu yếm, bằng mê hồn trận giường chiếu, khiến Phương ngỡ như mình không thể sống nếu thiếu người đàn bà ấy. Sau sự chuẩn bị kĩ càng, một lần, khi chồng đi nhận mối hàng tận miền Trung, H. đã trộm hơn 150 triệu, số tiền dành dụm bao năm làm ăn của anh T. để bỏ trốn cùng với Phương.

Khi anh T. trở về sau chuyến đi 4 ngày, đau đớn thấy vợ mình đã bỏ đi với toàn bộ tiền dành dụm của hai vợ chồng, con thì gửi bên nhà chị của anh. Đau khổ, chờ trông, tìm kiếm mỏi mòn, cuối cùng, anh quyết định đâm đơn ly hôn sau khi nhận được thư xin lỗi của Phương gửi.

Thủ tục xong xuôi, hơn một năm sau, anh chính thức ra tòa, cầm tờ giấy ly hôn khi nỗi đau trong lòng còn chưa dứt. Từ đó anh một thân gà trống nuôi con, và chán đời đến mức chẳng còn muốn đi bước nữa.

Vậy mà, bẵng đi 3 năm trời, cuối năm 2013, vợ anh về nhà trong sự ngỡ ngàng của hai cha con anh. Trở về, chị không còn là người phụ nữ xinh xắn như ngày xưa, mà trong một hình dung tiều tụy. Anh sốc khi biết vợ cũ đang mang trong mình căn bệnh ung thư, và đã sống lẻ loi gần 3 năm nay, tự bươn chải kiếm sống. Chị bị ung thư giai đoạn cuối không còn sống bao lâu nên trở về để gặp con, gặp chồng xin lỗi.

Hóa ra, chị ôm tiền chạy theo tình yêu mà cũng chẳng được hạnh phúc. Sau khi họ xuống một tỉnh miền Tây, Phương và chị thuê nhà. Phương tiếp tục nghề sửa xe đạp, chị mở quán nước bán, với số tiền đang có thì khá xông xênh. Nhưng chỉ có mình chị là thấy hài lòng, còn Phương luôn dằn vặt, đau khổ và ám ảnh tội lỗi.

Chưa đến một năm sống chung với nhau, Phương thú thật với chị là Phương ngày trước chỉ bị chị quyến rũ và say mê nhất thời chứ chưa bao giờ thấy yêu thương chị. Ngay từ khi ra đi Phương đã hiểu và nhận ra sai lầm. Thời gian qua Phương đã gặp một cô gái mà cậu yêu thật lòng, cậu khao khát muốn sống trọn đời, nhưng Phương thấy mình tội lỗi. Cậu ta muốn ra đi, bỏ lại quá khứ sau lưng để làm lại từ đầu.

Nói hôm trước, hôm sau Phương bỏ đi để lại tất cả tài sản và mọi thứ, kể cả những thứ chị mua tặng Phương. Chị sống đơn độc trong đau khổ, ê chề từ đó. Rồi những cơn đau dạ dày, nôn mửa kéo dài, và chị phát hiện bị bệnh ung thư dạ dày. Bao tiền bạc điều trị cũng không ngăn bệnh tiến triển. Trắng tay, mất tất cả, chị trở về đây không xin sự tha thứ, mà để tạ lỗi. Chị nói, đó là cái giá mà mình phải nhận vì đã phản bội và hủy hoại hạnh phúc gia đình.

Tin mới