Dân mong quan chức đến lễ hội “Thề không tham nhũng”

(Kiến Thức) - Người dân mong nhiều quan chức sẽ đến lễ hội Minh Thế để thề thiêng “không tham nhũng”.

Ngày 21/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch), lễ hội Minh Thề được tổ chức tại khu di tích đình - chùa thôn Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng).
Khác với nhiều lễ hội khác như lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) cầu tiền tài danh vọng thu hút nhiều du khách và quan chức đến dự, lễ hội Minh Thề thường ít du khách. Năm nay, không khí lễ hội có phần nhộn nhịp hơn khi lượng khách đến đông hơn mọi năm. Người dân làng Hòa Liễu mong muốn sẽ có nhiều hơn quan chức, công nhân viên chức đến lễ hội Minh Thề.
Ông Phạm Đăng Khoa, một người dân địa phương năm nay đã 80 tuổi, người viết sử của làng Hòa Liễu, cũng là người tham gia lễ hội hàng năm cho biết: “Có nhiều câu chuyện về những người tham gia Minh Thề bị trừng phạt. Những ai tội không đáng chết sẽ bị trừng phạt như việc bị ốm đau triền miên và phải mất rất nhiều tiền để chạy chữa. Từ lúc được công nhận đến nay, có đúng một năm, một vị từng là quan chức huyện về làm chủ lễ và thề không tham nhũng với dân làng. Năm đó, vị đó mất. Từ đó, lễ hội chỉ tổ chức với quy mô cấp làng. Có lẽ vì lẽ đó mà nhiều quan chức không hào hứng đến dự lễ hội và thề”.
Nghi lễ trong lễ hội Minh Thề.
Nghi lễ trong lễ hội Minh Thề.
Điều đặc biệt, năm nay có lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy đến dự nhưng không tham gia nghi thức thề trong lễ hội.
Nói về điều này, ông Bùi Thế Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho rằng, việc lãnh đạo không tham gia nghi lễ Minh Thề vì đây là lễ hội của làng.
Người dân mong muốn, các lãnh đạo huyện và lãnh đạo thành phố, quan chức các địa phương tham gia lễ hội với bà con, uống chén rượu thề cùng người dân. Đây là việc làm hay hơn tất cả những phát biểu hứa hẹn của lãnh đạo.
Nói về việc tổ chức lễ hội Minh Thề, các cụ cao niên trong làng nhớ lại, vào khoảng giữa thế kỷ XVI, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ của vua Mạc Đăng Dung đã bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc cả thảy 35 vị góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ ở thôn Hòa Liễu. Thái hoàng Thái Hậu mua 25 mẫu 8 sào 2 thước ruộng cúng Tam Bảo và cho dân Lan Niểu (nay là thôn Hoà Liễu) được sử dụng. Ruộng này làng gọi là Thánh điền. Một phần diện tích ruộng dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, một phần chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc; phần còn lại cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ… Để phòng chức dịch tham nhũng trong việc sử dụng hoa lợi từ số ruộng trên, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra Hịch văn hội Minh thề quy định lấy chí công làm trọng. Hội Minh Thề từ đó diễn ra vào 3 ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng hàng năm.
Người dân uống rượu thề không tham nhũng.
 Người dân uống rượu thề không tham nhũng.
Theo nghi lễ còn lưu truyền đến ngày hôm nay, trong lễ hội Minh Thề, chủ lễ cùng các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của Thánh vương. Đồng thời làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm. Các bô lão, quan khách và dân làng, chức dịch, quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2m ở giữa sân miếu gọi là Đài thề. Trước Đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm. 
Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, đều thề: "Ai lấy của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử; làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt". Sau khi mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm.

Rùng rợn lễ hội rạch lưỡi dị nhất Việt Nam

(Kiến Thức) - Ở lễ hội hành xác này, người ta rạch lưỡi lấy máu, ngồi lên bàn chông toàn đinh nhọn, dùng sắt xuyên qua quai hàm... Xác càng đau thì càng được phúc.

Từ rất lâu, người dân miền Tây Nam bộ đã truyền tai nhau về một lễ hội rùng rợn đặc dị nhất nhì ở Việt Nam diễn ra vào giữa tháng Giêng âm lịch ở An Giang. Ở đó, người ta rạch lưỡi lấy máu, ngồi lên bàn chông toàn đinh nhọn, dùng sắt xuyên qua quai hàm… để hành xác. Xác càng đau thì càng được phúc.

Lễ hội có tên là Hành xác (còn được gọi là Lễ cúng Ông Quan Thánh Đế), diễn ra tại một ngôi miếu có tên Quan Đế thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Lễ hội Hành xác thu hút hàng trăm người dân từ khắp nơi đổ về xem.
 Lễ hội Hành xác thu hút hàng trăm người dân từ khắp nơi đổ về xem. 

Theo truyền thống từ hàng trăm năm nay, tất cả những vụ hành xác trong ngày đầu tiên (13 tháng Giêng) đều có tên gọi chung là ngày “đạp đường”. Nói một cách dễ hiểu, đây là ngày mà các vị thánh thần hoặc linh hồn của bậc tiền hiền, những người có công khai mở vùng đất Tân Châu xưa trở về báo với hậu nhân về sự hiện diện của mình trong ngày chính của lễ hội, tức ngày 16 tháng Giêng âm lịch.

Cũng như nhiều năm trước, người có nhiệm vụ trao xác của mình cho thần Hỏa Công - một trong năm vị thần (Đường Công, Bửu Công, Lãng Công, Chí Công, Hỏa Công) được dân gian tôn thờ như là những vị thần bảo trợ cho người dân trong vùng - là một ông lão bán vé số nghèo tên Nguyễn Văn Bé.

Ông Bé đang thực hiện nghi thực rạch lưỡi lấy máu.
 Ông Bé đang thực hiện nghi thực rạch lưỡi lấy máu.
Sau một vài nghi thức thắp nhang, cúng bái trong tiếng trống giục giã..., ông Bé dần dần bước vào trạng thái gần như vô thức. Mặc dù đã ngoài 60 tuổi, song trong tiếng trống liên hồi của các thiếu niên tham gia lễ hội, ông Bé trở nên hoạt bát, lanh lẹ và mạnh mẽ như một võ tướng.
Và rồi, cuối cùng thì giây phút rùng rợn nhất và được hàng trăm người tham gia lễ hội chờ đợi nhất cũng bắt đầu - nghi thức rạch lưỡi lấy máu ban phước lành. Sau một vài động tác múa may quay cuồng, ông Bé từ từ đưa thanh kiếm lên cao, cho vào miệng và bắt đầu quy trình tự rạch chiếc lưỡi của mình.
Máu tứa ra từ chiếc lưỡi sau đó được thấm vào những mảnh giấy được chuẩn bị từ trước mà người dân địa phương gọi là bùa. Toàn bộ số giấy bùa này sau khi hong khô sẽ được trao cho những người tham gia lễ hội với hàm ý thay lời chúc phúc cho một năm mới sức khỏe, thịnh tài thịnh vật.
Một cảnh hành xác trong lễ hội.
 Một cảnh hành xác trong lễ hội. 

Với quan niệm, xác của người được thánh thần, tổ tiên chọn, mà trong trường hợp này là ông Bé bị hành xác càng nhiều, càng đau thì người dân càng được phúc nên trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ ông Bé đã 3 lần rạch lưỡi và một lần ngồi trên chiếc kiệu với một bàn đinh nhọn hoắt.

Vào ngày chính lễ, 16 tháng Giêng âm lịch, hàng trăm người dân từ khắp nơi lại tiếp tục đổ về Tân Chân, tụ tập quanh khu miếu. Đúng giờ hành lễ chính thức - 11h trưa - trống giục liên hồi nổi lên.

5 người được chọn cho buổi lễ hành xác bắt đầu làm nghi thức thôi miên, tự đưa cơ thể mình đi dần vào trạng thái vô thức. Và trong trạng thái ấy, việc sử dụng một thanh sắt để xuyên qua quai hàm như thế này không phải là một việc làm quá khó khăn.

Theo người dân địa phương, ngoài những phương pháp hành xác như rạch lưỡi, xuyên quai, ngồi ghế đinh, trước đây, người tham gia hành xác còn thực hiện nghi thức dùng 2 chùy hình quả ấu quất vào lưng, thậm chí tắm vạc dầu sôi. Thế nhưng, vì lý do an toàn nên những năm gần đây, nghi thức này đã được hạn chế.

Có thể nói lễ hội Hành xác ở thị xã Tân Châu, An Giang đã ăn sâu vào đời sống văn hóa và tinh thần của người dân trên vùng đất này.

Vậy không khí lễ hội sôi động như thế nào? Nguồn gốc lễ hội từ đâu? Các cảnh hành xác rùng rợn ra sao? Những người tham gia hành xác, chấp nhận đau đớn thể xác là ai? Vì sao họ tự nguyện tham gia lễ hội và có thể tự thôi miên, thoát khỏi cảm giác đau đớn khi thực hiện nghi thức hành xác? Các nhà nghiên cứu, chuyên gia bình luận gì...? Tất cả những điều này sẽ được giải mã trong phóng sự Lễ hội Hành xác phát sóng lúc 20h15, thứ Sáu ngày 13/3/2015 trên kênh ANTG (Truyền hình An Viên). Mời quý khán giả đón xem.

Dưới đây là trailer phóng sự "Lễ hội Hành xác":

Cận cảnh lễ hội rước ông lợn độc đáo ở La Phù

(Kiến Thức) - Lễ hội rước ông lợn ở La Phù là lễ hội độc đáo có một không hai, kéo dài vô cùng náo nhiệt trong 2 ngày 13-14 tháng Giêng hàng năm.

Can canh le hoi ruoc ong lon doc dao o La Phu
 Theo truyền thống lâu đời, lễ hội rước ông lợn ở La Phù là dịp tưởng nhớ Tĩnh Quốc, vị anh hùng của làng La Phù dưới thời Hùng Vương, mở tiệc khao quân trước khi lên đường đánh giặc. Tích xưa truyền lại, khi đó người dân trong vùng mang lợn đến dâng để tỏ lòng biết ơn và gọi ông là Thành Hoàng. Lễ hội nhằm ngày 13 tháng Giêng hằng năm.

Tin mới