Ảnh minh họa. Nguồn: Pháp luật TP HCM. |
Về việc đánh bạc ngày Tết bị xử lý thế nào, Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh tư vấn cho độc giả Duy Kiên (Hưng Yên) như sau:
Theo hướng dẫn của TAND tối cao, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép… Do đó, việc chơi tá lả, tổ tôm, tam cúc... ăn tiền dù chỉ một vài chục nghìn cũng được xem là hành vi đánh bạc trái phép, vi vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, vào dịp Tết cổ truyền, nhiều gia đình hay tụ tập chơi bài ăn tiền. Mọi người đều nghĩ rằng đó là việc vui vẻ trong gia đình với nhau, nhiều khi số tiền thắng lại được sử dụng để ăn uống chi tiêu chung. Tuy nhiên đối chiếu với hướng dẫn của TAND Tối cao, việc làm này cũng là hành vi đánh bạc trái phép.
Theo quy định của pháp luật, nếu đánh bạc với số tiền dưới 5 triệu đồng, người đánh bạc sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 26, Nghị định số 167/2013. Cụ thể người nào có hành vi mua các số lô, số đề thì bị phạt tiên từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật…
Đối với hành vi đánh bạc với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên, người đánh bạc có thể bị xử lý hình sự về tội Đánh bạc.
Ngoài ra, người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi, tội liên quan đến đánh bạc mà còn vi phạm thì đánh dưới 5 triệu đồng cũng vẫn có nguy cơ bị xử lý hình sự.