Đánh giá âm thanh iPhone X: Mất ngôi smartphone có chất âm tốt

iPhone X là thế hệ iPhone thứ 2 bỏ đi cổng 3.5mm. Liệu chất lượng âm thanh của sản phẩm này có tốt hơn những chiếc iPhone tiền nhiệm hay không?

Trước tiên, chúng ta hãy cùng nhớ lại chút về ngõ âm thanh 3.5mm. Ngược lại dòng lịch sử đến hơn chục năm về trước, thời điểm đó những chiếc điện thoại vẫn sử dụng chung 1 cổng cho 3 mục đích: sạc, truyền dữ liệu và ngõ ra tai nghe. Chắc hẳn nếu bạn nào dùng điện thoại để nghe nhạc tại thời điểm đó sẽ thấy rất bất tiện mỗi khi cần mượn tai nghe của ai đó hay đơn giản là muốn vừa sạc vừa nghe nhạc.
Vậy tại sao đến hơn chục năm sau, Apple lại đưa chúng ta quay lại "thời kỳ đồ đá"? Sau quyết định từ bỏ cổng 3.5mm trên iPhone của Apple, các hãng khác bây giờ đã đi theo. Đến cả ông lớn Google cũng đã phải công nhận giắc 3.5mm trên các thiết bị di động đã không còn phù hợp. Socket 3.5mm có kích thước quá lớn. Việc bỏ đi cổng 3.5mm sẽ giúp các nhà sản xuất tạo ra được chiếc smartphone gọn hơn, mỏng hơn, viên pin lớn hơn,… Vì vậy có thể nói rằng đã đến lúc chúng ta phải làm quen dần với sự bất tiện và làm quen với những chiếc điện thoại không có cổng 3.5mm vì đây là xu thế của smartphone.
 
Phần cứng âm thanh
Về phần cứng, theo kết quả mổ của iFixit, iPhone X có 3 amplifier (amp) 338S00296 đến từ Apple/Cirrus Logic gồm 2 amp cho 2 loa và amp còn lại cho cổng Lightning, và có chip DAC Apple/Cirrus Logic 338S00248. Như vậy, iPhone X đã có thay đổi các linh kiện âm thanh so với thế hệ iPhone 7/7 Plus (chỉ có 2 amp và một chip DAC).
Việc bỏ cổng âm thanh 3.55mm để chuyển sang cổng Lightning tạo ra những thay đổi về xử lý âm thanh. Tai người và tai nghe cần dạng tín hiệu tương tự (analog) – đây là dạng tín hiệu mà cổng 3.5mm xuất ra, còn dạng tín hiệu của cổng Lightning xuất ra đó là dạng số (digital). Thông thường như những chiếc iPhone 6S trở xuống, bên trong máy sẽ sử dụng con chip DAC để chuyển dự liệu số sang dạng tương tự rồi đưa ra ngõ 3.5mm.
Còn với những chiếc iPhone không có cổng 3.5mm hiện nay, việc giải mã tín hiệu này được thực hiện trong chiếc giắc chuyển Lighting sang 3.5mm đi kèm hộp hoặc ngay trong giắc Lightning với tai nghe Earpod chân cắm Lightning. Bên trong chiếc giắc chuyển có giá 9 USD này, Apple sử dụng một IC có mã hiệu 338S00140 A0SM1624 TW, rất có thể đây là chip DAC, bộ phận chính để giải mã âm thanh. Những người dùng thông thường có lẽ sẽ không quá quan tâm đến việc này, nhưng với những ai thích âm thanh một chút chắc chắn sẽ không thích việc nghe nhạc bằng chiếc DAC có giá 9 USD.
Về phần mềm, trước khi ra mắt iPhone mới, đã từng có nguồn tin rằng Apple sẽ hỗ trợ chính thức định dạng lossless FLAC nhưng trên thực tế hiện nay thì bạn vẫn không thể chép trực tiếp những file nhạc dạng này vào iPhone được. Bạn sẽ phải chuyển đổi file FLAC sang ALAC để đưa vào iPhone.
 
Loa ngoài
iPhone X sử dụng cả 2 loa, gồm loa thoại và loa ngoài để phát nhạc cùng lúc, đem lại âm thanh stereo. Mặc dù vẫn giữ nguyên tính năng kháng nước nhưng iPhone X đã có chất lượng loa ngoài tốt hơn iPhone 7, âm thanh to hơn, chi tiết hơn và ít bị méo hơn.
Tai nghe đi kèm
Cũng giống với iPhone 7/7 Plus, thế hệ iPhone lần này đi kèm với chiếc tai nghe Earpod qua chân cắm Lightning. Tai nghe này về ngoại hình không có điểm gì khác biệt so với loại tai kèm trên các iPhone trước đây trừ phần giắc cắm. Nhưng về chất âm thì chiếc Earpod cổng Lightning lại có chất lượng tốt hơn rõ ràng. Theo suy tính ban đầu của mình thì đáng ra những thay đổi về thành phần giải mã âm thanh sẽ khiến chiếc Earpod này phải nghe dở hơn. Có lẽ Apple đã có những thay đổi về màng loa tai nghe hay có tinh chỉnh lại âm thanh.
Chiếc Earpod đi kèm iPhone X giờ đây đã có âm bass chắc gọn và sâu hơn một chút, tăng chút chi tiết và âm trường. Nhìn chung đây vẫn sẽ là một chiếc tai nghe đi kèm rất khá, kể từ chất lượng âm thanh hay cảm giác thoải mái khi đeo. Tuy vậy giắc cắm Lightning có thể nói là quá mỏng manh để làm giắc tai nghe. Cắm tai nghe và đút điện thoại vào túi để nghe nhạc rất có thể dẫn đến việc bị gãy hoặc cong giắc cắm.
Trải nghiệm thực tế với âm thanh từ ngõ ra Lightning
Trong bài test này, mình sẽ tiếp tục so sánh âm thanh từ ngõ ra 3.5mm của adapter đi kèm hộp. Lưu ý rằng mặc dù cùng là 1 chiếc adapter nhưng khi bạn cắm nó với những chiếc máy iPhone và iPad khác nhau sẽ cho ra âm thanh khác nhau một chút. Điều này đã được chứng minh qua việc đo đạc bằng máy móc. Tai nghe tham chiếu gồm 64 Audio U18 Tzar (giá tham khảo 70 triệu đồng) và 64 Audio Tia Fourté (giá tham khảo 83 triệu đồng) trong bài viết được hỗ trợ bởi Xuân Vũ Audio (tainghe.com.vn).
 
Nghe thử với bản nhạc Time (Hans Zimmer – Inception OST), có thể thấy âm thanh từ chiếc iPhone X có âm trường không được rộng rãi cho lắm, chỉ tương đương với iPhone 7 và kém hơn đáng kể so với iPhone 6S. Tiếng kèn, trống và đàn vốn rất hào hùng, rộng lớn nhưng với iPhone X lại khiến người nghe kỹ tính thấy mất đi những tính chất đó của bản nhạc ngay khi so sánh với thế hệ iPhone cuối cùng có giắc âm thanh 3.5mm. Bản nhạc giờ đây trở nên gò bó hơn, hiệu ứng không gian âm nhạc không hiệu quả. Với những chiếc tai nghe cao cấp vốn đã có âm trường rất rộng như Tia Fourte thì sẽ không quá ảnh hưởng, nhưng với những chiếc in-ear tầm thấp thì có lẽ cảm giác khi nghe sẽ có phần bí.
iPhone X cũng có xu hướng âm thanh mà nhiều nhà sản xuất hiện nay lựa chọn, phần low treb được gia tăng, nhằm tạo hiệu ứng về độ chi tiết. Âm thanh khi nghe sẽ để lại ấn tượng ban đầu là khá sắc nét về chi tiết, nhưng với những ai kỹ tính hơn, sẽ thấy tiếng treb này bị cảm giác điện tử, thiếu tự nhiên. Đặc biệt khi nghe cùng với những chiếc tai nghe hybrid XBA đời cũ của Sony sẽ thấy âm treb bị rời rạc và thiếu ăn nhập với những dải âm còn lại.
Cùng với việc gia tăng lượng treb, dải bass cũng có lượng tương đối nhiều, kết hợp với dải treb tạo nên chất âm có tính "fun". Lượng bass được tập trung ở mid-bass, âm bass nhìn chung khá trọn trịa, lượng bass nhiều sẽ dễ lấy lòng đa số người nghe phổ thông mặc dù có chút thừa thãi. Lượng bass nhiều sẽ phù hợp với những bản nhạc Pop, Dance, EDM,… như Mirrors (Justin Timblake) nhưng đôi khi bạn cần nghe rõ hơn giọng hát của vocal như Lust For Life (Lana Del Rey) thì âm bass hơi ù, không được gọn gàng và lấn nhẹ sang các dải âm khác.
Thử với bản Vocal Close to You (Susun Wong), dải âm trung của iPhone X vẫn không có nhiều sự khác biệt so với các thế hệ tiền nhiệm. Đó vẫn là một dải âm mid khá trung tính, độ dày vừa phải, high-mid không bị thiếu hụt, không mượt và ngọt ngào nhưng vẫn tương đối dễ nghe và dễ phối ghép.

Âm thanh không dây
 
Góp mặt trên iPhone X lần này là công nghệ Bluetooth 5 tăng tốc độ và tăng giới hạn khoảng cách kết nối. Điều này giúp nâng cao trải nghiệm âm thanh cũng như các tiện ích không dây trong thời gian tới. Nếu nhắc tới âm thanh không dây trên iPhone chắc chắn không thể không nhắc đến Airpods hay những chiếc tai Beats đời mới có hỗ trợ chip W1. Con chip W1 này giúp tăng thời lượng pin, tăng tốc độ kết nối và cũng giúp âm thanh có chất lượng tốt hơn.
Thử Airpods với iPhone X, cặp đôi này cho chất âm khá tốt, nhấn bass, âm khá mượt và âm trường thoáng. Mặc dù không xuất sắc với mức giá tương đối cao của Airpods nhưng những mặt tiện ích tiện lợi mà Airpods đem lại cho một chiếc smartphone không có giắc cắm 3.5mm như iPhone X là rất đáng tiền.
Airpods đem lại được sự đơn giản, tiện lợi, thao tác kết nối nhanh chóng dễ dàng, thời lượng pin tốt, hoàn toàn không dây, có hỗ trợ điều khiển chỉ với thao tác chạm vào tai nghe… Đây sẽ là sự lựa chọn rất tốt cho người dùng iPhone X.

Liệu chúng ta có thực sự cần smartphone có giắc 3.5mm?

Tổng kết lại có thể thấy iPhone X cho chất âm kém hơn thế hệ iPhone 6S đáng kể. Dù chất lượng âm thanh có thể nói là nằm trong mức chấp nhận được nhưng với chất âm này iPhone X đã trượt dài khỏi bảng xếp hạng chất lượng âm thanh của smartphone.
Xét trên cương vị của người dùng phổ thông thì điều đó sẽ không quá quan trọng và âm thanh như vậy là đủ rồi. Còn đối với những người chơi âm thanh kỹ tính chút thì việc đầu tư chiếc DAC chuyên dụng như Cozoy Takt hay sợi dây 2-Pin Lightning có tích hợp DAC Hi-Res như AAW Capri sẽ là những lựa chọn rất dễ ràng nếu muốn chất âm tốt hơn. Hay việc đầu từ 1 chiếc tai nghe Airpods vẫn sẽ là lựa chọn rất thú vị, kể cả đối với những người chơi âm thanh cao cấp. Rõ ràng việc hy sinh giắc cắm 3.5mm tưởng chừng như là 1 hành động "điên rồ" của Apple nhưng lại rất hợp lý để có thể đổi lấy thời lượng pin, viền màn hình mỏng…

Ưu điểm:


+ Âm thanh không dây chất lượng tốt.

+ Tai nghe đi kèm có âm thanh hay hơn thế hệ Earpods thông thường.

+ Bỏ giắc cắm 3.5mm cồng kềnh tăng diện tích cho các thành phần khác của smartphone.

Nhược điểm:

- Chân cắm Lightning bất tiện, phải sử dụng adapter với những chiếc tai nghe 3.5mm phổ biến.

- Âm thanh chất lượng khá, giảm chất lượng so với thế hệ iPhone cách đây 2 năm.

- Chân cắm Lightning mỏng manh, thiếu chắc chắn để làm giắc cắm tai nghe.

Tin mới