Đắt khủng khiếp ấn tín vủa vua Càn Long nhà Thanh
Rồng trên ấn ngọc của vua Càn Long ở Trung Quốc có 5 móng vuốt và cầm một “viên ngọc trí tuệ”.
Ấn ngọc đắt nhất 470 tỉ đồng
Ấn ngọc là một con dấu có ý nghĩa biểu trưng cho quyền lực của người sở hữu. Thời xưa ở Trung Quốc, người nào có ấn trong tay là nắm thực quyền tương ứng với loại ấn. Với những viên quan bị mất chức, thứ đầu tiên họ bị tước chính là ấn tín.
|
Ấn ngọc hình rồng, màu đỏ và be cực hiếm từ thời Càn Long giá 470 tỉ đồng. |
Trong triều đình Trung Quốc, ngoài quan văn và quan võ có ấn riêng thì hoàng đế cũng là người sở hữu triện ngọc. Hình ảnh ấn tín của vua rất đặc trưng bởi rồng chạm khắc tinh xảo và làm bằng đá quý.
Ngày 14.12.2016, một triện ngọc hình rồng, màu đỏ và be cực hiếm từ thời vua Càn Long (1736-1795) đã được bán đấu giá thành công. Chiếc ấn ngọc của vua Càn Long bán với giá kỉ lục 21 triệu euro (khoảng 470 tỉ đồng), gấp 30 lần dự kiến ban đầu.
Vua Càn Long là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc và vẫn nắm quyền sau khi nhường ngôi. Ấn ngọc của vua là sản phẩm đại diện cho quyền lực tối thượng của thiên tử.
“Thời kì vua Càn Long được đánh giá cao và đạt đỉnh trong lịch sử Trung Quốc”, Jossaume nói. “Tất cả các sản phẩm từ thời kỳ này đều được săn lùng gắt gao”. Theo đánh giá của giới sử học, vua Càn Long giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng gấp đôi sản lượng sau 60 năm ông trị vì.
9 con rồng trên ấn ngọc tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực của vua Càn Long. Ấn còn khắc dòng chữ “Báu vật của vua Càn Long”. Vua Càn Long cũng rất nổi tiếng vì tài thư pháp, làm thơ và thường tự kí lên các tác phẩm của mình.
Thời kỳ vua Càn Long trị vì, Trung Quốc có khoảng 400 triệu dân và mở rộng biên giới khắp nơi. Sau thời này, Trung Quốc chìm sâu vào khủng hoảng.
Ấn ngọc trắng bán giá 140 tỉ đồng
Năm 2010, ấn tín từ thế kỷ 18 của vua Càn Long đã được bán với giá kỉ lục 5 triệu bảng Anh (khoảng 140 tỉ đồng). Trên ấn tín này có khắc dòng chữ “Tự lực tự cường” và chạm trổ một con rồng tinh tế.
Trước đây, ấn ngọc triều nhà Minh rất được ưa chuộng nhưng khi ấn của các vị vua nhà Thanh và đặc biệt là vua Càn Long xuất hiện, giới sưu tầm lại đổ xô vào hiện vật quý giá này. Người sở hữu ấn ngọc vua Càn Long là một người châu Âu và cho biết trọn bộ ấn có 3 chiếc. Vua Càn Long là người rất mê thư pháp nên thường dùng ấn tín đóng dấu sau mỗi tác phẩm hoàn thành.
Con rồng trên đỉnh ấn có 5 móng vuốt, tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy của vua. Những người trong hoàng tộc cũng được sử dụng ấn rồng, tuy nhiên rồng chỉ được phép có 4 móng. Ngoài ra, con rồng của vua Càn Long còn giữ chặt “viên ngọc trí tuệ”.
Theo tờ Guardian, ấn tín này được một tể tướng tặng cho vua Càn Long năm 1793 . Sau đó, vua Càn Long thường sử dụng ấn ngọc để đóng vào góc bên phải các tác phẩm thư pháp.
Hiện chưa rõ ấn tín bị lấy cắp khỏi Trung Quốc khi nào, nhưng nhiều sử gia cho rằng đó là thời điểm loạn lạc năm 1900. Nhà sưu tập châu Âu sở hữu ấn tín mua lại nó năm 1950. Sản phẩm được đánh giá là mang giá trị lịch sử to lớn vì nó gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vua Càn Long.