“Tra tấn” cả nửa đêm
Vừa giở máy điện thoại, chị Nguyễn Xuân Thu (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) vừa phàn nàn: "Giờ tôi chán không buồn xóa mớ tin nhắn rác này nữa. Mỗi ngày nhận không biết bao nhiêu tin nhắn mời chào mua nhà, đất nữa, trong khi lo tiền ăn còn mệt. Thậm chí cả nửa đêm cũng tít tít, chồng lúc đầu còn nghi ngờ vợ có bồ, sau thì chán chẳng buồn xem. Giờ cứ sau 10 giờ đêm là tôi phải tắt điện thoại để đỡ bực mình".
Các loại tin nhắn rác được gửi đến mỗi ngày khiến khách hàng vô cùng bức xúc vì bị làm phiền. Ảnh: Huy Thọ |
Những tin nhắn đó, được phát tán hàng loạt thông qua các phần mềm tự động gửi tin nhắn đang được rao bán tràn lan trên mạng. Dưới mác là hình thức quảng cáo hiệu quả qua tin nhắn SMS (SMS Marketing), nhiều đơn vị vẫn giao bán phần mềm gửi tin nhắn hàng loạt.
Sau khi mua các phần mềm dạng này, người phát tán tin nhắn có thể gửi hàng loạt tin với chi phí chỉ từ 30 đồng/1 tin nhắn. Tốc độ gửi tin có thể đạt tới 4.000 tin nhắn trong một giờ đồng hồ.
Một đơn vị giao bán phần mềm này còn cho biết có thể tự động thay đổi, đảo nội dung tin nhắn với các từ đồng nghĩa để tránh tin nhắn giống nhau, giúp gửi được hàng nghìn tin nhắn mỗi ngày. Thực chất, tính năng này giúp cho các đối tượng phát tán tin nhắn rác có thể tránh được hàng rào kỹ thuật chặn “từ khóa” từ các nhà mạng.
Thậm chí, phần mềm này có thể sử dụng để quét số điện thoại trên các diễn đàn, website để thu thập danh sách số điện thoại. Đại diện đơn vị bán hàng còn tư vấn khách hàng: “Nếu bạn chỉ muốn quảng bá trong một khu vực nào đó thì bạn lựa chọn diễn đàn đó để quét, hoặc có thể tạo form đăng ký trên web để lấy thông tin khách hàng”.
Đơn vị bán phần mềm này thông báo “Chúng tôi không bán phần mềm cho những công ty, cá nhân spam tin nhắn rác tới những số điện thoại không muốn nhận tin nhắn”. Nhưng ngay dưới phần bình luận của một trang mạng giao bán phần mềm SMS Marketing, đã có độc giả đặt câu hỏi: “ở Việt Nam spam (phát tán – PV) tin nhắn được gọi là marketing à?”.
Bên cạnh đó, còn có những đối tượng giao bán danh sách khách hàng với nhiều thông tin cá nhân sẽ được cung cấp cụ thể. Trên trang Facebook Danh sách khách hàng, hiện có người đang rao bán trọn bộ danh sách khách hàng tiềm năng 2015 với giá 20 triệu đồng. Trong đó có đầy đủ số điện thoại di động, địa chỉ, chức danh... để có thể gửi tin nhắn đến đúng địa chỉ.
Tin nhắn rác tăng 400.000 tin/ngày
Về những phần mềm có chức năng thu thập số điện thoại trên mạng, Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông (TTTT) Hà Nội đã tiến hành thực nghiệm và cho rằng thực chất các phần mềm này đã “crack” (bẻ khóa – PV) để thu thập địa chỉ thư điện tử, số điện thoại của khách hàng.
Thanh tra Sở TTTT Hà Nội đã thực nghiệm cài đặt một phần mềm như trên tại một trang mạng điện tử sau đó cho chạy thử ngay trên trang đã cho cài đặt phần mềm. Sau khoảng 30 phút đã tìm được trên 10.000 số điện thoại và khoảng 5.000 địa chỉ thư điện tử.
Tìm ngay trên trang của Sở TTTT cũng đã cho thấy gần 100 số điện thoại và gần 400 địa chỉ thư điện tử, đa số là các thư điện tử có phần đuôi .ict-hanoi.gov.vn của cán bộ, công chức của Sở.
Thanh tra Sở TTTT cho rằng phần mềm này có tính năng phân loại các số điện thoại theo nhà mạng, phân loại và lọc địa chỉ thư điện tử theo các tên miền.
Với các tính năng đó, Thanh tra Sở TTTT Hà Nội cho rằng nhiều người đã cài đặt và chạy phần mềm để thu thập địa chỉ thư điện tử, số điện thoại nhằm mục đích gửi tin nhắn quảng cáo. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra vấn nạn "tin nhắn rác". Vì thế, hàng ngày, hàng vạn người dùng điện thoại đã phải nhận tin nhắn, gây ra nỗi bức xúc lớn trong dư luận.
Theo tổng kết tình hình an ninh mạng năm 2015 của Tập đoàn Công nghệ BKAV, gần một nửa số người tham gia chương trình đánh giá tình hình an ninh mạng của BKAV (hơn 48%) cho biết đã phải chịu đựng tin nhắn rác làm phiền mỗi ngày.
Trao đổi với PV, ông Ngô Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Phụ trách an ninh mạng BKAV cho biết: “So với năm ngoái, tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng mặc dù năm 2015 đã có hàng loạt các vụ xử phạt đối tượng phát tán tin nhắn rác, cũng như nhiều chế tài mới được các cơ quan quản lý ban hành”.
Theo thống kê từ hệ thống giám sát an ninh mạng của BKAV, mỗi ngày có tới 13,9 triệu tin nhắn rác được phát tán tới người sử dụng tại Việt Nam. Số tin nhắn rác phát tán đã tăng 400.000 tin nhắn/ngày so với năm 2014.
Thanh tra Sở TTTT Hà Nội khẳng định sẽ tiến hành rà soát các trang thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải các phần mềm phát tán tin nhắn và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm giảm thiểu việc phát tán, sử dụng những phần mềm này.
Mỗi cá nhân chỉ đăng ký 5 thuê bao?
Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư quy định về Quản lý thuê bao di động trả trước, Bộ TTTT đề xuất mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số CMND hoặc số hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 5 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng di động.
Trường hợp phát hiện thông tin thuê bao còn thiếu, không chính xác, không rõ, trùng lặp; tần suất, thời điểm đăng ký thông tin thuê bao không hợp lý hoặc các sai phạm khác, phải yêu cầu đăng ký lại thông tin thuê bao.
Sau 10 ngày kể từ khi chủ thuê bao nhận được thông báo nhưng không đăng ký lại thông tin theo đúng quy định, nhà mạng sẽ tạm dừng hoạt động (khóa chiều gọi đi) của thuê bao đó và chấm dứt hoàn toàn hoạt động sau 30 ngày.
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Thông tư kể trên có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông di động phải rà soát, tổ chức thực hiện đăng ký lại thông tin thuê bao của tất cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định mới.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son: Do mạng viễn thông phát triển nóng
"Hệ thống viễn thông phát triển nhanh và nóng với 121 triệu thuê bao di động, trong đó có tới 111 triệu thuê bao trả trước.
Có 3 nguồn phát tán tin nhắn rác. Trước hết, đó là do việc quản lý sim trả trước chưa tốt làm xuất hiện sim rác, sim ảo. Tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ sim rác vì vậy phải quản lý được kiểu sim này. Tiếp đó là nguồn phát tán bằng việc nhắn tin qua mạng và một số nhà nội dung số lợi dụng nhắn tin quảng cáo để phát tán tin nhắn rác. Cụ thể, một số nhà cung cấp nội dung số lợi dụng để phát tán vì tin rác chỉ có 30 - 40 đồng/tin còn tin bình thường có giá đắt hơn nhiều.
Hiện Bộ TTTT đang đưa ra dự thảo thông tư nhằm thực hiện điều này. Theo đó, người đăng ký sim điện thoại trả trước cũng phải cung cấp danh tính. Các đại lý sẽ phải photo chứng minh thư của người đăng ký sim để gửi về nhà cung cấp. Nếu thông tin về người sử dụng không chính xác, sim sẽ bị khóa không sử dụng được".
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phục trách an ninh mạng BKAV: Tin nhắn rác - Mảnh đất màu mỡ
"Lợi nhuận khổng lồ thu về cho nhà mạng từ mảnh đất màu mỡ tin nhắn rác có lẽ vẫn là nguyên nhân chủ yếu khiến cho vấn nạn này ngày càng trầm trọng. Do đó, bên cạnh việc thắt chặt quản lý hành chính, điều quan trọng nhất là các nhà mạng cần hy sinh lợi nhuận để bảo vệ người sử dụng của mình trước tình trạng tin nhắn rác tràn lan như hiện nay".