Dấu hiệu bệnh bạch hầu sau vụ bé gái Đăk Lăk tử vong?
(Kiến Thức) - Bé gái 6 tuổi ở Đắk Lắk tử vong nghi do mắc bạch hầu, 11 người dự đám tang cũng phải nhập viện. Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh bạch hầu, người dân cần kiểm tra điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Trưa ngày 29/8, BV Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân H’Si Yan (6 tuổi, trú buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu. Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Bệnh nhân sau đó lên cơn khó thở, phản xạ kém, chẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4. Rạng sáng ngày hôm sau, bệnh nhân tử vong nghi do bạch hầu.
Theo lãnh đạo UBND xã Ea H’Đinh, trong quá trình làm tang lễ cho bệnh nhân, có 11 người sau khi đến đám tang đã xuất hiện triệu chứng sốt.
|
Cán bộ y tế về địa phương đưa người nghi lây bệnh đi điều trị, cắm biển cách ly khu vực xuất hiện bệnh bạch hầu. Ảnh: Vietnamnet. |
Những người này sau đó được đưa vào BV Đa khoa vùng Tây Nguyên để theo dõi và điều trị.
Chính quyền địa phương đã tổ chức đặt biển báo cách ly, hạn chế người dân qua lại khu vực gần nhà bệnh nhân; tuyên truyền vận động cho người dân hạn chế đến thăm, viếng tại nhà bệnh nhân tránh lây bệnh.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo những trường hợp người dân trong xã xuất hiện triệu chứng sốt, đau họng cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và cách ly, điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.
Dấu hiệu mắc bệnh hầu
Dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu là bệnh nhân thường sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng dẫn tới chán ăn. Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi. Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực. Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Khi đó, màng giả có thể có màu xám hoặc đen. Tùy từng vị trí vi khuẩn phát sinh mà bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau:
|
Khi mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân thường sốt nhẹ. Ảnh minh họa. |
Bạch hầu mũi: Như là một trường hợp viêm đường hô hấp, đặc biệt có chảy mũi nước và triệu chứng toàn thân nghèo nàn, dần dần chất dịch mũi trở nên nhầy quánh và đôi khi có máu và làm tổn thương bờ môi trên, hơi thở hôi. Thăm khám sẽ thấy một màng trắng trong hốc mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ còn đang bú mẹ.
Bạch hầu họng - Amiđan: Thường gặp hơn cả, chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 trường hợp. Người bệnh chán ăn, bất an, sốt nhẹ, viêm họng. Trong vòng 1- 2 ngày màng giả xuất hiện. Hạch bạch huyết vùng cổ phản ứng có khi phù nề vùng mô mềm của cổ rất trầm trọng tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “Bull neck”. Đây là biểu hiện nặng, có khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa và tiểu ra máu. Nếu tình trạng này kéo dài trong vài ngày sẽ nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc nặng và bệnh nhân tử vong.
Bạch hầu thanh quản: Bệnh nhân thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng. Phản xạ co kéo trên xương ức, thượng đòn và khoảng gian sườn rất dữ dội. Thỉnh thoảng xuất hiện khó thở đột ngột do tắc nghẽn vì một phần màng giả bóc ra bít đường thở gây tử vong.
Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm phòng. Vaccine phòng bệnh bạch hầu thường được phối hợp với vaccine phòng ho gà, uốn ván. Các vaccine có thể gây tác dụng phụ nhẹ như tạo sẩn và đau chỗ tiêm làm trẻ quấy khóc, một số trẻ có thể sốt. Những phản ứng nặng như sốc phản vệ hay biến chứng thần kinh cực kỳ hiếm gặp.