Nuông chiều con là làm hại con
Nuông chiều, bao bọc, làm theo mọi ý muốn, đáp ứng mọi nhu cầu của con là làm hại tương lai con - đó là quan điểm của Sare Imas, một bà mẹ Do Thái từng sống nhiều năm ở Trung Quốc, tác giả cuốn sách "Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương".
Hình minh họa. |
Trong cuốn sách của mình, Sare Imas chỉ ra thực trạng nuôi dạy con ở cha mẹ hiện đại Trung Quốc, và có lẽ cũng không xa lạ với cha mẹ Việt Nam. Ngoài 8 tiếng quần quật ở công sở, cha mẹ chắt bóp hầu bao mua sữa ngoại, nhịn ăn nhịn tiêu đóng tiền học phí vào nhà trẻ tư, không khiến con động tay dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, không có kỹ năng từ chối nhu cầu vật chất của con, cha mẹ trở thành mát in tiền thực thụ. Khi con bị chèn ép, cha mẹ ngay lập tức làm máy bay trực thăng bay lượn trên đầu, quyết không để con phải chịu chút ấm ức nào. Cha mẹ trở thành nô lệ của con.
Sare Imas cũng thừa nhận chính mình đã từng là một bà mẹ Trung Quốc theo kiểu nô lệ cho con. Ngoài việc không thể học thay cho con, bà toàn quyền quyết định những việc còn lại của chúng, là một nồi cơm điện, máy giặt, máy rửa bát, trực thăng (luôn bay rè rè trên đầu con)... hoạt động 24 giờ mỗi ngày.
Bà mẹ Do Thái này hiểu rằng các bậc cha mẹ làm nô lệ của con đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến, nhưng thực tế, bằng cách bao bọc, làm cho con mọi thứ, họ lại tước mất quyền và cơ hội trau dồi tri thức, kỹ năng sinh tồn của con, kết quả là làm hại con. Bằng cách bảo bọc con quá mức, nhiều cha mẹ Trung Quốc hiện đại đang biến con mình thành một “thế hệ ăn bám”, điểm số cao năng lực thấp, có thể có tấm bằng đẹp nhưng không có kỹ năng tự lập và sinh tồn. Những đứa trẻ từ nhỏ không biết lao động, không hiểu giá trị của đồng tiền, lớn lên sẽ là những thanh thiếu niên được voi đòi tiên, ham ăn biếng làm, ăn bám bố mẹ cả đời, nguy hại cho tương lai của chúng.
Dấu hiệu cha mẹ quá bao bọc con
Theo Sare Imas, nếu bạn trả lời “đúng” cho những dấu hiệu dưới đây, cách dạy con của bạn đang có nhiều nhân tố chưa hợp lý, có nguy cơ tạo ra một “thế hệ ăn bám”.
- Trước giờ con tôi chưa bao giờ làm việc nhà
- Thấy con tủi thân là tôi không chịu được
- Tôi luôn chiều theo ý con
- Tôi chưa bao giờ trách mắng con
- Con tôi là đứa hoàn hảo
- Hồi nhỏ con tôi thường khóc ầm lên đòi tôi mua đồ cho nó, tôi đành chịu
- Tôi không cho con tham gia hoạt động dã ngoại
- Tôi phản đối phương pháp giáo dục cho con cọ xát khó khăn
- Con tôi chỉ cần có thành tích học tập tốt là được rồi
- Con tôi giỏi nhất, chúng tôi đều biết điều đó
- Khi con gặp khó khăn, chúng tôi làm phụ huynh nên nhất định phải giúp con
Để không tạo ra thế hệ ăn bám
Bà mẹ Do Thái này cũng đưa ra một số gợi ý để không nuôi con thành tiến sĩ giấy, ăn bám bố mẹ:
- Con nên làm một số việc nhà, tùy theo sức của mình
- Con chịu một chút tủi thân, không có gì là không tốt
- Cha mẹ chỉ nên đáp ứng một nửa yêu cầu của con, tiếp nhận yêu cầu hợp lý, thay đổi yêu cầu bất hợp lý, thậm chí đôi khi phải từ chối
- Khi con làm sai, đó là cơ hội để cha mẹ giáo dục con
- Từ lần đầu tiên con dùng hành động khóc lóc ầm ĩ để uy hiếp cah mẹ, cha mẹ không được chiều theo ý con, bằng không con sẽ “được đằng chân, lân đằng đầu”.
- Cha mẹ nên cho con cọ xát khó khăn
- Con chỉ có thành tích học tập cao chưa chắc sau này đã là người đạt được thành tựu to lớn
- Cha mẹ phải chôn chặt ý nghĩ “con là người giỏi nhất” trong lòng, đừng cho chúng nảy sinh bất kỳ ý nghĩ tự cao tự đại nào
- Khi con gặp khó khăn, cha mẹ đừng ngại để con tự giải quyết.