Theo Scitech Daily, nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Tổ chức Sinh học Phân tử Châu Âu. TS Rajan Gogna, thành viên Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Công nghệ Sinh học, Đại học Copenhagen, Đan Mạch, cho hay công trình của họ dựa trên cơ chế phân tích một loại protein cụ thể trên bề mặt tế bào. Các chỉ dấu giúp dự đoán người có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng.
Theo TS Rajan Gogna, các tế bào tồn tại cái gọi là trạng thái hoạt động. Thông qua việc phân tích trạng thái này, nhóm tác giả có thể dự đoán nguy cơ nhập viện, tử vong của F0. Họ đặt mục tiêu biến dấu ấn sinh học trở thành công cụ tiên lượng sớm các ca đang chuyển biến xấu. Đặc biệt, nó có thể được phát hiện ngay từ dịch hầu họng của bệnh nhân - nghĩa là ngay khi người bệnh có triệu chứng hoặc không có triệu chứng mắc COVID-19.
Nếu tình trạng hoạt động của tế bào kém, đồng nghĩa nó phát triển không tốt và dễ mắc bệnh hơn. Đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu đã phát hiện chỉ dấu quan trọng của việc tế bào “trẻ” hay “già”. Đó là các protein hFwe-Lose. Những protein này nằm trên bề mặt của tế bào, được biểu hiện dưới hai dạng.
“Ở dạng một, chúng trao thông tin với các tế bào xung quanh rằng tế bào này đang hoạt động tốt. Ở dạng thứ hai, chúng chỉ cho các mô xung quanh biết tế bào này đang trong trạng thái thể chất xấu. Nhờ dấu hiệu này, tế bào già cỗi, yếu kém sẽ bị loại bỏ dần dần, bởi chính tế bào xung quanh giết chết”, TS Gogna giải thích.
Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Đại học Cohenhagen được kỳ vọng mang tới cách tiên lượng mới, chính xác những người dễ nhập viện, tử vong vì COVID-19. Ảnh: Freepik. |
Theo vị chuyên gia, cơ chế này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu của COVID-19. Biểu hiện của loại protein này có thể dự đoán chính xác ai dễ trở nặng hoặc ai sắp phải nhập viện, tử vong vì COVID-19.
Để đưa ra được kết luận này, nhóm tác giả khám nghiệm tử thi mô phổi nhiễm nCoV ở các F0 đã qua đời. Họ xác định vai trò sinh học của hFwe-Lose trong tổn thương phổi cấp tính. Đây vốn là nguyên nhân chính gây ra cái chết cho hầu hết bệnh nhân COVID-19.
Kết quả cho thấy ở bệnh nhân COVID-19 bị tổn thương phổi cấp tính, hFwe-Lose biểu hiện nhiều ở đường hô hấp dưới và đồng thời khu trú cùng chỗ với các vùng tế bào chết. Những người này cũng phải điều trị trong khu vực hồi sức cấp cứu trước khi tử vong.
Theo nhóm chuyên gia, họ đưa ra được kết luận protein hFwe-Lose biểu hiện càng cao, khả năng nhập viện, tử vong của bệnh nhân tỷ lệ thuận. Protein này có thể được phát hiện trong đường hô hấp dưới, mô phổi của người nhập viện, tử vong vì COVID-19. Biểu hiện của nó tăng theo độ tuổi, bệnh lý mà vật chủ mắc phải.
Protein hFwe-Lose được đánh giá là vượt trội hơn hẳn các dấu ấn sinh học viêm nhiễm thông thường, tuổi tác của bệnh nhân hay bệnh lý đi kèm. Bởi nó có thể xuất hiện trước phản ứng miễn dịch của vật chủ đối với nCoV. “Phương pháp này có thể dự đoán F0 cần nhập viện với độ chính xác tới 78,7%. Với các bệnh nhân bị COVID-19 thể nhẹ, khả năng dự đoán của nó là 93,9%”, PGS Kyoung Jae Won, trưởng nhóm phân tích dữ liệu, thành viên tác giả, cho biết.
“Mức độ khỏe mạnh của tế bào, được biểu hiện bằng protein hFwe-Lose, có thể giúp giải thích vì sao một số người phản ứng miễn dịch kém trước nCoV và đây chính là cơ hội để xác định, tiên lượng trước những người có nguy cơ cao. Khám phá này có khả năng cứu họ bằng cách giúp những trường hợp dễ bị tổn thương biết cách tự bảo vệ mình hơn cho đến khi được tiêm chủng vaccine COVID-19”, TS Rajan Gogna chia sẻ.
Nhóm chuyên gia cho hay người có biểu hiện protein hFwe-Lose càng cao, nguy cơ tử vong vì COVID-19 của họ càng lớn. Ảnh: iStock. |
Nhận định này của nhóm chuyên gia phần nào lý giải về hiện tượng một số thanh niên không mắc bệnh nền, sức khỏe bình thường vẫn có thể nhập viện, thậm chí tử vong vì COVID-19.
Sự khỏe mạnh của tế bào liên quan nhiều thứ trong cơ thể và không nhất thiết phải thay đổi theo tuổi tác. Tuổi tác có ảnh hưởng, nhưng các nhà nghiên cứu đã nhận thấy nhiều người 80 tuổi vẫn có phổi hoạt động tốt, giúp họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần của COVID-19.
Lá phổi là cơ quan bị tổn thương nhiều nhất, sớm nhất khi nCoV tấn công cơ thể. Nhóm chuyên gia Đại học Copenhagen cũng đo mức độ hoạt động của tế bào ở cơ quan này nhằm dự đoán các vấn đề liên quan COVID-19.
“Chúng tôi cũng đã chứng kiến những người trẻ qua đời vì COVID-19 ở các nước như Ấn Độ, Indonesia và Brazil. Không chỉ tuổi tác, các bệnh lý đi kèm cũng tác động đến mức độ hoạt động của tế bào ở cả đường hô hấp trên và dưới”, TS Gogna nói thêm. Theo vị chuyên gia này, các vấn đề như nồng độ insulin, bệnh tiểu đường và tăng huyết áp đóng vai trò trong việc xác định sự khỏe mạnh của tế bào.
Nhóm tác giả hy vọng khám phá của họ sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và số ca mắc COVID-19 vẫn không ngừng tăng lên trên toàn cầu. Việc dự đoán sớm những người có nguy cơ tổn thương giúp họ có nhiều thời gian và cơ hội sống hơn.
Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, F0 nếu có các dấu hiệu trở nặng sau đây cần được chuyển ngay tới cơ sở y tế:
- Khó thở, thở hụt hơi, nhịp thở tăng ≥ 21 lần/phút. Ở trẻ em, các dấu hiệu thở bất thường gồm thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
- SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo). Khi phát hiện bất thường, F0 cần được đo lại lần 2 sau 30-60 giây, yêu cầu giữ nguyên vị trí đo, tẩy sơn móng tay (nếu có) trước khi đo.
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
- Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg; huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu
- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống; trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.
- Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...
- Bất kỳ tình trạng nào mà F0 cảm thấy lo lắng, bất ổn.