Ảnh minh họa. |
Những cơn mưa kéo dài triền miên còn khiến con người thành ra lười nhác, suốt đêm nghe tiếng mưa rả rích trên mái như ru ngủ, sáng dậy khó mà chui ra khỏi chăn được. Có việc gì định làm cũng đành gác lại vì nhìn ra đường mưa gioăng dày như thế kia, ngại lắm. Vậy mà lúc khoảng 4h sáng, tôi dậy đóng lại cánh cửa cho khỏi lạnh, nhìn ra đường đã thấy mấy bà đi chợ sớm còng lưng đạp xe thồ nặng những sọt rau từ ngoại thành vào. Thế là lại thành ra thao thức nhớ.
Ở quê, những ngày mưa thường có việc của những ngày mưa. Vào những ngày mưa dai như thế này, bà tôi thường lôi trên dàn bếp ra những bó nan đã lên nước nâu sẫm để đan nốt mấy cái rá, cạp lại mấy cái rổ mà những khi nắng bận việc đã không kịp làm, hay mang bó rơm nếp ra ngồi bện mấy cái chổi... Hết việc thì lại lấy gạo ra sàng sẩy, lấy đỗ ra siết hay mang bột nếp ra làm bánh... Chẳng lúc nào ngơi tay.
Nhiều lúc tôi cứ lấy làm lạ, tại sao nhiều người không lúc nào chịu nghỉ ngơi, cứ nghĩ ra việc để mà làm, cứ phải vất vả thế làm gì. Rồi khi đã biết suy nghĩ, mới thấy đó không đơn giản là sự tham công tiếc việc của người yêu lao động mà là vì người ta sợ nhàn cư vi bất thiện. Cái sự nhàn rỗi thường sinh ra những điều không hay. Lao động là cách chế ngự nỗi buồn, chế ngự những ham muốn hữu hiệu nhất.
Cái đáng sợ nhất của mỗi con người là sáng ra không biết hôm nay mình sẽ làm việc gì. Có một việc để làm, có thể là việc quan trọng hay đơn giản chỉ là trồng một cái cây, dọn một góc vườn, đọc một cuốn sách... sẽ khiến cho con người ta thấy mình có ích, thấy mình gắn bó với cuộc sống, sẽ thấy yêu cuộc đời này. Vì vậy, đừng đổ cái buồn kia cho mưa ngâu.