Những nỗ lực cấm tổ chức thi đấu muay Thái cho trẻ em gặp nhiều thách thức khi một bộ phận dư luận Thái Lan vẫn ủng hộ rèn luyện võ sĩ từ nhỏ để họ sớm thành công và đổi đời.
Theo Thanh Danh/Zing.vn
Xem toàn bộ ảnh
Những đấu sĩ nhí Thái Lan thường thi đấu chính thức từ khi còn rất nhỏ, nhiều trường hợp đã bắt đầu thượng đài khi mới 8 tuổi. Các đấu sĩ nhí đa phần xuất thân từ các gia đình nghèo, đăng ký tập luyện và thi đấu kiếm tiền nuôi gia đình. Ảnh một đấu sĩ nhí Chaichana Saengngern, 10 tuổi, đang khởi động tại phòng tập ở Bangkok ngày 14/11. Ảnh: AP.
Những sàn đấu muay Thái với các võ sĩ nhí rất phổ biến tại Thái Lan, đặc biệt là ở các vùng quê nghèo. Những người ủng hộ hình thức thi đấu này cho rằng muay Thái là phần văn hóa không thể thiếu và việc thi đấu từ nhỏ tạo cơ hội cho các đấu sĩ nhí thành công khi trưởng thành, đổi đời cho gia đình. Ảnh: AP.
Những sàn đấu này trở thành tâm điểm tranh cãi tại Thái Lan thời gian qua sau cái chết của Anucha Tasako, đấu sĩ muay Thái 13 tuổi. Anucha gục ngã bất tỉnh trong trận đấu ngày 10/11 tại tỉnh Samut Prakan. Em bị đối thủ tấn công liên tiếp vào đầu, dẫn đến xuất huyết não. Em tử vong 2 ngày sau đó tại bệnh viện địa phương. Đối thủ của Anucha là Nitikron Sonde cũng chỉ bằng tuổi cậu bé. Ảnh: AP.
Nhiều người Thái bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của Anucha. Họ cho rằng môn thể thao này quá nguy hiểm đối với trẻ. Nghiên cứu công bố hồi tháng 10 của bác sĩ Witaya Sungkarat, làm việc tại bệnh viện Ramathibodi, Bangkok, cho thấy những đấu sĩ nhí thường gặp các chấn thương não không thể hồi phục được. Trong ảnh, hoa được đặt bên di ảnh và quan tài của Anucha tại một ngôi chùa ở tỉnh Samut Prakan. Em đã thi đấu tổng cộng 174 trận từ năm 8 tuổi. Ảnh: AP.
Dư luận Thái Lan kêu gọi chính phủ sớm vào cuộc, hạn chế số tuổi tối thiểu cho việc thi đấu. Nhiều người cho rằng các cơ sở tổ chức thi đấu chỉ quan tâm về các chiến thắng và giải thưởng mà không đoái hoài đến các tiêu chuẩn an toàn trong mỗi trận đấu, theo Bangkok Post. Những võ sĩ nhí khi thi đấu thường không được mang vật dụng bảo hộ đầy đủ. Trong trường hợp của Anucha, em không được ban tổ chức cho mang nón bảo hiểm. Ảnh: AP.
Hiện quốc hội Thái Lan đang cân nhắc một dự luật cấm trẻ em dưới 12 tuổi tham gia thi đấu, được đệ trình vào tháng 10 bởi Cơ quan Thể thao Thái Lan (SAT), theo Bangkok Post. Tuy nhiên sau cái chết gây tranh cãi của Anucha, bộ trưởng Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan cho biết ông sẽ đệ trình bản dự thảo chỉnh sửa “sớm nhất có thể”. Ảnh: AP.
Theo Bangkok Post, dự luật mới sẽ không nêu cụ thể giới hạn tuổi tối thiểu để quốc hội tiến hành thảo luận sâu hơn. Các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn khi thi đấu cũng sẽ được bổ sung. Trong khi đó, nhà thi đấu nơi Anucha tử vong cũng đang bị điều tra dấu hiệu cá độ bất hợp pháp. Ảnh: AP.
Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan Weerasak Kowsurat ngày 18/11 cho biết chính phủ và quốc hội cùng chia sẻ quan điểm cần hạ thấp hơn nữa độ tuổi tối thiểu cho thi đấu muay Thái. Ông tự tin rằng dự luật sẽ được thống nhất nhanh chóng và phê duyệt trong tháng 12. Ảnh: AFP.
Trong khi đó, nhiều người ủng hộ muay Thái lại cho rằng cái chết của Anucha chỉ là trường hợp cá biệt. Một số người đổ lỗi cho trọng tài và bác sĩ không can thiệp sớm để hỗ trợ em. Họ cho rằng việc thi đấu từ sớm là điều cần thiết để các võ sĩ muay Thái phát triển tài năng. "Các đấu sĩ cần bắt đầu luyện tập càng sớm càng tốt vì tuổi nghề rất ngắn", Prai Panyalakshna, lãnh đạo nhà thi đấu Rajadamnern, nói. Ảnh: AFP.
Tawee Umpornmaha, cựu võ sĩ Thái 59 tuổi, từng nhận huy chương Olympic, không đồng ý việc điều luật cấm tất cả những võ sĩ dưới 12 tuổi tham gia thi đấu. Ông cho rằng các đấu sĩ nổi tiếng của Thái Lan và người giành chiến thắng trong thế vận hội Olympic đều bắt đầu thi đấu từ khi còn nhỏ. Ảnh: AFP.
Theo ông Adisak Plitponkarnpim, giám đốc Trung tâm Chống chấn thương và Thúc đẩy an toàn cho trẻ em, bệnh viện Ramathibodi, hiện có hơn 300.000 trẻ tại Thái Lan tham gia thi đấu muay Thái kiếm tiền. Ông cho biết trung bình mỗi trận đấu các em chịu ít nhất 40 chấn động nguy hiểm vào đầu. Ảnh: AFP.