Công an khống chế 1 đối tượng phạm tội trước đó. Ảnh: Nhịp Sống Việt. |
Dư luận đặt ra câu hỏi vậy đối tượng đầu thú sau 2 năm bỏ trốn vì ném đá và dùng cây đánh công an có thể sẽ bị xử lý thế nào? Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi ném đá và dùng cây đánh công an là hành vi chống người thi hành công vụ tùy thuộc vào mức độ hậu quả xảy ra mà hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ hoặc tội cố ý gây thương tích.
Trong trường hợp người thi hành công vụ bị thương tích đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích (Thương tích từ 11 % trở lên hoặc dưới 11 % nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a, đến điểm k, khoản 1, điều 134 bộ luật hình sự) thì đối tượng tấn công, đánh cảnh sát sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự năm 2015.
Trong trường hợp thương tích của nạn nhân không đáng kể hoặc không có thương tích nhưng hành vi đánh, tấn công lại cảnh sát đang làm nhiệm vụ là hành vi chống người thi hành công vụ, trong trường hợp này thì các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Sau khi gây án, các đối tượng đã bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra. Bởi vậy, các đối tượng này sẽ bị xem xét đến thái độ, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức coi thường pháp luật. Tuy nhiên, hành vi đầu thú cũng là tình tiết để có thể xem xét mức độ nhận thức, khả năng cải tạo, giáo dục của bị can. Cũng cần phân biệt hai trường hợp: trường hợp thứ nhất là đối tượng đã nhận thức được hành vi của mình, nhận thức được sai lầm của mình nên chủ động đầu thú để mong được nhận sự khoan hồng của pháp luật. Còn trường hợp đối tượng đầu thú do không còn đường trốn tránh, do không còn cách nào khác thì hành vi đầu thú này không có nhiều ý nghĩa đối với việc quyết định hình phạt.
Có thể thấy rằng việc trốn truy nã không hề dễ dàng, cuộc sống trốn chui, trốn lủi không có gì đảm bảo được một cuộc sống bình yên. Bởi vậy không riêng gì các đối tượng này, rất nhiều đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng rồi bỏ trốn, sau đó phần lớn là bị bắt trở lại hoặc buộc phải ra đầu thú chứ không còn con đường nào khác tốt hơn.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào tội danh, hành vi và hậu quả mà các đối tượng này đã gây ra đối với xã hội và với các nạn nhân. Đây sẽ là bài học đắt giá cho những người coi thường, bất chấp pháp luật, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Nếu chấp hành hiệu lệnh, mệnh lệnh của cảnh sát thì có khi chỉ bị xử phạt hành chính nhưng hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nguồn: Đài Truyền Hình Bạc Liêu.