Dấu tích triệu năm của loài rùa 'bánh xèo' từng sống ở Việt Nam
Các hóa thạch rùa này được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2015. Đến năm 2019, chúng được xác định là thuộc về một loài rùa cổ đã tuyệt chủng, chưa từng được biết đến.
Quốc Lê
Xem toàn bộ ảnh
Đây là một số mẫu hóa thạch của một loài rùa lạ, có niên đại khoảng 56-34 triệu năm trước, được các nhà khoa học tìm thấy tại mỏ than Na Dương (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Hiện vật nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội.
Các hóa thạch rùa này được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2015. Thời gian sau đó, có thêm nhiều hóa thạch được phát hiện. Đến năm 2019, chúng được xác định là thuộc về một loài rùa cổ đã tuyệt chủng, chưa từng được biết đến.
Loài rùa này được đặt tên là rùa Na Dương, định danh khoa học theo chi (genus) là Banhxeochelys. Cái tên “Banhxeochelys” có nguồn gốc từ "bánh xèo", món ăn rất quen thuộc trong ẩm thực Việt.
Chúng được đặt một cái tên thú vị như vậy là bởi hình dạng mai rùa được gắn kết từ các khối đa giác đặc trưng rất giống chiếc bánh xèo.
Rùa Na Dương / Banhxeochelys được xếp vào họ Rùa đầm (Geoemydidae), mà ngày nay có gần 20 loài cùng họ còn tồn tại ở Việt Nam.
Không chỉ mang những đặc điểm chung của họ Rùa đầm, rùa Banhxeochelys còn mang những đặc điểm riêng biệt trên mai và yếm, không giống bất cứ loài rùa đầm hiện đại nào.
Cho đến nay, hơn 100 mẫu hoá thạch của rùa Banhxeochelys đã được phát hiện, trong đó khoảng 40 mẫu được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Theo các nhà khoa học, hàng chục triệu năm trước, khu vực mỏ than Na Dương là một khu rừng mưa nhiệt đới có địa hình đầm lầy ẩm ướt.
Đây là môi trường sống lý tưởng cho loài rùa “bánh xèo” phát sinh và phát triển. Có lẽ chúng đã tuyệt diệt khoảng 23 triệu năm trước, khi vùng đất này bị ngập nước và dần biến thành một hồ nước sâu.
Mời quý độc giả xem video: Ba Chỉ hóa thạch | VTV TSTC.