(Kiến Thức) - Đi bộ với tốc độ nhanh là một cách giúp chống lại các tế bào gây bệnh, ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
Lê Nguyệt
Xem toàn bộ ảnh
Đi bộ nhanh cũng là một cách phổ biến để phụ nữ giữ được thân hình cân đối, giảm nồng độ nội tiết tố - một yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú và nội mạc tử cung.
Bên cạnh đó, nó có thể giúp ức chế sự phát triển của tế bào gây bệnh ở các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu.
Kết quả này được đưa ra sau các nhà khoa học đến từ Đại học California và Đại học Harvard (Mỹ) tiến hành khảo sát 1.455 trường hợp mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Ở đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy nam giới đi bộ nhanh ít nhất 3 giờ mỗi tuần giảm được gần 60% nguy cơ bệnh tiến triển nhanh so với những người lười vận động.
Nói về nhận định trên, Erin Richman - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Cơ chế tác động của đi bộ giống như cách thức tập luyện thể thao mang lại. Tuy nhiên, lợi ích của việc đi bộ còn phụ thuộc vào tốc độ bạn đạt được. Đi thong thả dường như không đem lại ích lợi gì”.
Tốc độ đi bộ được xem là nhanh phải đạt từ 90 đến 120 bước/phút. Song bạn cần lưu ý việc đi nhanh ở thời điểm mới thức giấc có thể gây nên chấn thương nhẹ, đau nhức cơ hay đau các ngón chân.
Để đối phó với vấn đề này, bạn cần chọn cho mình một đôi giày tốt và thích hợp với đôi chân để vận động tốt hơn. Nếu tập luyện vào buổi tối, bạn nên sắm những đôi giày có màu sắc tươi sáng nhằm kích thích sự hứng thú.
Lúc mới khởi động, bạn nên đi chậm 5 đến10 phút để làm ấm cơ thể rồi mới tăng tốc. Đồng thời, trước thời điểm kết thúc bài tập, bạn cũng cần giảm tốc khoảng 5 đến 10 để giúp cơ bắp được hạ nhiệt.
Khi đi bộ ngoài trời, cố gắng tránh những con đường có nhiều vết nứt, ổ gà hoặc mặt sân không đồng đều để tránh bị vấp ngã.
Các chuyên gia cho biết, đi bộ với tư thế cúi đầu hoặc hơi nghiêng có thể làm tổn thương phần thắt lưng của bạn. Vì vậy, cố gắng đứng thẳng, ngẩng cao đầu và giữ hai vai cân đối khi đi.
Bên cạnh đó, bạn nên thực hiện nhiều bước đi ngắn thay vì cố gắng sải các bước dài để cải thiện tốc độ.