ĐBQH đề nghị xử lý hình sự bỏ cọc đấu giá tài sản

Đại biểu Quốc hội gợi ý có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá tài sản.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, sáng 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về tình trạng bỏ cọc khi đấu giá tài sản, làm "lũng đoạn thị trường" thời gian qua.
Tình trạng tham gia đấu giá không vì mục đích đấu giá 
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát, liệt kê những tài sản phải đấu giá như dự thảo luật đã đầy đủ chưa hay có chồng chéo với các luật chuyên ngành không?
Có những loại tài sản có thể phát sinh mới trong cuộc sống mà không được ghi vào luật thì không được đấu giá hay không, hay để Chính phủ quy định những tài sản phát sinh mới để không bỏ sót và những tài sản cần phải báo giá riêng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định, việc sửa đổi quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá tài sản là rất cần thiết, để tránh việc lợi dụng tham gia đấu giá không vì mục đích đấu giá, thay vào đó là thông đồng, thỏa thuận với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách nhà nước, dẫn tới tiêu cực.
Ông Hòa dẫn chứng một số vụ việc bỏ cọc đấu giá, làm “lũng đoạn thị trường, lu mờ hình ảnh của cuộc đấu giá", gây dư luận không tốt thời gian qua. “Điển hình như vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, các cuộc đấu giá biển số xe ô tô hay 3 mỏ cát ở Hà Nội”, ông Hoà nói.
Để chấm dứt tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, ông Hòa cho rằng cần có các biện pháp như nâng mức đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, không cho tham gia đấu giá lần tiếp theo.
"Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có tiền muốn làm thế nào thì làm, làm xáo trộn thị trường", ông Hòa nói, đồng thời đề nghị công nhận kết quả đối với người trả giá cao thứ hai, không cần tổ chức đấu giá lại, tránh tốn kém.
DBQH de nghi xu ly hinh su bo coc dau gia tai san
 Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau). Ảnh: QH.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) khẳng định cần có các quy định để hướng tới hạn chế tình trạng bỏ cọc đấu giá.
Theo ông Thanh, luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc), trong khi đó nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.
Để hạn chế câu chuyện người trúng đấu giá bỏ cọc, nhất là yếu tố lợi ích nhóm, thao túng đấu giá, vị đại biểu tỉnh Cà Mau cho rằng cần tách biệt giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc.
Trong đó, tiền đặt cọc có thể là 20 - 30% giá trúng đấu giá, phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp thì kết quả bị hủy, cuộc đấu giá tiếp tục được diễn ra.
"Giả sử tiền đặt cọc phải nộp ngay lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thay vì chỉ vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng, người trúng đấu giá chắc chắn sẽ rất thận trọng khi bỏ giá", ông Thanh góp ý.
Vị đại biểu cũng nhấn mạnh việc có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.
"Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua", ông Thanh nói.
Tình trạng thông thầu, thông đồng khá tinh vi
Phát biểu tranh luận về chế tài, hình thức xử lý đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, đây là quan hệ dân sự, trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá.
"Chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác, trong trường hợp này, cần điều chỉnh về tiền đặt trước", ông Phạm Văn Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh giá đặt trước. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Đại biểu cũng lưu ý, quy định về tiền đặt trước này chỉ nên đặt ra đối với tài sản nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với các tài sản khác.
DBQH de nghi xu ly hinh su bo coc dau gia tai san-Hinh-2
 Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) 
Cũng góp ý, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp đã đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá hình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự.
Đại biểu nhận định, tình trạng thông thầu, thông đồng, “quân xanh, quân đỏ”, cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, khi sửa đổi luật, cần có các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi này.
Ông Ấn cũng phản ánh tình trạng ép giá, kiến nghị về việc đấu giá làm kéo dài thời gian hoàn thiện được các thủ tục để mua tài sản đó. Vì vậy, cần có những cái giải pháp để xử lý vấn đề này, trong đó thời gian xem xét tài sản 2 ngày cần được tăng thêm ít nhất 3 ngày.
Về quy định liên quan đến đặt cọc, đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận từ hai khía cạnh thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.
Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của dự thảo luật trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý.
>>> Mời quý độc giả xem video: Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam Phan Xuân Dũng trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm hôm nay

Hôm nay (25/10), theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hôm nay, buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín; sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước.
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe: báo cáo kết quả kiểm phiếu; dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn và biểu quyết thông qua Nghị quyết; sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Hôm nay, 2/11, Quốc hội thảo luận về đầu tư công

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 02/11/2023, Quối hội thảo luận về đầu tư công, ngân sách nhà nước, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 02/11/2023, buổi sáng: Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; chiều: Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trước đó, ngày 1/11, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường tiếp tục  thảo luận về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. 
Tại phiên thảo luận đã có 45 đại biểu phát biểu, 22 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau: khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới; điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng; giải ngân đầu tư công; chương trình tín dụng cho năm lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh; công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng;
Công trình đường bộ cao cấp; xây dựng cầu cạn trên vùng đất yếu; quản lý chung cư mini; tình hình hoạt động và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; thị trường lao động; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; chương trình Chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các chính sách; cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính;
Nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ; công tác đối ngoại; giáo dục đào tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài; đầu tư cho yếu tố con người; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực y tế; chú trọng công tác bảo vệ trẻ em; việc làm cho thanh niên; điều kiện phát triển y tế, giáo dục, giáo dục đại học;…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể như: cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, sớm nghiên cứu sửa đổi văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập; giải quyết đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực y tế; sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021 – 2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng;
Giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng để kích cầu nền kinh tế; có cơ chế cho vay trung, dài hạn đặc biệt là cho vay đối với công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số;
Tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp; bảo tồn công trình thủy lợi; tháo gỡ những vướng mắc trong xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công trình phục vụ phát triển nông nghiệp và về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân; điều chỉnh các định mức phù hợp, rút gọn đơn giản thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, xây dựng thông thường, thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu đánh giá tác động, sớm sử dụng các vật liệu mới thay thế để có thêm nhiều đường bộ cao tốc;
Quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng; tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học;
Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6 với PV Tri thức và Cuộc sống về nguy cơ nếu giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện thêm bộ sách giáo khoa:
 Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Tin mới