Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chiều 25/3, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, UBTVQH, HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, KTNN.
TSKH Nghiêm Vũ Khải là Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa VII. |
Tại tổ 9 có 21 đại biểu, bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội Lạng Sơn, Hải Phòng, Gia Lai. Tổ trưởng là ông Hồ Văn Niên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.
Phát biểu tại tổ, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa VII cho biết: “Nhiệm kỳ qua, Quốc hội khóa XIV đã làm rất tốt nhiệm vụ quyền lập pháp, vai trò giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là kỳ Quốc hội có nhiều đổi mới và sâu sắc, nâng cao hiệu quả làm việc của Quốc hội”.
Theo ĐBQH Nghiêm Vũ Khải, việc giám sát của Quốc hội khá toàn diện và bài bản, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Hiện đã có nhiều đổi mới như số lượng người chất vấn tăng lên, nội dung phong phú, đa dạng hơn và người được chất vấn trả lời với tinh thần, trách nhiệm cao, có đủ trình độ, năng lực.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Nghiêm Vũ Khải, quá trình giám sát rất công phu nhưng việc tiếp tục truyền đạt kết luận giám sát lại chủ yếu mang tính kiến nghị, đề xuất, định hướng. Quốc hội nên cố gắng giám sát nhưng vấn đề Chính phủ cần lắng nghe, biết được cái gì Chính phủ đang thiếu xót. Vậy nên, khâu nhận định, kiến nghị, đề xuất cần làm rõ ràng hơn.
ĐBQH Nghiêm Vũ Khải cũng cho rằng, khâu đúc kết vẫn đang còn yếu, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc đúc kết, lưu giữ thật kỹ hồ sơ để những người sau biết những người trước đã làm được những gì, rồi làm tiếp, kế thừa.
“Việc xây dựng văn bản pháp luật còn tồn tại nhiều bất cập. Ví dụ, Luật Bảo vệ môi trường của chúng ta đã phải thay đổi nhiều lần để phù hợp với tình hình, phát triển của xã hội nhưng nhìn vào Luật Khoa học Công nghệ của Nhật Bản từ năm 1995 thì lại khác, vẫn giữ nguyên đến nay và đang có hiệu quả. Bởi vậy, khi xây dựng luật cần phải có sự hài hòa giữa văn bản pháp luật của ngành với văn bản pháp luật chung. Cần phải xây dựng luật có “tuổi thọ” dài hơn để ổn định” - ĐBQH Nghiêm Vũ Khải nói.
ĐBQH Nghiêm Vũ Khải đặc biệt nhấn mạnh đến việc Chính phủ, Quốc hội nên nên phát huy hết vai trò, giá trị của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong việc xây dựng và phát triển đất nước, trong đó có tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Bởi lẽ, đây là tổ chức tập trung đông đảo đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và nguyên lãnh đạo quản lý nhà nước, nguyên ĐBQH với trí lực lớn mạnh sẽ giúp rất nhiều trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
ĐBQH Nghiêm Vũ Khải cơ bản đồng ý và thống nhất với những báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, KTNN.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV
Nguồn: VTV