Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đang lấy ý kiến nhân dân đối với 45 trường hợp thuộc Bộ, ngành, đoàn thể trung ương đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.
Trong danh sách 42 trường hợp được đề nghị phong tặng Anh hùng Lao động vì có thành tích xuất sắc của Ban thi đua - Khen thưởng có tên đơn vị gây chú ý là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị được dư luận nhắc đến với nhiều bức xúc.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, EVN chưa xứng đứng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động bởi làm ăn chưa hiệu quả, còn bê trễ, người dân không đồng thuận, bức xúc nhiều. |
Trao đổi với PV Infonet xung quanh đề nghị phong Anh hùng cho EVN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đã phong là Anh hùng Lao động thì phải là tiêu biểu để người ta làm gương học tập, phải xứng đáng với thực sự.
“Nhưng cả quá trình hoạt động của ngành điện bị kêu ca rất nhiều, Chủ tịch EVN bị miễn nhiệm chức vụ, hoạt động thì bị dân kêu, tính công khai, minh bạch không có. Bao nhiêu bê bối đã xảy ra chứ không chỉ dưới góc độ về giá điện, mà còn cả vấn đề cửa quyền, độc quyền… cả quá trình hoạt động của EVN nữa đều gây bức xúc cho người dân. Thực sự, EVN chưa xứng đứng được phong danh hiệu Anh hùng bởi làm ăn chưa hiệu quả, còn bê trễ, người dân không đồng thuận, bức xúc nhiều”, ông Long thẳng thắn.
Theo vị chuyên gia này, ngay cả Thủ tướng cũng đã phê phán khi làm việc với ngành điện khi Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT mỗi người phát biểu một khác, thiếu trung thực… ngành điện là ngành độc quyền còn nhiều vấn đề tạo bức xúc cho người dân. Thế nên, bây giờ mà EVN nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thì người ta cảm thấy thất vọng, thiếu tin tưởng.
“Tôi nghe được thông tin EVN nằm trong danh sách 42 trường hợp đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động… tôi thấy ngỡ ngàng”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long còn cho rằng, khi đưa EVN vào danh sách đề nghị này cũng cần phải xem xét lại cả Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. “Trường hợp như EVN mà cũng đưa vào danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu thì cần xem có mặt trái nào không? Cơ quan chức năng mà thấy trước thực trạng của EVN, trước việc dư luận bức xúc như thế thì Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cũng cần phải xem xét, loại ngay từ đầu chứ đưa vào danh sách đề nghị rồi thì vô hình chung đã thừa nhận rồi mới đưa vào danh sách đó để xin ý kiến”, ông Long phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, trước đây cũng đã có nhiều đơn vị được phong là Anh hùng Lao động, được nhận huân chương nhưng sau một thời gian thì bị thanh tra, mắc tội này tội kia rồi vào tù… “Do đó, đưa EVN vào danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng càng cần xem xét lại cả phía EVN và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương”, ông Long nhắc lại.
Không đưa ra ý kiến EVN có xứng đáng hay không xứng đáng trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương công bố danh sách để lấy ý kiến nhân dân thì phải công bố kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình rõ ràng, thời hạn và đối tượng lấy ý kiến là như thế nào, hình thức kiểm tra thông tin đến người dân bằng cách nào và thu lại ý kiến của người dân bằng cách nào?… Theo bà An, đã lấy ý kiến thì phải rõ ràng như thế, nếu chỉ đưa danh sách tên các đơn vị rồi bảo lấy ý kiến nghĩa là chỉ mang tính hình thức.
Riêng việc đưa EVN vào danh sách đề nghị khen thưởng này, bà An đặt câu hỏi: Đã có ý kiến của Ban Thi đua – Khen thưởng chưa hay đó mới chỉ là đề nghị đưa vào danh sách của Bộ Công thương?
ĐBQH Bùi Thị An cho hay, muốn đánh giá đơn vị nào có xứng đáng hay không xứng đáng được tặng danh hiệu thì cần phải có toàn bộ tiêu chí, kết quả làm việc, kinh doanh của đơn vị đó đi kèm, lỗ lãi ra sao, lĩnh vực đầu tư thế nào, có đầu tư ngoài ngành không, nộp thuế bao nhiêu?… mới đưa ra đánh giá được.