Từ đầu năm 2024 đến ngày 24/3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành. Tại TP HCM nhiều năm liền không xảy ra bệnh dại trên động vật cũng như trên người.
Yến Thanh
Thông tin trên được ông Lê Minh Trí, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi dịch tễ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP HCM cung cấp tại buổi họp báo diễn ra vào chiều 28/3.
Tập trung tiêm phòng vaccine đại trà
Theo ông Trí, hiện nay tổng đàn chó mèo tại TP HCM là 183.700 con được nuôi tại 106.060 hộ dân, trung bình nuôi 1,73 con/hộ. Theo thông tin của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến ngày 24/3 cả nước có 26 người tử vong do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành (tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023 - có 12 ca). Tuy nhiên, trên địa bàn TP HCM nhiều năm liền không xảy ra ca dại trên động vật cũng như trên người.
Để đạt được thành quả như trên, TP HCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như tiêm phòng vaccine cho chó, mèo trên địa bàn; hỗ trợ 50% chi phí vaccine tại 5 huyện ngoại thành. Tập trung tiêm phòng vaccine đại trà vào khoảng tháng 3-5 hằng năm và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi.
Khi dẫn cho ra đường đi dạo, phải rọ mõn hoặc xích và giữ để chó không cắn người. Ảnh minh họa.
Trong công tác bắt chó thả rông, Chi cục CN&TY đã hỗ trợ các quận, huyện và TP Thủ Đức trong công tác tập huấn bắt chó thả rông, hỗ trợ phương tiện, dụng cụ bắt chó, hỗ trợ xử lý... đến nay có 59 phường, xã đã thành lập tổ bắt chó thả rông trên địa bàn TP HCM.
Đối với việc xây dựng vùng an toàn bệnh Dại, từ năm 2008 Chi cục CN&TY đã tham mưu, triển khai xây dựng được 2 phường an toàn bệnh dại đầu tiên của TP HCM là phường 4 và 6, quận Tân Bình. Đến năm 2014 tiếp tục xây dựng mở rộng 4 quận nội thành (quận 1, 3, 4 và 5). Năm 2016, mở rộng các quận, huyện ven nội và nội thành khác và có 17 quận nội thành, ven nội thành; 50 phường, xã an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại. Từ đó, xây dựng TP HCM là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại, và được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận vào ngày 9/1/2020.
Phòng bệnh Dại mùa nắng nóng như thế nào
Hiện nay các tỉnh miền Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang trong giai đoạn nắng nóng. Do đó, để công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn đạt hiệu quả, góp phần duy trì TP HCM là vùng an toàn bệnh dại, cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân, Chi cục CN&TY khuyến cáo người dân nên tiêm phòng vaccine bệnh dại cho chó, mèo mỗi năm 1 lần.
Mũi tiêm đầu tiên thực hiện từ 12 tuần tuổi, trường hợp chó hoặc mèo được tiêm phòng trước 12 tuần tuổi, thì mũi bổ sung phải tiêm vào lúc 12 tuần tuổi hoặc lớn hơn. Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho vật nuôi trong nhà, từ đó không xảy ra bệnh dại cho con người.
Cần kê khai động vật chăn nuôi 2 lần/năm cho chính quyền địa phương; khai báo với Trạm CN&TY địa phương hoặc chính quyền địa phương khi đưa chó, mèo từ nơi khác về nuôi, nhất là chó mèo chưa được tiêm phòng bệnh dại; không mua chó, mèo bán rông trên đường phố hoặc không rõ nguồn gốc về nuôi, vì đây là mối nguy cơ xảy ra và lây lan bệnh dại trên động vật rất cao.
Cần xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó, hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Khi bị chó, mèo hay động vật cào cắn, cần xử lý vết thương và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng bệnh dại kịp thời.
Khi phát hiện chó, mèo có triệu chứng bệnh dại, như: thường trốn vào góc tối, kín đáo, tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi; hoặc bồn chồn, nhảy lên đớp không khí, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu, chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, dãn đồng tử…, thì phải nhốt riêng và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời, nhằm khống chế, không để phát sinh và lây lan bệnh dại trong cộng đồng.
Giật mình sai lầm khiến nhiều người mất mạng vì bệnh dại
Trong 9 tháng đầu năm 2022 trên cả nước đã có 40 người chết vì bệnh dại. Căn bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người đã lưu hành từ lâu, nhưng đến nay vẫn còn nhiều sai lầm khiến nhiều người không còn cơ hội cứu chữa.
Thông tin trên được BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Điều hành Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ Khoa học Kỹ thuật thuộc Viện Pasteur TPHCM chia sẻ với báo chí trong buổi thảo luận về sự nguy hiểm của bệnh dại sáng 5/10 tại TPHCM.
Loài chó chiếm hơn 89% trong nhóm các động vật mang virus gây bệnh dại (ảnh minh họa)
Quan niệm sai lầm khiến nhiều người tử vong vì bệnh dại
Hà Nội vừa ghi nhận một người đàn ông 50 tuổi không qua khỏi vì bệnh dại. Như vậy, số tử vong vì bệnh này đã vượt 40 ca trên cả nước, từ đầu năm đến nay.
Trước khi tử vong 2 tháng, người đàn ông 50 tuổi ở Hà Nội đã tham gia giết mổ chó cùng một số người khác. Trường hợp này không xác định rõ bị cắn hay có vết thương khi mổ chó. Ông cũng chưa tiêm vắc xin phòng dại hay huyết thanh kháng dại.
Người bệnh có triệu chứng đau đầu, sốt, mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, khó thở và được nhập viện. Diễn tiến ngày càng nặng hơn, ông tử vong vào tối 19/10. Mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dại.
Theo các bác sĩ, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên là động vật có vú như chó, mèo, chồn, cầy, dơi, cáo... Ở Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu (chiếm 97%), sau đó là mèo (khoảng 3%)...
Hiện tại, chưa có thuốc chữa được bệnh dại. Một khi triệu chứng xuất hiện, người nhiễm virus dại có nguy cơ tử vong gần như 100%.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Điều hành Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ Khoa học kỹ thuật, Viện Pasteur TP.HCM, hầu hết người tử vong vì bệnh dại là do không tiêm vắc xin phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương.
Bác sĩ Tuấn cho hay, người dân thường nghĩ "chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao", hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng. Tiêm ngừa dại là đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Nhất là trong trường hợp nạn nhân bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ….
Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc Đông y hoặc đi lấy nọc chó cắn dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến sẽ tử vong.
Bác sĩ Tuấn lưu ý, tâm lý sợ tác dụng phụ của vắc xin dại cũng là một rào cản khiến người dân ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm.
Còn theo tiến sĩ, bác sĩ Dương Bích Thủy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, người dân cần thực hiện phối hợp nhiều biện pháp phòng bệnh dại, bao gồm: cảnh giác với động vật có nguy cơ lây bệnh dại; chích ngừa dại cho chó, mèo…; phòng bệnh trước tiếp xúc ở các đối tượng nguy cơ cao và phòng bệnh dại sau tiếp xúc.
Phòng bệnh dại sau khi tiếp xúc với động vật nghi dại/bị dại/mất theo dõi, được chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1: Sờ, cho động vật ăn hoặc bị liếm trên da lành. Đây là nhóm không tiếp xúc và không cần dự phòng
Nhóm 2: Vết cắn trên da trần (chưa xuyên thấu da) hoặc vết xây xát nhỏ trên da không chảy máu. Đây là nhóm ít nghiêm trọng. Người bị cắn cần xử trí vết thương đúng cách và lập tức tiêm vắc xin phòng dại. Ngưng tiêm nếu con vật vẫn khỏe mạnh sau 10 ngày theo dõi hoặc được xét nghiệm là không nhiễm virus dại.
Nhóm 3: Có một hoặc nhiều vết cắn xuyên thấu da hoặc liếm trên da bị tổn thương; Dính nước bọt trên niêm mạc (liếm) hoặc có các tiếp xúc với dơi. Theo bác sĩ Thủy, đây là nhóm nghiêm trọng.
Khi đó, người bị con vật cắn/liếm lập tức xử trí vết thương đúng cách, tiêm ngay vắc xin và huyết thanh kháng dại (ngưng tiêm nếu con vật vẫn khỏe mạnh sau 10 ngày theo dõi hoặc được xét nghiệm là không nhiễm virus dại).
Cách xử trí đúng cách với vết thương do chó, mèo... gây ra, cụ thể như sau:
- Rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, nếu có.
- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
Người bị chó mèo cắn, cào, tuyệt đối không được:
- Đi lấy nọc, đắp thuốc nam, hoặc đắp lá cây, bã cà phê, ớt bột, nước ép , nhựa cây… lên vết thương.
- Rạch hoặc làm dập nát thêm vết thương. Không nên khâu kín vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn hoặc chỉ nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi.
Trước đó, cuối tháng 9, Bộ Y tế đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại trên cả nước. Năm 2022, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Cụ thể, Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), Kiên Giang có 5 ca (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca), Gia Lai có 4 ca (cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong)…
Một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại có chiều hướng tăng là do nhận thức của người dân về căn bệnh còn hạn chế. Ngoài ra, công tác quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vắc xin dại trên chó thấp…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật nhiễm dại hoặc nghi bị dại cắn, phải được điều trị dự phòng bằng vắc xin; khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh này. Các trường hợp tử vong chủ yếu được báo cáo ở các nước thuộc vùng nhiệt đới.