Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện: “Michelle Obama của Trung Quốc”

Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện: “Michelle Obama của Trung Quốc”
Đệ nhất phu nhân Trung Quốc, Thiếu tướng văn công Bành Lệ Viện.
 Đệ nhất phu nhân Trung Quốc, Thiếu tướng văn công Bành Lệ Viện.

Bà xuất hiện lần đầu với tư cách Đệ nhất phu nhân, khi tháp tùng Tập Cận Bình trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị tân Chủ tịch Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ của ông là Bành Lệ Viện bước ra khỏi máy bay tại sân bay Vnukovo vào ngày 22/3. Mỉm cười rạng rỡ, đi sau chồng một hai bước chân, Bành Lệ Viện tự tin bắt tay các vị chủ nhà người Nga.
Một quan chức Trung Quốc nói: “Chúng tôi từng muốn có một Đệ nhất phu nhân thanh lịch để giới thiệu với thế giới bên ngoài. Bây giờ, chúng tôi đã có một vị như vậy”. Vị quan chức Trung Quốc nói tiếp: “Bà ấy là một người thanh lịch, thành công trong nghề nghiệp và xuất thân từ một gia đình bình dị”.  Bành Lệ Viện, 51 tuổi, hầu như không cần phải chuẩn bị nhiều khi làm công việc quan hệ công chúng.
Nhiều blogger Trung Quốc hồ hởi: “Mỹ có Michelle (Obama), chúng ta có Bành Lệ Viện”.
Vốn là ca sĩ giọng nữ cao nổi tiếng ở Trung Quốc, Bành Lệ Viện được cả nước biết đến với  các bài hát dân ca, trong đó có bài “Trên những thảo nguyên hy vọng”.
Bành Lệ Viện được sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ ở tỉnh Sơn Đông. Mẹ cô là thành viên của một đoàn văn công và cha cô phụ trách bảo tàng địa phương.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình cách đây vài năm, Bành Lệ Viện nhớ lại khi còn là một đứa trẻ, lần đầu tiên cô nhìn thấy chiếc máy ảnh mà  cha cô mang về nhà. Người cha đã không dùng chiếc máy ảnh này để chụp cô vì đó là “ tài sản nhà nước”, chứ không phải là tài sản cá nhân. Sau đó, người chú đã lén chụp ảnh cho cô và đó là bức ảnh duy nhất của Bành Lệ Viện thời thơ ấu.
Ở tuổi 14, Bành Lệ Viện theo học tại một trường đại học nghệ thuật địa phương. Bốn năm sau, cô đã gia nhập Đoàn nghệ thuật của Quân Giải phóng nhân dân (PLA), với giọng nữ cao.
Bành Lệ Viện có bằng thạc sĩ về âm nhạc dân tộc truyền thống và hiện là Viện trưởng Học viện Nghệ thuật của PLA, với cấp bậc thiếu tướng.
Bành Lệ Viện đã trở thành một siêu sao vào năm 1983, khi cô biểu diễn trong chương trình chào năm mới được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng trên toàn quốc. Bành Lệ Viện xuất hiện liên tục trên truyền hình cho đến năm 2007, khi ông Tập Cận Bình trở thành một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Sau đó, Bành Lệ Viện ít trình diễn trước công chúng và tăng cường hoạt động trong các tổ chức từ thiện. Giới phân tích cho rằng Bành Lệ Viện đã “làm mềm” hình ảnh Tập Cận Bình trước công chúng.
Bành Lệ Viện đã trở thành một đại sứ của chiến dịch kiểm soát thuốc lá năm 2009 và năm ngoái  được bổ nhiệm làm đại sứ cho cuộc chiến chống lại bệnh lao và HIV/AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới, một sáng kiến được Quỹ Bill và Melinda Gates hỗ trợ.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng những hoạt động trên của Bành Lệ Viện có thể giúp đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài.
Cựu đại sứ Trung Quốc tại Nga Liu Guchang nói: “Tôi tin rằng bà Bành Lệ Viện hội đủ các điều kiện tiên quyết và có khả năng đóng góp to lớn cho ngành ngoại giao Trung Quốc”.
Tuy nhiên, cũng có người nhớ đến Giang Thanh,  người vợ thứ tư của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Ngôi sao điện ảnh này sau đó đã leo lên đỉnh cao quyền lực trong cuộc Cách mạng Văn hóa và trở thành “một người đàn bà thép”, nấp sau cái bóng của người chồng là lãnh tụ tối cao của Trung Quốc. Trước khi bị bắt và bị bỏ tù vào cuối năm những năm 1970, Giang Thanh phụ trách về chiến lược văn hóa trong những năm cuối đời của Mao Chủ tịch. Giang Thanh có chân trong Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc và là người lãnh đạo cao nhất về văn hóa nghệ thuật Trung Quốc thời đó.
Trái ngược với Giang Thanh, các vị đệ nhất phu nhân Trung Quốc trong những năm 1980 và 1990 thường ít xuất hiện trước công chúng.
Vợ của nhà lãnh Đặng Tiểu Bình hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ngay cả khi bà tháp tùng chồng troang các chuyến công du trong nước và nước ngoài. Vợ của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân hầu như không tháp tùng chồng, một phần vì sức khỏe yếu đuối. Vợ của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hiếm khi xuất hiện và hầu như không bao giờ nói chuyện trước công chúng.
Nhiều người Trung Quốc cho rằng bà Bành Lệ Viện đang phá vỡ khuôn mẫu cũ.
Một blogger viết: “Bành Lệ Viện sẽ giúp cho ông Tập Cận Bình gần gũi hơn với nhân dân. So với các vị cựu đệ nhất phu nhân trước đây, bà ấy  chắc chắn sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn”.
Li Yinhe, một nhà xã hội học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ khôn khéo sử dụng Bành Lệ Viện như một “quyền lực mềm” ở  trong và ngoài nước. Li Yinhe nói với tờ New York Times: “Nếu mọi người thấy rằng Tập Cận Bình có một người vợ xinh đẹp như vậy, điều này sẽ làm cho đảng nhân văn hơn và ít cứng nhắc hơn”.
Tuy nhiên, những người hâm mộ Bành Lệ Viện lại cảm thấy lo lắng. Một người nói: “Mối lo duy nhất của chúng tôi là bà ấy có thể vô ý làm lu mờ nhà lãnh đạo số 1 của chúng ta”.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Tin mới