Đếm "két tiền" của những tỷ phú đô la Việt chưa lộ diện

Tới thời điểm này, mới có 4 tỷ phú USD người Việt ghi danh toàn cầu. Song, trên thực tế còn rất nhiều gương mặt sáng giá với những két tiền được cho là khổng lồ mà ít ai có thể đo đếm.

Tài sản khủng 4 tỷ phú Việt
Với danh sách những người giàu nhất hành tinh 2018 vừa được Forbes công bố, Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD, là ông Trần Đình Long (chủ tịch Hòa Phát) và ông Trần Bá Dương (chủ tịch Thaco).
Trường hợp của ông Trần Đình Long không có nhiều bất ngờ bởi khối tài sản của ông Long khá rõ ràng. Ông Long là người sáng lập Tập đoàn Hòa Phát (HPG), một doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất Việt Nam và cũng là nhà sản xuất đồ nội thất và cũng có tham gia vào mảng bất động sản và gần đây là nông nghiệp.
 
Cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long lên sàn cách đây hơn 1 thập kỷ và có rất nhiều cổ đông nước ngoài, tính thanh khoản cao, do vậy tính minh bạch của doanh nghiệp này là điều khỏi bàn cãi. Khối tài sản của ông Trần Đình Long cũng khá rõ ràng. Với hơn 380 triệu cổ phiếu HPG, ông Long có tài sản gần 24,4 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD).
Tính toán của Forbes khác với các bảng xếp hạng trong nước, nhưng cũng không chênh lệch nhiều. Tính tới hết ngày 7/3/2018, tổng tài sản của ông Trần Đình Long theo Forbes là 1,33 tỷ USD, xếp thứ 1.833 trong bảng danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Khối tài sản của ông Trần Bá Dương khó tính toán hơn bởi cổ phiếu Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng như cổ phần của đại gia ngành ô tô này ở một số doanh nghiệp, như trong lĩnh vực bất động sản, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Giới đầu tư trong nước chỉ biết đến ông Trần Bá Dương là chủ tịch của một tập đoàn sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô lớn nhất Việt Nam, với thị phần khoảng 36% trên toàn quốc.
 
Tính tới ngày 7/3, tổng tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình, theo Forbes, là 1,76 tỷ USD, xếp thứ 1.433 trong bảng danh sách những người giàu nhất trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, Thaco của ông Trần Bá Dương có vốn hóa đạt khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Thaco cùng với vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% doanh nghiệp này.
Hai tỷ phú USD người Việt khác đã có mặt trong bảng danh sách Forbes từ trước đó là ông Phạm Nhật Vượng, tính tới 7/3 có tài sản 5,2 tỷ USD, xếp thứ 400. Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet có tài sản 3,4 tỷ USD, xếp 716.
Hàng loạt “két” tỷ USD chưa lộ
Trên thực tế, trong cộng đồng doanh nghiệp Việt còn rất nhiều doanh nhân có khối tài sản khổng lồ có thể lọt danh sách tỷ phú USD. Tuy nhiên, những “két tiền” hàng chục ngàn tỷ này ít được biết đến do các doanh nghiệp chưa lên sàn hoặc đăng ký giao dịch.
Hai tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam.
Hai tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. 
Ngoại trừ một trường hợp có tài sản khá rõ ràng là ông Nguyễn Đăng Quang. Tuy không nằm trong danh sách Forbes 2018 nhưng ông Nguyễn Đăng Quang được coi là tỷ phú USD thứ 3 Việt Nam, trước cả ông Trần Đình Long.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (MSN) tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng (tính tới cuối tháng 1/2018) lên mức 1,2 tỷ USD.
Theo số liệu trên sàn chứng khoán, là chủ tịch nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn này. Tuy nhiên, thông qua CTCP Masan (Masan Corp) - doanh nghiệp đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang được xem là cổ đông chính của MSN và có khối tài sản nói trên.
Masan Group hiện là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt. Vốn hóa của Masan hiện đạt gần 100 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này hiện đang kinh doanh các lĩnh vực Thức ăn chăn nuôi (Proconco, Anco), hàng tiêu dùng (Omachi, Chinsu, Vinacafe,... ), khoáng sản (mỏ núi Pháo), ngân hàng (Techcombank)...
Ông Quang khởi nghiệp từ những năm 90 sau thời gian dài học tập và công tác tại Nga với lĩnh vực sản xuất mỳ gói. Sau này, công việc kinh doanh mở rộng sang cả ngành sản xuất đậu nành, cá và tương ớt. Năm 2001, ông Nguyễn Đăng Quang chuyển toàn bộ nhà máy về Việt Nam.
Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch FLC và ông Bùi Thành Nhơn Novaland cũng được tính toán là tỷ phú thứ 3-4 trên TTCK Việt Nam nhưng chưa được các tổ chức nước ngoài xếp hạng.
 
Ông Trịnh Văn Quyết hiện nắm giữ 145 triệu cổ phiếu FLC, gần 320 triệu cổ phiếu ROS và hơn 2,6 triệu cổ phiếu ART. Nếu tính theo giá các cổ phiếu này trên sàn chứng khoán, tổng túi tiền của ông Trịnh Văn Quyết lên tới gần 44 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,9 tỷ USD).
Ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch tập đoàn bất động sản Novaland trong khi đó cùng gia đình sở hữu số cổ phiếu NVL trị giá khoảng 1,3 tỷ USD. Riêng ông Nhơn đang nắm giữ số cổ phiếu NVL trị giá 500 triệu USD.
Nhiều cái tên như Nguyễn Thị Nga (tập đoàn BRG), Đỗ Quang Hiển (chủ tịch Tập đoàn T&T), Trần Thanh Quý (Tân Hiệp Phát), Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Xuân Trường, Vũ Văn Tiền (Geleximco),... có thể sẽ góp phần kéo dài danh sách giới siêu giàu Việt.
Thời gian tới, Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều tỷ phú USD hơn nữa do nhiều doanh nghiệp lớn sẽ lên sàn hoặc đăng ký giao dịch. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và TTCK bùng nổ lên các đỉnh cao mới cũng góp phần cho xu hướng này rõ rệt hơn.
Bà Nguyễn Thị Nga (tập đoàn BRG) là cái tên đình đám trong cộng đồng doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp của bà Nga là chủ rất nhiều sân golf trên phạm vi cả nước, sở hữu thương hiệu Hilton, nhiều bất động sản cao cấp và gần đây thâu tóm rất nhiều đất vàng từ các doanh nghiệp nổi tiếng như Intimex, khách sạn Thắng Lợi, khách sạn Sông Nhuệ,... Doanh nghiệp của bà Nga sắp thâu tóm 100 mảnh đất vàng từ tay Tổng công ty Hapro và vừa lộ kế hoạch xây dựng thành phố nhiều tỷ USD ở phía Bắc Hà Nội.
Một số doanh nhân mới nổi gần đây cũng bứt phá khá nhanh như: ông Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hàng chục triệu cổ phần VCS, trị giá khoảng 600 triệu USD.
Ông Nguyễn Đức Tài cũng chủ nắm giữ hơn 7,8 triệu cổ phần Thế Giới Di Dộng (MWG) nhưng gián tiếp nắm giữ hơn 38,6 triệu cổ phần MWG thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới bán lẻ).
Ông Trần Lê Quân (MWG), ông Nguyễn Duy Hưng (SSI, PAN), ông Lê Phước Vũ (HSG), Trần Lệ Nguyên (KDC), vợ chồng ông Hồ Hùng Anh (MSN, Techcombank)... cũng gián tiếp sở hữu một khối lượng lớn cổ phần cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Tin mới