Đêm trắng ở trung tâm khí tượng trước giờ bão số 9 - Molave đổ bộ
Các dự báo viên có một đêm căng thẳng khi liên tục ghi nhận các diễn biến của bão Molave. Với sức gió đổ bộ cấp 12-13, thông tin về bão được cập nhật mỗi giờ một lần, suốt cả đêm.
Theo Phạm Thắng-Mỹ Hà/Zing
Xem toàn bộ ảnh
Rạng sáng 28/10, tâm bão số 9 duy trì sức gió cấp 13, giật cấp 16 trước khi tiến vào vùng biển Đà Nẵng - Phú Yên. Là cơ quan chịu trách nhiệm công bố các bản tin cảnh báo bão, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sáng đèn suốt đêm, trước khi bão vào đất liền. Cảnh tượng này diễn ra gần một tháng qua, khi Biển Đông hứng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Bình, chuyên viên phòng Dự báo Viễn thám, các dự báo viên phải phát các bản tin cảnh báo bão liên tục những ngày qua. "Cơn bão số 8 vừa kết thúc đã phải phát tin bão số 9. Công việc của chúng tôi không đếm theo ngày, theo tháng mà đếm theo từng cơn bão, trận mưa”, chị Bình nói. Đối với bão số 9, việc dự báo được tăng cường và cập nhật liên tục từ 30 phút đến 1 giờ, đòi hỏi các dự báo viên phải trực liên tục 12 giờ mỗi ngày.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nghe các chuyên viên báo cáo về diễn biến bão số 9 trên hệ thống radar và mức độ ảnh hưởng qua số liệu của các trạm quan trắc địa phương. Ông tỏ ra lo lắng trước tình hình bão có thể đổ bộ đất liền với sức gió mạnh cấp 12-13. Người đứng đầu cơ quan dự báo khí tượng liên tục thảo luận với chuyên viên về diễn biến cơn bão để tham vấn, cho ra bản tin có độ tin cậy cao nhất.
Ngoài làm công việc chuyên môn, các chuyên gia ngành khí tượng thủy văn còn có nhiệm vụ cảnh báo đến người dân về diễn biến của bão thông qua báo, đài. Do Molave là cơn bão rất nguy hiểm, suốt đêm 27/10, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, phải thực hiện việc ghi hình, cảnh báo cho người dân mỗi giờ một lần.
12h đêm, tổ hợp radar miền Trung bắt được tín hiệu của bão số 9 lần đầu tiên sau nhiều giờ bão quần thảo trên biển. Đây là thời điểm vùng mây ở rìa mắt bão bắt đầu quét vào đất liền và gây gió giật mạnh, mưa lớn cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đưa ra các phân tích sâu về đặc điểm, tính chất của bão số 9. Các phân tích chuyên môn của ông nhằm đánh giá xu hướng của bão trong những giờ tới. Sau cuộc họp báo thông tin vào buổi chiều, lúc 23h, ông tiếp tục có cuộc họp giao ban, thảo luận với các đồng nghiệp về diễn biến bão trong những giờ sau.
Các chuyên viên của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thu thập số liệu được báo cáo từ các đài khí tượng thủy văn khu vực, sau đó tổng hợp, đánh giá tình hình. Với mức độ ảnh hưởng bão số 9, số liệu được cập nhật liên tục 30 phút một lần.
Việc thảo luận, bàn bạc và đánh giá về cơn bão được diễn ra liên tục. Kể từ ngày 5/10, các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia không có ngày nghỉ bởi các hình thái cực đoan và mưa lũ nhiều ngày tiếp diễn, công tác dự báo cần được tăng cường để kịp thời cảnh báo đến chính quyền, người dân.