Top đặc sản Kiên Giang níu chân thực khách bốn phương nhờ sự đa dạng và phong phú, từ những món ăn đơn giản, bình dị cho đến các món độc lạ "có một không hai".
Theo Kiều Anh/Dân Việt
Kiên Giang - một tỉnh tận cùng phía Tây Nam tổ quốc và là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Du lịch Kiên Giang phát triển bởi khí hậu thuận lợi, cảnh đẹp nên thơ và con người hồn hậu, mến khách. Vùng đất này còn "chiêu đãi" du khách bao món ăn ngon, bao đặc sản Kiên Giang làm quà nổi tiếng. Dưới đây là những món ăn đặc sản ở Kiên Giang, ngon độc đáo, hấp dẫn mà các tín đồ ẩm thực không thể bỏ qua.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Gỏi cá trích và hương vị dân dã
Chỉ cần nếm thử gỏi cá trích, bạn sẽ cảm nhận ngay được vị ngọt ngọt, chua chua cùng độ mềm mại, giòn sần sật của những miếng cá tươi ngon. (MiA)
Gỏi cá trích là món ăn khá phổ biến tại các tỉnh thành ven biển. Tuy nhiên, có dịp thưởng thức đặc sản Kiên Giang thì du khách sẽ cảm nhận hương vị rất khác biệt. Vùng biển của nơi đây đã nuôi dưỡng nên loại cá chích ngọt thịt, hương vị đậm đà qua bàn tay khéo léo của con người Kiên Giang.
Cá tươi không tẩm ướp gia vị mà nhúng vào giấm để giữ được độ giòn. Cá xếp vào đĩa đẹp mắt, dừa được trộn đều với đậu phộng rang, hành tây cắt sợi và rau thơm rải đều lên trên. Ngoài ra, gỏi còn được ăn kèm với rau sống hoặc đu đủ. Một đĩa Gỏi cá trích được phục vụ lên sẽ rất đẹp mắt, xứng tầm đặc sản Kiên Giang, khiến du khách muốn thưởng thức ngay.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Tô bánh canh chả ghẹ, hấp dẫn thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên
Điểm đặc biệt của món ăn này chính là phần nước lèo được nấu từ xương heo, thịt heo, tôm khô và đầu cá thu nên có vị ngọt thanh rất tự nhiên. (Ảnh: MiA)
Bánh canh chả ghẹ mang hương vị đặc trưng của xứ biển Kiên Giang. Tô bánh gần như lấp đầy thịt ghẹ, chả cá thu và vài cọng ngò trông thật ngon mắt. Tô bánh ngon nhờ miếng ghẹ nào cũng béo ngọt, miếng chả cá thu mằn mặn, vừa dẻo vừa dai, cọng bánh canh trắng trong dai giòn hấp dẫn. Trong lúc thả hồn theo hương vị, bắt gặp vị cay của tiêu hòa cùng làn gió biển làm tăng thêm vị ngon của phong cảnh hữu tình.
Nồi nước lèo của bánh canh được nấu với tôm khô và thịt, xương, đặc biệt là nấu đầu cá thu vừa mặn mà không làm mất đi độ ngọt của cá tươi, tôm khô. Chả ép thành miếng dẹp hấp chín, đem cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Ghẹ rửa sạch luộc chín được lấy thịt ra. Khi ăn, bốc bánh canh cho vào tô, chan nước dùng, sau đó để lên một ít chả, một ít thịt ghẹ, một hoặc hai trứng cút, cùng chút ngò gai xắt nhuyễn, tỏi phi, ớt bằm, nước mắm… làm cho tô bánh canh càng thêm bắt mắt.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Một đĩa cơm ghẹ thơm ngon, đậm đà chắc chắn sẽ khiến du khách nhớ mãi về ẩm thực của miền đất này
Cơm ghẹ sau khi chế biến xong thường có màu vàng bắt mắt và hương thơm phưng phức, hứa hẹn sẽ chiều lòng cả những thực khách khó tính. (Ảnh: MiA)
Cơm ghẹ là món ăn từ sự kết hợp giữa những loại nguyên liệu đơn giản, không cầu kì nhưng lại mang đến hương vị vô cùng hấp dẫn. Những hạt gạo trắng ngần nấu thành cơm dẻo và thơm, kết hợp với thịt ghẹ tươi ngon đã luộc chín, đậm đà vị hải sản. Trứng gà mang đi chiên vàng ươm, đảo đều rồi nêm nếm các loại gia vị xì dầu, nước mắm, hạt nêm. Cơm ghẹ thường được ăn với một số loại rau như xà lách, dưa leo, cà chua để không bị ngán.
Cơm ghẹ xào nên hạt cơm không săn như khi chiên, vẫn giữ được độ mềm nhất định. Các loại nguyên liệu hòa trộn với nhau, mùi thơm của hải sản, thêm vị trứng chiên sẽ rất hấp dẫn. Chan một chút nước tương hoặc tương ớt vào sẽ càng làm món đặc sản Kiên Giang này thêm dậy mùi hương vị.
Một phần Cơm ghẹ ngon sẽ hấp dẫn bạn từ mùi thơm, màu sắc đến hương vị. Cơm mang lên có màu vàng ươm, từng hạt bóng nhẫy, trang trí thêm vài miếng cà chua sẽ rất thích mắt. Món ăn này vừa ngon, giàu chất đạm, lại mang đặc trưng hương vị của mảnh đất Kiên Giang. Vì thế, hầu hết các nhà hàng, quán ăn đều có món cơm ghẹ để phục vụ thực khách, đặc biệt là những bạn từ xa đến đây du lịch.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Nấm tràm và những món ăn thơm ngon khó cưỡng
Nấm tràm là đặc sản rất nổi tiếng ở mảnh đất Kiên Giang và thường được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon trong bữa cơm hằng ngày. (Ảnh: MiA)
Nấm tràm Kiên Giang là loại đặc sản được nhiều người săn đón. Nấm mọc trong rừng tràm nhưng số lượng khá ít và khó tìm. Bên cạnh đó, nấm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và hương vị cũng cực kỳ thơm ngon.
Nấm tràm thường có màu tím, tương tự như màu của trái măng cụt, còn bên phía dưới và thân thì có màu trắng tinh. Tai nấm tràm phía trên tròn lẳn, trông như một chiếc ô bé xíu. Nhiều nhóm bạn trẻ đến du lịch Kiên Giang còn cùng nhau vào rừng săn nấm. Trải nghiệm len lỏi giữa rừng tràm ẩm ướt, tỉ mỉ tìm từng búp nấm nhỏ xíu sẽ mang lại rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ.
Nấm tràm có thể chế biến thành rất nhiều món ăn thơm ngon, đầu tiên là món canh. Người dân nơi đây đã kết hợp nấm tràm với một số loại nguyên liệu khác như: thịt ba chỉ, tôm, trứng (trứng gà hay trứng vịt), hành lá, tiêu… để cho ra một chén canh thơm ngon và bổ dưỡng. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được vị béo của thịt, trứng, đan xen vị ngọt của tôm, chút đắng nhẹ và giòn xốp của nấm tràm. Đặc trưng của nấm tràm chính là ở vị đắng nhẹ, khi thưởng thức món canh có thể cảm nhận rõ nhất.
Tiếp theo là canh gà nấm tràm bổ dưỡng. Người ta thường sẽ luộc gà trước, lấy nước ấy để nấu súp. Phần thịt gà được xé nhỏ, Nấm tràm thái sợi, cho thêm bột năng để súp đặc lại. Món này khá giống với súp cua nhưng hương vị đặc biệt hơn rất nhiều, nhất là ở chút đắng nhẹ của nấm khiến món ăn càng thêm hấp dẫn.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Tô bún cá Rạch Giá nức tiếng gần xa
Bún cá Rạch Giá được nấu từ cá lóc đồng nên có vị ngon rất riêng. (Ảnh: MiA)
Điểm độc đáo của bún cá Rạch Giá so với các vùng biển khác chính là nguyên liệu. Món đặc sản Kiên Giang này không nấu từ cá thu hay những loại cá biển mà sử dụng cá lóc đồng địa phương.
Hương vị bún cá khá thanh ngọt, không nhiều dầu mỡ như các món bún khác. Cá lóc rất chắc thịt, ngấm gia vị càng thêm hấp dẫn. Thế nhưng, ngon nhất là phần bún ăn với đầu cá. Tuy không nhiều thịt nhưng đầu cá lóc cực ngon, phần tủy bên trong béo ngậy. Rau ăn kèm thường là hoa chuối, rau muống bào, vắt thêm chút chanh và sa tế sẽ càng thơm ngon.
Vì mỗi thực khách sẽ có một khẩu vị riêng nên các quán Bún cá Rạch Giá thường nấu hơi nhạt một chút. Du khách có thể nêm thêm nước mắm để ăn vừa miệng hơn nhé. Mà đặc biệt phải là nước mắm cốt Phú Quốc thì mới mang lại sự đậm đà đúng điệu.
Bún cá Rạch Giá không phải là món ăn thường được phục vụ trong các nhà hàng hoa lệ. Thay vào đó, món này ngon nhất là khi bán ở các hàng quán nhỏ ven đường, ngồi trên những bộ bàn ghế nhựa đơn sơ. Buổi tối đói bụng mà ghé vào một quán vỉa hè xì xụp tô bún cá thì còn gì tuyệt hơn phải không nào?
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Tô bún kèn Hà Tiên đầy đủ với màu sắc hòa quyện hấp dẫn cả về hương thơm và mùi vị
Thông thường, một tô bún kèn Hà Tiên sẽ có thịt cá cùng lớp thịt tôm giã nhuyễn phủ phía trên, ăn kèm với các loại rau sống và giá đỗ. (Ảnh: MiA)
Bún kèn Hà Tiên là một món ăn rất tinh tế khi kết hợp các loại nguyên liệu từ cá, rau sống, đồ chua và cuối cùng là loại nước dùng sền sệt siêu đặc biệt. Nguyên liệu làm nên món Bún kèn Hà Tiên là các loại cá đặc biệt, thường chỉ có ở miền Tây. Trong đó, cá đựng, cá nhồng, cá rựa, cá lẹp vàng thường được ưa chuộng nhất để làm nên hương vị đặc biệt của món bún này.
Điều đặc biệt của món này là phần nước lèo khá sệt, có màu đỏ vô cùng lạ mắt. Một tô bún đầy đủ sẽ là sự hòa trộn của rau xanh, bún trắng, màu vàng cà ri, màu đỏ của ớt, màu cam của đu đủ, nhìn thôi đã thấy rất hấp dẫn rồi. Tô bún được trộn đều lên để sợi bún nhỏ hòa cùng nước dùng, thấm đẫm bị béo ngậy, ăn kèm với thịt cá ngọt mềm, cay cay sẽ càng ngon hơn.
Ngay từ miếng đầu tiên, du khách đã cảm nhận được vị bùi bùi, béo béo đặc trưng của nước cốt dừa, mùi thơm lừng của cá biển tươi, thêm sự tươi mát từ các loại rau sống. Tuy vậy, lượng nước cốt dừa rất vừa phải, ăn kèm thêm rau nên không hề bị ngán chút nào. Thậm chí, nhiều bạn sức ăn khỏe thì một lần có thể ăn hết hẳn 2 tô vì quá ngon. Ngoài ra còn có một cách ăn khác là chấm bánh mì với nước kèn cũng rất thơm ngon, đậm đà.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Gỏi sò lông hoa chuối có vị ngon độc lạ khiến người thưởng thức nhớ mãi
Hương vị món gỏi là sự kết hợp đầy ấn tượng giữa nguồn nguyên liệu tươi ngon bao gồm sò lông, hoa chuối, thịt ba chỉ... cùng nước chấm làm từ chanh, tỏi và ớt có vị chua ngọt hấp dẫn. (Ảnh: MiA)
Không cầu kì về nguồn nguyên liệu hay phong cách chế biến nhưng hương vị của Gỏi sò lông hoa chuối vẫn cực kì lôi cuốn. Có người cho rằng, vị ngon khó cưỡng đó là vì món ăn này được làm hoàn toàn bằng sản vật thiên nhiên của vùng đất rừng vàng biển bạc Kiên Giang.
Người đầu bếp chỉ cần chuẩn bị sò lông, hoa chuối cùng một số thực phẩm khác như thịt ba chỉ, rau răm, đậu phộng là đã có thể chế biến món ăn này. Sò lông đánh bắt ở Biển Rạch Giá không chỉ lớn mà khi tách vỏ thì thịt có màu vàng cam, luộc qua rồi ăn thử một miếng liền cảm nhận được vị béo ngậy.
Sau công đoạn chế biến và nêm nếm tùy theo khẩu vị của mỗi người, Gỏi sò lông hoa chuối sẽ sở hữu vị ngon vô cùng độc đáo. Đó là sự kết hợp đầy ấn tượng giữa các loại nguyên liệu cũng như chút nước mắm chanh, tỏi và ớt chua ngọt. Món ngon này càng thêm khó cưỡng khi thưởng thức cùng rau răm xắt nhuyễn, vài lát hành tây ngâm giấm đường và bên trên rắc thêm chút đậu phộng giã nhỏ khi thưởng thức chắc hẳn du khách sẽ nhớ mãi không quên.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu, tinh hoa ẩm thực Tây Nam Bộ
Cá nhám giàu là loại cá đặc trưng ở vùng biển Hà Tiên, sở hữu hương vị tươi ngon, béo ngậy và giá trị dinh dưỡng rất cao nên thường được dùng để nấu thành các món ăn hấp dẫn. (Ảnh: MiA)
Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu là món ăn không còn xa lạ gì với các bạn gần xa khi có dịp dừng chân khám phá vùng đất rừng vàng biển bạc. Hương vị của món ngon này không chỉ chiếm trọn trái tim của tín đồ du lịch mà còn mang tên tuổi ẩm thực tỉnh Kiên Giang vang xa khắp mọi miền Tổ quốc.
Cá nhám giàu là nguyên liệu không thể thiếu để chế biến món lẩu ngon trứ danh này. Đây là loại cá có màu trắng thường sinh sống tại vùng biển Hà Tiên. Nhìn chung, món này tuy cầu kì về mặt nguyên liệu như cá nhám giàu, măng tươi, sả nghệ... nhưng lại có công thức chế biến khá đơn giản.
Sau khi chế biến, món Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu sẽ sở hữu mùi thơm đặc biệt cuốn hút. Nếm thử miếng cá chắc thịt, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được độ dai ngon, hấp dẫn của loài hải sản quý hiếm này. Khi dùng chung với nước lèo chua chua, món ăn càng thêm khó cưỡng.
Nếu Gỏi sò lông hoa chuối ngon nhất khi ăn cùng với rau răm thì Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu thường thưởng thức cùng đĩa bún trắng tươi và rau muống, thịt thì chấm nước mắm nhĩ. Hương vị hấp dẫn đến từ sả, nghệ hòa cùng nước cá thanh ngọt chắc chắn sẽ để lại trong bạn ấn tượng khó phai.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Xôi xiêm với vị ngon đốn tim tín đồ ẩm thực
Sau khi nấu chín, xôi được rưới thêm một lớp nước cốt dừa để tạo hương vị ngọt ngào, béo ngậy khó cưỡng. (Ảnh: MiA)
Xôi xiêm Kiên Giang là món ăn rất được du khách gần xa ưa chuộng khi có dịp ghé thăm vùng đất rừng vàng biển bạc. Món ăn này là sự kết hợp giữa gạo nếp Thái thơm lừng và nước sốt ngọt béo.
Bởi vì đã du nhập vào miền đất Kiên Giang được nhiều năm nên món ăn có sự thay đổi khá lớn so với nguyên bản. Xôi xiêm nơi đây sẽ mang đậm phong cách nêm nếm cũng như hương vị những nguyên liệu đặc trưng của vùng sông nước miền Tây như đường thốt nốt, sầu riêng, nước cốt dừa... Đây được đánh giá là món ăn hòa quyện giữa 2 nền ẩm thực phong phú, đặc sắc là Việt Nam và Thái Lan tạo nên tinh hoa đậm chất châu Á.
Thông thường, các hàng quán chuyên bán món ăn địa phương này khi có thực khách chỉ cần lấy nếp từ nồi cho ra đĩa, rưới nước sốt đều tay và quết thêm 1 ít sầu riêng trên bề mặt là đã sẵn sàng để phục vụ. Hương vị thơm ngon khó cưỡng của hạt gạo nếp mềm dẻo, thơm lừng, nước sốt béo ngậy cùng các loại topping như sầu riêng, xoài... khiến món ngon hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Bánh ống lá dứa - món ăn dân dã 'kéo cả một bầu trời' ký ức ùa về
Món ăn này có giá rất rẻ, chỉ khoảng 5.000 VND - 7.000 VND/chiếc nên bạn có thể thoải mái thưởng thức. (Ảnh: MiA)
Bánh ống lá dứa là một món ăn vặt có hình trụ, dài khoảng 10 đến 15cm. Bởi vì khuôn bánh không có sẵn ngoài thị trường nên các hàng quán chuyên bán thức quà Đặc sản Kiên Giang này thường nhờ thợ đúc riêng theo ý mình.
Nguồn nguyên liệu chính để làm loại bánh ống nổi tiếng gần xa này bao gồm bột gạo nếp, dừa nạo, lá dứa và vừng, để cho hương vị thêm phần cuốn hút thì du khách có thể chuẩn bị thêm chút đậu phộng.
Khi bánh chín sẽ tỏa mùi thơm lừng, gạo xay lúc này vẫn còn nham nháp hòa quyện cùng cùi dừa và hương vị lá dứa tạo nên trải nghiệm cực kì đặc sắc và thú vị.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Hủ tiếu hấp Hà Tiên ấn tượng
Hủ tiếu hấp Hà Tiên được du nhập vào miền Tây từ lâu nên món ăn này về mặt hương vị đã có sự dung hòa với nền ẩm thực nơi đây, tạo nên sức hút cực kì độc đáo giữa món ăn đậm chất Campuchia và phong cách nêm nếm của người dân Kiên Giang. (Ảnh: MiA)
Món ngon có thành phần chính là sợi hủ tiếu tươi được mang đi hấp cách thủy, sau đó trộn với nước cốt dừa, bì, thính rồi thêm chút thịt heo nạc thái sợi và chả giò. Hủ tiếu hấp Hà Tiên thường được ăn kèm với rau thơm và đậu phộng nhằm gia tăng hương vị độc đáo cho món ăn.
Bất cứ ai đã từng thưởng thức qua món ngon này đều không khỏi mê mẩn trước độ dai hoàn hảo của từng sợi hủ tiếu hấp ấm nóng, vị béo ngậy của nước cốt dừa được người nấu thắng khéo nêm vừa, chút bùi bùi từ khoai trong chả giò và cuối cùng là hương thơm phảng phất của thính trộn với bì thái mỏng. Tất cả đã tạo nên sự hài hòa, cân đối cho món ăn và góp phần biến Hủ tiếu hấp Hà Tiên trở thành đặc sản Kiên Giang vạn người mê.
Món ăn đặc sản ở Kiên Giang: Ốc mắt ngọc nướng Nam Du, món ngon ăn là ghiền của xứ biển
Loại ốc này có màu xanh rất đẹp mắt, khi nướng lên sẽ càng thêm dậy mùi hương vị, thơm ngon khó cưỡng. Vì vậy, trong chuyến du lịch Kiên Giang và chinh phục ẩm thực nơi đây, bạn đừng bỏ lỡ món ăn hấp dẫn này nhé. (Ảnh: MiA)
Loại ốc này còn có tên gọi khác là ốc mặt trăng. Hình dạng bên ngoài của chúng khá xù xì bởi lớp vỏ dày, có nhiều phần gai nhô lên không đồng đều. Tên gọi ốc mắt ngọc xuất phát từ việc phần nắp miệng chúng có màu xanh ngọc, ánh nắng chiếu vào sẽ ánh lên màu rất đẹp. Ốc mắt ngọc có thể luộc, hấp sả nhưng ngon nhất.
Ưu điểm của món ốc mắt ngọc nướng Nam Du đó là phần thịt ốc to, ngọt, mùi thơm rất riêng. Khi ăn, du khách sẽ thấy hương vị món này có nhiều nét tương đồng với ốc hương. Ngồi bên bãi biển sóng vỗ rì rào, cầm que xiên lẫy từng con ốc béo ngậy thì còn gì tuyệt bằng. Món đặc sản Nam Du này ăn không để no mà chủ yếu ngon ở phong vị đậm đà biển cả, khiến ai đến Kiên Giang cũng muốn một lần nếm thử.
Dưới đây là những món ăn đặc sản ở Hoàng Su Phì mà du khách nên thưởng thức khi đến Hà Giang.
Hoàng Su Phì là huyện biên giới phía tây của tỉnh Hà Giang nằm trên thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc, cách thành phố Hà Giang 100km về phía tây. Từ lâu Hoàng Su Phì đã thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và đặc biệt là những hình ảnh xinh đẹp của những tuyệt tác ruộng bậc thang trải dài bên sườn núi.
Loại đặc sản chỉ nhìn cũng “nổi da gà”, dân thành phố săn lùng
Vài năm trở lại đây, loài vật này trở thành món đặc sản quý hiếm mà không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức.
Núi Bà Đen cách trung tâm thành phố Tây Ninh (Tây Ninh) khoảng 8km, là một thắng cảnh đẹp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nơi đây còn được biết đến với những đặc sản vô cùng độc lạ, trong đó phải kể tới thằn lằn. Thằn lằn thuộc họ tắc kè, đuôi màu nâu nhạt, lưng có vạch trắng. Đặc biệt thằn lằn núi trên núi Bà Đen chỉ ăn sung chín, chuối và lá thuốc nam. Vì thế thịt của chúng dai, thơm mùi thảo dưỡng và rất bổ dưỡng.