Đến nơi người làm đẹp và chữa bệnh bằng nước tiểu và phân bò
Đối với bộ tộc Mundari ở Nam Sudan, đàn bò với họ là tài sản quý giá nhất và họ luôn tận dụng mọi sản phẩm từ loài gia súc này, kể cả nước tiểu và phân để làm đẹp và chữa bệnh.
Nam Sudan là đất nước trẻ nhất thế giới khi mới giành được độc lập vào năm 2011 và kể từ đó đến nay, đất nước này đã thay đổi rất nhiều.
Trong khi nhiều nơi tại Nam Sudan rơi vào nội chiến và mâu thuẫn chính trị thì bộ tộc Mundari vẫn đang sống bình yên với công việc quan trọng nhất là chăm sóc đàn gia súc. Tộc Mundari sống ở ven bờ sông Nile, xuôi về phía bắc thủ đô Juba. Cả cuộc đời của họ dường như chỉ để cống hiến cho việc chăm sóc đàn bò Ankole-Watusi quý giá. Bò Ankole-Watusi được vinh dự biết đến như là gia súc của những vị vua.
Với họ, đàn bò là tài sản quý giá nhất và họ luôn tận dụng mọi sản phẩm từ loài gia súc này, kể cả nước tiểu và phân.
Người Mundari có thói quen nằm giữa đống tro bụi của phân bò khô để... thư giãn. Theo họ, phân bò khô giúp bảo vệ người và bò khỏi ánh nắng thiêu đốt ở Sudan. Phân bò được gom lại thành những đống cao để đốt. Phần tro sau đó được sử dụng như một chất khử trùng và kem chống nắng làm đẹp cho người dân dưới cái nóng 46 độ C.
Những người đàn ông Mundari còn biết tận dụng khả năng chống vi khuẩn và nhuộm tóc của nước tiểu bò. Được biết, nước tiểu bò khi được gội thường biến tóc của họ thành màu cam. Ở bộ lạc Mundari, một mái tóc màu cam là biểu tượng cho sự thời thượng.
Với những người phụ nữ ở đây thì gương mặt của họ không chỉ mang những vết sẹo theo nghi lễ của bộ tộc mà còn được trát đầy tro phân bò. Họ coi đây là một loại chất khử trùng tự nhiên giúp bảo vệ làn da họ khỏi côn trùng và ánh nắng mặt trời.
"Bò Ankole-Watusi được xem là một dạng tiền tệ, một biểu tượng cho địa vị và là của hồi môn của một gia đình. Kể từ khi nội chiến kết thúc, hàng nghìn đàn ông đã trở lại Nam Sudan để tìm vợ, khiến 'giá cô dâu' tăng cao. Những con bò Ankole-Watusi cũng theo đó trở nên đắt giá hơn nhưng những đợt tấn công nhằm vào đàn bò cũng phổ biến hơn", một người dân của bộ tộc này cho biết.
Không chỉ vậy, với những lợi ích mà bò Ankole-Watusi mang lại, chúng không chỉ được xem là một tủ chứa thức ăn di động, một phương thuốc mà còn là của hồi môn đối với tộc Mundari. Nói cách khác, đàn bò là nguồn cung dinh dưỡng chủ yếu của cả bộ tộc.