Đi câu đêm ở Cát Bà không vì mục đích lấy cá

Chúng tôi có mặt tại Cát Bà vào giữa tháng 5 - dân biển gọi là mùa cá Nam - mùa các loài cá vào bờ đẻ trứng nên rất thích hợp cho việc thả câu.

Xuất phát từ bến đò Giang Sơn vào lúc trời xẩm tối, do có chung sở thích nên chúng tôi nhanh chóng nhập hội với đoàn câu đêm mà không hề có cảm giác xa lạ do gặp nhau lần đầu. Mọi người lên thuyền câu của anh Thanh với đồ nghề là những chiếc làn bên trong bao gồm các thứ cần thiết cho một buổi câu đêm như các loại lưỡi cước câu, hộp mồi, đèn pin, thuốc chống muỗi, nước uống, dao, một chiếc vợt gấp để đưa cá lên bờ. Trong những thứ lỉnh kỉnh này, có một thứ “bất ly thân” dù chẳng liên quan gì đến việc câu cá nhưng tay câu nào cũng phải có, đó là những nhánh tỏi khô (?).
Di cau dem o Cat Ba khong vi muc dich lay ca
 
Hàng đêm ở đảo Cát Bà có đến vài chục tay câu. Không chỉ câu ven bờ, họ còn đi thuyền ra các vụng, vịnh xa xa xung quanh đảo như vụng Tùng Thu, Tùng Gạch, Cát Ông, Cát Cò, Cặm Bù Rọ, khu vịnh bến Bèo... thậm chí khi trời yên biển lặng có nhóm còn xuôi thuyền xuống tận Đầu Gôi xa tít để thỏa đam mê.
Ngoài cách câu thông thường như câu cần, câu máy, dân câu Cát Bà còn một loại cần câu mà ít địa phương nào có, đó là “câu sải” hay còn gọi là câu tay, đồ câu này đơn giản, thực chất chỉ là những mét cước mắc với lưỡi câu được cuộn lại quanh một cái ống, loại câu này không dùng chì và phao, được những tay săn cá cháp hay dùng.
Sau 30 phút chạy thuyền, chúng tôi đã đến điểm dừng. Mỗi người tự chọn cho mình một chỗ ngồi để đặt cần hay nói như những tay câu là “vỉa” ở các vụng xung quanh đảo. Thấy tôi lóng ngóng với mớ đồ câu, anh Thanh chỉ một hòn đá khá bằng phẳng bảo lên đó ngồi cho gần với “Tòng cháy”, để “có gì chú ấy giúp cho”.
“Tòng cháy” tên thật là Trần Bá Tòng, “biệt danh” được các “cần thủ” phong tặng bởi “những nơi ông ngồi câu đã tạo thành những vết xém cháy làm bạc phếch cả đá hà”.
Trái với vẻ ngoài dữ tợn, “Tòng cháy” là người khá cởi mở và hay chuyện, ông bảo, cá cháp là loài cá tinh ranh và thường đi theo đàn, khi câu quan trọng nhất là phải câu được con cá đầu đàn. Khi đó, đàn cá cứ luẩn quẩn quanh đó tìm mồi, người câu sẽ dễ dàng bắt được cả đàn. Điều tối kỵ là để con cá đầu đàn bỏ đi, kéo cả đàn đi theo. Vì thế, để xổng mất con cá này thì tốt nhất là chuyển sang vỉa khác, vì cá sẽ không tiếp tục ăn mồi nữa.
Vậy nên mới nói cái thú câu đêm này cũng không ít công phu. Một tay câu có nghề thường thận trọng từ khâu chọn cước, chọn lưỡi đến việc muối mồi, chọn chỗ ngồi câu, tất cả những khâu như vậy không phải ai cũng làm được mà phải là những tay câu lão luyện có ít nhất vài năm kinh nghiệm. Cước câu và lưỡi câu phải nhiều loại để phù hợp cho từ loài cá, hôm nào phát hiện có cá to là phải nhanh chóng thay cước và lưỡi câu. Mồi cũng vậy, nếu câu cá cháp thì mồi dứt khoát phải chế từ gan con sam biển; cá vược thì ưa tôm sống, cá song, cá sủ sao, cá côi thì lại khoái mồi từ đồng loại hơn. Ở Cát Bà, cá cắn về đêm chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng đặc biệt nhất vẫn là loại cá cháp.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm “bám biển”, ông Tòng chỉ cần “nghe” cá cắn câu là biết loại cá gì, ví dụ như cá cháp cắn ban đầu chỉ hơi bập mồi, bập khoảng một, hai cái sau đó rút mạnh độ một mét cước rồi dừng lại. Người câu không có kinh nghiệm chỉ cần giật mạnh cần câu là mất cá ngay vì lúc này cá chưa đớp hẳn mà mới chỉ mớm mép ngoài. Tay câu có nghề sẽ rút cước từ từ để cá theo mồi nuốt hẳn thì “tóm” được cá một cách dễ dàng.
Với loại cá côi thì lại khác hẳn. Đớp mồi nhanh và rút rất mạnh xuống nước, trường hợp này cũng không thể rút dây câu ngay (vì đứt cước) mà phải thả dây thoải mái theo độ sâu của cá, khi cá dừng thì thu cước lại, cứ như thế con cá sẽ mệt. Có những tay câu phải rong cá đến 30 phút mới đưa được cá lên bờ. Cái thú câu cá chính là ở lúc này, sự hân hoan phấn khởi trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau từ hồi hộp, lo lắng đến vui sướng. Nếu bị mất cá thì tiếc nuối, thẫn thờ. Có nhiều tay câu khi mất cá to còn ngồi đờ đẫn như kẻ mất hồn…Với các loài cá song, cá vược, cá sủ sao, cá giò… thì mỗi loài đều có cách cắn riêng và mỗi tay câu cũng tuỳ theo kinh nghiệm mà có cách câu phù hợp.
Nhìn những “cần thủ” trong những bộ quần áo luộm thuộm, ít ai biết rằng trong số họ có người là công chức nhà nước đang giữ những chức vụ quan trọng, có người là chủ các doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt tại đảo Cát Bà. Ban ngày căng thẳng với công việc, ban đêm họ chọn loại hình giải trí “giời đày” này để thư giãn, với sự tĩnh lặng nhưng không kém hồi hộp.
Khoảng 23 giờ, đoàn câu bắt đầu thu quân, lần lượt từ người gần nhất cho đến người xa nhất và lúc này là lúc những nét mặt được thể hiện rất khác nhau. Người câu được nhiều cá thì bắt đầu kể về những lần con cá cắn thế nào, cảm giác hồi hộp xen lẫn thích thú khi rong con cá và cuối cùng là vui sướng tột độ khi lôi được nó lên bờ. Người câu được ít cá thì tỏ vẻ tiếc nuối vì những lần để xổng cá nhưng nhìn chung tất cả đều vui vì cuộc chơi đêm thú vị.
Câu đêm trên đảo Cát Bà không nhằm mục đích “lấy cá” mà điều cốt yếu là được hưởng được cái không khí trong lành của biển sau một ngày làm việc vất vả, để nạp “nhiên liệu” cho ngày hôm sau làm việc tốt hơn.
Nghề câu cá đêm ngoài việc phải có kỹ thuật điêu luyện các tay câu còn phải trang bị cho mình những kinh nghiệm cần thiết về con nước lên xuống, địa điểm các bãi cồn, nơi nào cá thường đến, vào giờ nào, hôm nay mấy con nước để quăng câu xa hay gần...

Tin mới