Bảo tàng Quốc gia Alexandria suýt bị cướp phá sau ngày "Thứ Tư đẫm máu" 14/8/2013. |
Đối mặt với làn sóng bất ổn, chính phủ lâm thời Ai Cập đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Ở một số khu vực đã áp đặt lệnh giới nghiêm. Trong tình trạng khẩn cấp, quân đội có quyền cùng với cảnh sát tham gia vào các hoạt động đặc nhiệm chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan. Sau khi những kẻ cướp phá có âm mưu đột nhập vào Bảo tàng Quốc gia Alexandria, chính phủ Ai Cập ̃ ra lệnh đóng cửa tất cả các bảo tàng và các địa điểm khảo cổ trong nước.
Về vấn nạn này, chuyên gia Gumer Isaev - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông ở St Petersburg – nhận định: “Chúng ta đều biết rằng Ai Cập là một trong những trung tâm nghiên cứu thế giới cổ đại. Mặc dù nhiều cổ vật quý được trưng bày ở nước ngoài (ở Anh và Đức) nhưng, cho đến nay, Ai Cập vẫn sở hữu một trong những bộ sưu tập cổ vật quý báu nhất trên thế giới. Như đã từng xảy ra ở Trung Đông, nhiều bảo tàng bị cướp trong khi hỗn loạn. Một ví dụ điển hình là trường hợp Iraq. Sau sự sụp đổ của chế độ Hussein, các viện bảo tàng đã bị cướp phá nghiêm trọng. Và vấn đề chính không phải là những kẻ cướp mà là những tên trộm chuyên nghiệp đánh cắp các báu vật để bán lại. ‘Ngành kinh doanh’ này khá phổ biến ở Trung Đông”.
Lần này cũng như trong năm 2011, Thư viện Alexandria suýt nữa đã trở thành nạn nhân của tình trạng bất ổn. Hàng trăm người ủng hộ “Anh em Hồi giáo” đã có âm mưu xông vào thư viện, nhưng đã bị cảnh sát và dân chúng xua đuổi.
Những người theo đạo Thiên chúa ở Ai Cập đột nhiên bị lôi cuốn vào cuộc xung đột giữa những người ủng hộ Mursi và chính quyền lâm thời. Các nhà thờ của họ đã trở thành mục tiêu tấn công của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Sau khi tình trạng bất ổn từ Cairo lây lan sang các thành phố khác, ít nhất 7 nhà thờ Thiên chúa giáo đã bị đốt cháy vì những người Hồi giáo cực đoan đốt phá, ném bom xăng.
Bộ Ngoại giao một số nước châu Âu và Nga đã khuyến cáo công dân nước mình không đi du lịch đến Ai Cập. Còn những người đang hiện diện ở Ai Cập, các cơ quan ngoại giao khuyến cáo hạn chế đi lại và không gia hạn thời gian ở lại đất nước bất ổn này.
Du lịch là một trong những trụ cột của kinh tế Ai Cập. |
Việc giảm lưu lượng khách du lịch sẽ có hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với Ai Cập. Chuyên gia Gumer Isaev nói: “Nền kinh tế Ai Cập được đặt trên ba trụ cột: trước hết là ngành du lịch, thứ hai là doanh thu từ kênh đào Suez, và thứ ba - tiền gửi về nhà của những công dân Ai Cập đang làm việc ở nước ngoài (chủ yếu ở các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư). Kinh doanh du lịch Ai Cập bao gồm không chỉ các khách sạn và cơ sở hạ tầng. Ngành này bảo đảm việc làm cho hàng chục và hàng trăm nghìn người trong các ngành liên quan một cách gián tiếp với kinh doanh du lịch. Đây là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Ai Cập”.
Tình hình Ai Cập đã trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi cảnh sát đã giải tán hai trại lều của những người ủng hộ "Anh em Hồi giáo" ở Cairo vào ngày 14/8. Theo lời của những người chứng kiến, cả hai bên đã sử dụng vũ khí nóng. Ngay sau đó, làn sóng bạo loạn lan sang các thành phố khác. Kết quả là, theo số liệu chính thức, hơn 600 người đã bị thiệt mạng, trong đó có hơn 40 nhân viên cảnh sát.