(Kiến Thức) - Dù có lịch sử phát triển, hoạt động gần 50 năm và có trong biên chế quân đội 40 nước, tuy nhiên chỉ có duy nhất một quốc gia ở Đông Nam Á sở hữu những chiếc xe tăng huyền thoại T-72,
Trà Khánh
Xem toàn bộ ảnh
Theo đó trong hơn 25.000 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 từng được chế tạo thì chỉ có khoảng 139 chiếc đang hoạt động tại Đông Nam Á, thậm chí tính luôn cả biến thể “họ hàng xa” của T-72 là PT-91M (do Ba Lan chế tạo) thì con số này cũng chưa tới 200 chiếc. Và đội quân duy nhất trong khu vực duy trì xe tăng T-72 trong biên chế của mình chính là Myanmar. Nguồn ảnh: tvzvezda.ru.
Cụ thể, quân đội Myanmar là lực lượng vũ trang duy nhất trong khu vực Đông Nam Á sở hữu xe tăng T-72 do Liên Xô chế tạo trước đây và số T-72 của Myanmar hiện tại chỉ vỏn vẹn 139 chiếc và tất cả đều là biến thể T-72S. Nguồn ảnh: tvzvezda.ru.
Xe tăng T-72S là biến thể xuất khẩu đầu tiên của T-72 được Liên Xô trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-1 và được phát triển dựa trên biến thể T-72B và nó còn được biết tới với một cái tên khác là T-72M1M. Sau Liên Xô tan rã, Quân đội Nga cũng bắt đầu đưa vào trang bị T-72S với số lượng nhất định. Nguồn ảnh: tvzvezda.ru.
Dù có hình dáng bên ngoài khá giống với T-72B được Liên Xô phát triển trong giữa những năm 1980 thế nhưng T-72S vẫn có những điểm khác biệt nhất định. Theo đó trên biến thể T-72 xuất khẩu này chỉ được trang bị 155 miếng giáp phản ứng nổ Kontakt-1 thay vì 227 miếng như trên T-72B nguyên mẫu. Nguồn ảnh: tvzvezda.ru.
Tuy nhiên, giáp phản ứng nổ trên T-72S cũng được bố trí ở các vị trí như trên T-72B gồm phía trước thân xe, xung quanh tháp pháo và váy giáp hai bên thân xe. Còn Kontakt-1 là thế hệ giáp phản ứng nổ (ERA) đầu tiên của Liên Xô, được thiết kế để chống lại các loại vũ khí chống tăng cầm tay và đạn pháo chống tăng. Nguồn ảnh: tvzvezda.ru.
Ngoài giáp phản ứng nổ Kontakt-1, T-72S còn được trang bị hệ thống chống vũ khí sinh hóa học NBC nhưng chỉ là biến thể rút gọn và không có lớp lót chống bức xạ, bên cạnh đó nó còn được tích hợp cụm ống phóng lựu đạn khói 902B Tucha ở hai bên tháp pháo tương tự T-72B. Nguồn ảnh: tvzvezda.ru.
Loại xe tăng này được trang bị một động cơ diesel V-84 làm mát bằng chất lỏng. Loại động cơ này có tổng công suất 840 sức ngựa, giúp T-72S di chuyển được với tốc độ tối đa 60 km/h trên đường tốt và 35 km/h khi di chuyển trên đường gồ ghề. Dự trữ hành trình của xe đạt 500 km với thùng nhiên liệu chính. Nguồn ảnh: tvzvezda.ru.
Từ một số ưu điểm trên có thể thấy, T-72S là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất của Quân đội Myanmar trước khi họ được trang bị xe tăng MBT-2000 mua từ Trung Quốc. Dù vậy so về khả năng chiến đấu và sự bền bỉ, xe tăng của Liên Xô vẫn tỏ ra nhỉnh hơn so với Trung Quốc. Nguồn ảnh: tvzvezda.ru.
Có một điều khá thú vị là những xe tăng T-72S này của Myanmar được nước này mua từ Ukraine chứ không phải mua từ Liên Xô hay Nga. Tính tới năm 2015, Quân đội Myanmar có trong biên chế tổng cộng 139 chiếc T-72S tương đương với 3 trung đoàn. Nguồn ảnh: MMilitary.
Về hệ thống vũ khí, T-72S của Myanmar được trang bị pháo 2A46 nòng trơn cỡ nòng 125mm kèm súng máy 7,62mm PKT đồng trục và súng máy phòng không 12,7mm NSVT ở vị trí trên nóc tháp pháo của trưởng xe. Nguồn ảnh: MMilitary.
Ngoài các loại đạn pháo 125mm thông thường, T-72S của Myanmar cũng có thể triển khai tên lửa chống tăng qua nòng pháo chính với tên lửa 9M119 Svir có tầm bắn từ 100-4000 mét. Tuy nhiên, với mẫu tên lửa này khi khai hỏa T-72S bắt buộc phải dừng lại. Nguồn ảnh: MMilitary.
Trên thế giới hiện tại ngoài Myanmar vẫn còn khá nhiều quốc gia sử dụng T-72S với nhiều biến thể khác nhau, thậm chí Nga cũng đã có các gói hiện đại hóa dành cho biến thể T-72 này, cho phép nó có thể tiếp tục phục vụ lâu hơn trên chiến trường hiện đại. Còn đối với Myanmar trong tương lai gần họ vẫn sẽ độc tôn ở vị trí quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu chiếc xe tăng huyền thoại T-72. Nguồn ảnh: MMilitary.
Mời độc giả xem video: Những hình ảnh hiếm hoi về xe tăng T-72S của Myanmar (nguồn Myanmar Defence)