Mới đây trên một hội nhóm yêu nấu ăn, bà mẹ 8X Trần Quế Phương (nhân viên văn phòng, hiện đang ở Pháp) đã chia sẻ thực đơn chuẩn bị đồ ăn cho con khiến nhiều người bất ngờ bởi sự phong phú, đa dạng và bắt mắt.
Được biết, hiện tại khu nhà của chị Phượng đang bị phong tỏa do dịch Covid-19 nên chị có nhiều thời gian rảnh bày biện làm đồ ăn ngộ nghĩnh cho con. Qua các đĩa ăn, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những nhân vật đã gắn liền với tuổi thơ như Totoro, Snoopy hay chuột Mickey...
'Mình thường lấy ý tưởng từ các quyển sách, bài hát của con, hoặc bất cứ đề tài gì mà hai mẹ con vừa trò chuyện cùng nhau. Mình thường phác thảo ý tưởng ra giấy trước khi bắt tay vào làm để tiết kiệm thời gian. Mình mất 1 tiếng nấu cơm cho cả nhà và lấy ra một phần nhỏ để trang trí đĩa cơm cho bé, thời gian trình bày khoảng 5-10 phút.
Mình đặc biệt chú trọng đến cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, bao gồm cả tinh bột, đạm, rau xanh. Mình cũng thường chọn rau củ nhiều màu sắc để có nhiều vitamin, khoáng chất và trang trí thêm đẹp mắt. Thức ăn khi dọn ra phải nóng sốt đảm bảo con ăn ngon miệng', chị Phượng cho biết.
'Ngựa vằn' bao gồm ức gà rô ti cắt lát, cải làn luộc, cơm trắng.
Bé Dưa (3 tuổi) nhà chị Phượng khá dễ ăn, hầu như món ăn nào mà mẹ nấu bé đều thích. Chị cho biết, bé thường reo lên mỗi khi được mẹ chuẩn bị cho những đĩa cơm ngộ nghĩnh, rồi vừa miêu tả 'đây là bạn gì, có mắt làm bằng gì, trong đĩa ăn có cây cỏ,mây trời hay con vật gì'…
Để làm nên một đĩa đồ ăn đẹp, chị Quế Phượng cho biết cần thực hiện theo 6 bước, gồm lên ý tưởng, nấu cơm, làm món tốn nhiều thời gian xử lý, cắt tỉa rau củ, bày biện như mục đích ban đầu.
'Chó con chổng mông' gồm đậu hũ ma bà (ko cay), ăn kèm cơm, đậu rồng luộc, bắp ngô.
Chị Quế Phượng chia sẻ mọi người có thể sử dụng nước ép rau củ để làm màu cho cơm. Cách làm là khi cơm gần chín thì cho một chút nước ép vào góc nồi rồi đậy nắp lại. Một cách khác có thể áp dụng là trộn cơm với các loại sốt từ thịt kho, đồ xào, xì dầu...
Để tạo hình, bạn cần bỏ cơm vào màng bọc thực phẩm, quay vòng cho đến khi thành hình tròn. Sau đó, việc nặn hình cũng giống như chơi với đất sét. Khi đã tạo hình xong, bạn cần để nguyên trong màng bọc để tránh cơm bị khô.
Việc tỉa rau củ đòi hỏi sự tỉ mẩn và trình độ sử dụng dao, kéo của người làm bếp. Phần rau củ thừa có thể dùng để làm súp, ép thành detox hoặc cắt nhỏ, xào thập cẩm, rang cơm...
Sau khi trình bày thành quả của mình trên một hội nhóm làm bếp, bài đăng của Quế Phương đã nhận về gần 20.000 lượt bày tỏ cảm xúc và 4000 lượt share.
Những đĩa cơm đẹp mắt khác của bà mẹ 8X này: